Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Colin Willet vừa cho biết, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục giữ vai trò như trước nay ở Biển Đông.
Đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) ở Biển Đông đang là một trong những mối quan tâm lớn của truyền thông quốc tế.
Trong cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với báo giới các nước Châu Á – Thái Bình Dương sáng ngày 14/7, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Colin Willet cho biết Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò như trước nay ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA).
Khi được hỏi, sau phán quyết của PCA nghiêng về phía Philippines trong tranh chấp giữa nước này và Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ có kế hoạch hành động gì trong thời gian tới tại khu vực nhạy cảm này, câu trả lời của bà Willet tương đối an toàn.
Bà Willet cho rằng “Mỹ đã hiện diện ở khu vực hơn một thập kỷ nay và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải tại đây, cũng như có mối quan hệ gần gũi với các nước, trong đó có cả Trung Quốc, và Mỹ sẽ tiếp tục như vậy”.
Theo bà Willett, Phó Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề đa phương trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, phán quyết của PCA rất rõ ràng và mang tính ràng buộc với tất cả các bên có liên quan.
Việc cần làm hiện tại là các bên tranh chấp phải bình tĩnh, tập trung dành thời gian xem xét kỹ lưỡng nội dung của phán quyết để có hướng hành động hợp lý, tránh các hành động mang tính gây hấn, đặc biệt không sử dụng vũ lực.
Trước đó một ngày, trên đài VOA, bà Willett cũng cho hay cuộc họp ASEAN sắp tới sẽ là cơ hội cho các nước đưa ra “con đường tiến tới tương lai”. Giới chức Mỹ đang khuyến khích đối thoại về vấn đề Biển Đông, hướng tới cuộc họp khu vực ASEAN trong tháng 7 này. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhiều khả năng sẽ có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Dennis Blair, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đề nghị chính quyền Washington tuyên bố sẵn sàng dùng lực lượng quân sự để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại các thực thể đất đai tranh chấp ngoài khơi bờ biển Philippines.
Trao đổi với Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện chuyên về các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương và chính sách an ninh mạng quốc tế, ông Blair kêu gọi, “hãy nói rõ rằng Mỹ sẽ hậu thuẫn Philippines chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, bằng sức mạnh quân sự nếu cần”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 2 ngày sau phán quyết được xem là mang tính lịch sử của PCA về một tranh chấp trên Biển Đông, chính quyền Washington có vẻ vẫn đang suy nghĩ rất cặn kẽ về bước đi kế tiếp của mình trong vấn đề này.
Hôm 13/7, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ giải pháp ôn hòa thông qua ngoại giao và đối thoại, khẳng định “chúng tôi hy vọng đây không phải là bước ngoặt dẫn đến mâu thuẫn sâu hơn”.
Vài giờ trước khi phán quyết được PCA đưa ra, nhiều chuyên gia đã dự đoán Trung Quốc sẽ một mực phản đối và không công nhận phán quyết.
Và những dự đoán này đã đúng khi ngay sau khi có kết quả của PCA rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường chín đoạn”, các cấu trúc ở Biển Đông, những hành động hủy hoại môi trường, cản trở ngư dân Philippines của Trung Quốc là sai luật biển quốc tế, nước này đã lên tiếng trên nhiều mặt trận từ ngoại giao, quân sự đến nghệ thuật.
Phán quyết của PCA liệu sẽ mở ra một chương hòa bình mới hay một bước ngoặt mâu thuẫn sâu hơn, chưa biết được, nhưng rõ ràng đó là một phán quyết mang tính lịch sử trong tranh chấp Biển Đông.