Friday, January 10, 2025
Trang chủNước Việt đẹpChuyện như đùa ở Việt Nam

Chuyện như đùa ở Việt Nam

Trong xã hội chúng ta hiện nay có nhiều chuyện xảy ra rất kỳ nhưng nó không còn được người dân xem là chuyện lạ nữa.

 

Làm cán bộ, lãnh đạo trước hết phải tâm niệm mình là “công bộc” của dân 

Luôn phá vỡ kỉ lục của chính mình

Đó không gì khác hơn là đường ống nước sạch sông Đà. Đây không còn là chuyện lạ vì nó đã trở thành “truyền thống”. Theo thông tin trên báo chí thì ngày 11/7 nó đã bị vỡ đến lần thứ…18!

Việc nó luôn phá vỡ kỉ lục của chính mình chẳng làm cho ai vui mừng như việc phá vỡ kỉ lục trong các môn thể thao, mà ngược lại nó làm cho người dân cảm thấy rất “bất an” khi bỗng nhiên bị ngừng cấp nước sạch.

Và, lần này cũng vậy hàng ngàn người dân ở phía Tây Nam, Hà Nội đã bị ngừngcấp nước sạch trong ngày 11/7.

Vâng, với “truyền thống” luôn phá kỉ lục này, không một ai dám chắc được rằng đường ống nước sạch sông Đà sẽ không tiếp tục “phá sâu” kỉ lục của chính mình trong tương lai.

Nếu không có các giải pháp xử lí căn cơ để ngăn chặn các sự cố trên thì chỉ có một sức mạnh thần kỳ nào đó mới đủ sức chặn lại cái “kỉ lục” đáng buồn này.

Đi tập huấn ở Đồ Sơn, Ba Vì

Vừa qua, trên một tờ báo đưa tin, vào 10 giờ sáng ngày thứ 6 (1/7) một người dân đến phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để chứng thực giấy tờ thì trụ sở ủy ban đóng cửa không làm việc, hỏi bảo vệ thì được trả lời là toàn bộ cơ quan lên quận tập huấn. 

Sau đó, qua tìm hiểu, người dân kia mới được biết là toàn thể cán bộ của phường đã đi Đồ Sơn để nghỉ mát ba ngày, đến chủ nhật mới về.

Cũng có thể nói đi tập huấn là chiêu để “dối dân” của phường nhưng nếu  các vị “công bộc” ấy đi Sầm Sơn để tập huấn cách bơi lội, bơm phao, cứu hộ, cứu nạn, kiểm tra chất lượng hải sản… thì sao?

Chuyện tương tự cũng xảy ra tại phường Thụy Phương thuộc quận Bắc Từ Liêm. Sáng thứ 7 (2/7), Uỷ ban nhân dân phường dán thông báo đi tập huấn, không làm việc, sau đó người dân mới biết được các vị “đầy tớ” của dân này đi… thực tế ở Ba Vì. Cái này thì cũng có thể các vị ấy muốn đi tập huấn một cách rất thực tế tại… thực địa!

Hiện nay Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đang yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra các sự việc trên báo cáo kết quả để thành phố xem xét xử lý.

Và cũng đã có một trong hai chủ tịch phường nêu trên đã “xin nhận trách nhiệm và nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, việc bỏ nhiệm sở, không làm việc để đi lễ chùa, đi du lịch, nghỉ mát ở nhiều cơ quan hiện nay với các lí do đi tập huấn, đi học tập kinh nghiệm, đi thực tế không còn là chuyện lạ ở các cơ quan, đơn vị.

Người viết thiết nghĩ rằng, nếu không có biện pháp xử lí nghiêm minh mà chỉ bằng các cách kiểu như “xin lỗi”, “kiểm điểm nghiêm túc”  hoặc “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì hiện tượng này còn diễn ra dài dài.

Trên bảo dưới không nghe

Trên bảo dưới nghe đó là chuyện bình thường, trên bảo dưới không nghe thì đó là chuyện bất thường nhưng hiện tượng này xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội nên nhiều người không còn coi nó là chuyện lạ!

Câu chuyện “cắt nóc” ngôi nhà siêu khủng 8B Lê Trực là một minh chứng rõ nhất cho điều này. Thủ tướng Chính phủ đã hai lần chỉ đạo mà không “nhúc nhích”, đến mức ngày 29/6 Thủ tướng lại phải chỉ đạo đến lần thứ ba.

Hay câu chuyện “bỏ họp” của Thủ đô Hà Nội cũng vậy. Ngày 5/7, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 mà có tới 7/13 lãnh đạo Uỷ ban nhân dân quận, huyện không tham dự và cũng không báo cáo lí do vắng mặt.

Ngoài ra, còn các chuyện các bộ, ngành, địa phương tự đưa ra “giấy phép con” theo kiểu tréo ngoe “trên rải thảm, dưới rải đinh” gây khó khăn cho doanh nghiệp hay như câu nói cửa miệng chẳng lấy gì làm hay ho lắm về Thủ đô: “Hà Nội không vội được đâu!”.

Vâng, để hiện tượng này không còn là “chuyện thường ngày ở huyện” thì cần có biện pháp xử lý rốt ráo các cơ quan, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là người đứng đầu, không chỉ bằng các hình thức phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm.              

Tóm lại, để các chuyện kỳ mà không lạ này ít xảy ra hoặc không xảy ra nữa thì các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc xử lý quyết liệt, triệt để với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm; tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Có như vậy, mới không gây bức xức cho nhân dân và không hóa thành “tiền lệ”  xấu trong tương lai!

RELATED ARTICLES

Tin mới