Mỹ hiện có tổng cộng 10 tàu sân bay, nhưng kể cả điều 11 tàu sân bay tới Biển Đông cũng vô dụng.
Tướng Bành Quang Khiêm.
Đó là tuyên bố của Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Bành Quang Khiêm tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới tổ chức tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh hôm 17/7. Bành Quang Khiêm hiện giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách an ninh quốc tế thuộc Hiệp hội Nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc.
Theo tướng Bành, nếu Mỹ muốn đe dọa vũ lực đối với Trung Quốc ở Biển Đông thì đó là một sai lầm. “Anh nghĩ tàu sân bay là cái gì? Bia sống thôi. Nếu động tới chúng tôi, chúng tôi sẽ vặn cổ từng chiếc một, không chừa một chiếc nào. Chúng tôi có năng lực đó”, tướng Bành nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc ở Hong Kong (Trung Quốc), tướng Bành còn phân tích thêm rằng hạm đội Mỹ muốn tiến vào Biển Đông phải xuất phát từ căn cứ ở Guam, tuyến cung cấp hậu cần dài, tốc độ chậm. Trong khi đó, nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông thì đối với Trung Quốc đó lại là “cuộc chiến ở cửa nhà”, được cung cấp hậu cần đầy đủ.
Tuy nhiên, cuối cùng, tướng Bành lại đổi giọng “vuốt ve Mỹ” khi nói rằng đây chỉ là… lời suy diễn, bởi Trung – Mỹ sẽ “không xảy ra chiến tranh ở Biển Đông”.
Trước đó, ngày 14/7, Thiếu tướng Kiều Lương, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc cũng có bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu, dọa nạt: Người Mỹ biết rõ, nếu khai chiến, 2 tàu sân bay (hiện đang hoạt động ở Biển Đông – PV) có thể sẽ không có đường quay về. Ông ta nhấn mạnh ưu thế địa lý của Trung Quốc ở Biển Đông, còn Mỹ từ xa đến.
Tuyên bố trên của tướng lĩnh Trung Quốc cho thấy, “hỏa lực miệng” nước này đang cố tình kích động xung đột tại Biển Đông. Trong khi thực tế, Mỹ đã nhiều lần khẳng định lời kêu gọi của nước này về một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Giữa tháng 6/2016, hai tàu sân bay Mỹ John C. Stennis và Ronald Reagan bắt đầu hoạt động chung tại vùng biển phía đông Philippines. Quan chức hải quân Mỹ cho rằng việc triển khai hai tàu sân bay là dấu hiệu thể hiện cam kết của nước này đối với an ninh khu vực.
“Là một quốc gia dẫn đầu ở Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì an ninh và thịnh vượng, một giải pháp hòa bình cho tình hình tranh chấp, các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, và tuân thủ thực hiện tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương”, thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nêu rõ.
Sau khi Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) tại La Hay, Hà Lan ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc vào ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là “đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình” cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Trong tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ “hy vọng và mong muốn” các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên.
Washington đồng thời hối thúc “tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích” sau khi PCA ra phán quyết này.