Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc hành động nóng ở Biển Đông: Việt Nam làm gì?

Trung Quốc hành động nóng ở Biển Đông: Việt Nam làm gì?

“Hoạt động phát triển kinh tế của Trung quốc đang gây họa cho môi trường của đất nước họ ngay trên đất liền, thậm chí cả ở thủ đô”.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc

Đó là nhận định của ông Phan Vĩnh Trị – nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin với chúng tôi, trước câu chuyện Trung Quốc triển khai hàng loạt các hoạt động trên Biển Đông thời gian qua.

Phá hoại môi trường là hành vi khó có thể biện bạch

PV:– Trung Quốc vừa tuyên bố đang tiến gần hơn đến việc hoàn thiện các nhà máy điện hạt nhân trên biển tại khu vực Biển Đông.Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cũng đã tiết lộ rằng, họ đang phát triển các bến cảng nổi đa chức năng để triển khai đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rõ Trung Quốc đang gấp rút hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở để cung cấp mọi dịch vụ cho các hoạt động phi pháp trên biển Đông từ khai thác tài nguyên biển cho đến hàng không dân dụng, quân sự…

Tuy nhiên, Tòa trọng tài thường trực vừa ra phán quyết về tranh chấp trên biển Đông, theo ông, điều này có tác động đến ý đồ trên của Trung Quốc hay không?

Ông Phan Vĩnh Trị:– Ngay từ đầu, Trung quốc đã tuyên bố không tham gia vụ kiện, không chấp nhận thẩm quyền của tòa Trọng tài quốc tế. Khi tòa phán quyết, họ cũng tuyên bố bác bỏ.

Vì vậy, có hai khả năng: Một là, Trung quốc tiếp tục cậy mạnh, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế và cũng để đánh lạc hướng dư luận trong nước trước tình trạng kinh tế nội bộ suy thoái, khủng hoảng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động lấn chiếm trên biển Đông.

Hai là, nếu sự phản đối của quốc tế đủ mạnh, Trung Quốc có thể giảm bớt mức độ, tinh vi hơn nhưng ý đồ và thực tế lấn chiếm biển Đông của họ sẽ không thay đổi.

PV:– Được biết, các bến cảng nổi đa chức năng này có thể dùng làm nơi neo đậu cho các tàu quân sự và dân sự có trọng tải tới 1.000 tấn của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển tranh chấp; làm trạm bảo dưỡng và sửa chữa cho các tàu cá; đặt máy phát điện, kho trữ nước và cung cấp nước sạch, khử muối nước biển, thu gom nước mưa và kho chưa thiết bị, vật tư…

Với quy mô hoạt động lớn như vậy, công nghệ xử lý chất thải của Trung Quốc lại lạc hậu ngay cả trên đất liền, vậy khi Trung Quốc làm trên biển Đông thì sẽ gây họa cho môi trường biển đến đâu? Có cơ chế nào để kiểm soát họ không, thưa ông?

Ông Phan Vĩnh Trị– Hoạt động phát triển kinh tế của Trung quốc đang gây họa cho môi trường của đất nước họ ngay trên đất liền, thậm chí cả ở thủ đô. Tuy nhiên trên biển Đông, họ khó tự tung tự tác hơn vì hai lý do:

Thứ nhất, đó là vùng đang tranh chấp, tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của nhiều nước.

Thứ hai, trong phán quyết vừa rồi, tòa Trọng tài cũng đã lên án hành vi phá hoại môi trường của Trung quốc. Phá hoại môi trường là hành vi khó có thể biện bạch, do đó hy vọng là Trung quốc cũng phải thận trọng hơn.

Việt Nam cần chủ động và kiên quyết

PV:– Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia về hải dương học, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, các bến cảng, hiện nay các nước trên thế giới cũng chưa phát triển nhiều, chính vì thế, nguy cơ ô nhiễm môi trường và an ninh trên biển là rất cao.

Theo ông, nguy cơ ô nhiễm môi trường, cũng như vấn đề đảm bảo an ninh trên biển của các dự án trên nếu triển khai sẽ như thế nào?

Ông Phan Vĩnh Trị– Biển và nhất là vùng biển Đông nhiều bão lớn có nguy cơ rất cao về các tai nạn tự nhiên phá hoại các công trình của con người, ảnh hưởng đến môi trường.

Thảm họa hạt nhân vừa rồi ở Nhật do động đất, sóng thần là một ví dụ. Chống lại nguy cơ đó hoàn toàn phụ thuộc ý thức và năng lực khoa học, công nghệ.

Không thể loại trừ hoàn toàn nhưng có thể giảm xác suất sự cố xuống tối thiểu. Có điều sẽ rất tốn kém.

PV:-Với Việt Nam chúng ta cần ứng xử và có những hành động cụ thể ra sao? Xin ông phân tích cụ thể?

Ông Phan Vĩnh Trị– Trước tiên là vấn đề nhận thức. Biển Đông đối với chúng ta ngoài ý nghĩa chủ quyền còn có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và môi trường.

Bị xâm lược trên biển, các hoạt động kinh tế như khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản, du lịch, hàng hải…đều bị ảnh hưởng xấu và kinh tế biển chỉ còn là mơ tưởng.

Ngoài ra như vụ Formosa vừa rồi cho thấy, một thảm họa môi trường trên biển Đông có nguy cơ lan khắp bờ biển nước ta, thậm chí vào sâu trong đất liền do các dòng hải lưu, các luồng gió mùa và các cơn bão.

Vì vậy chúng ta cần tích cực, chủ động và kiên quyết, liên kết cùng các nước khác chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trên vùng biển này, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động có nguy cơ của Trung quốc trên biển và phản ứng thích đáng.

Để làm điều đó, chúng ta cần đa dạng hóa sự có mặt trên biển. Đây là việc phải có chủ trương và tổ chức thực hiện của nhà nước, những con tàu cá đơn lẻ của ngư dân hoặc vài con tàu cảnh sát biển, kiểm ngư bé nhỏ không thể đảm đương nổi.

Tận dụng những con tàu cũ hoán cải thành những căn cứ nổi, di động, có mặt ở nhiều nơi, lập những đội tàu cá có tổ chức, quy mô vừa đủ…là những việc khả thi, trong khả năng kinh tế hiện tại có thể thực hiện được.

RELATED ARTICLES

Tin mới