Thay vì đưa ra “điều kiện tiên quyết”, Trung Quốc nên đề xuất nội dung đàm phán song phương cụ thể, cũng như cơ chế pháp lý nào để hai bên có thể lựa chọn.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ảnh: EPA / The Straits Times.
The Straits Times ngày 19/7 đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm nay cho biết, nước ông đã từ chối đề nghị của Trung Quốc bắt đầu một tiến trình đàm phán song phương vì Bắc Kinh đặt điều kiện tiên quyết: Không được thảo luận về phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông mà PCA công bố hôm 12/7.
Ông Perfecto Yasay đã gặp người đồng cấp Vương Nghị bên lề hội nghị thượng đỉnh Á – Âu tại Mông Cổ cuối tuần qua.
“Họ nói rằng, nếu các ông nhấn mạnh vào phán quyết, thảo luận vấn đề theo mạch phán quyết thì chúng ta chỉ có thể đi đến đối đầu. Nhưng tôi thực sự cảm thấy rằng, có những thứ họ phải công khai nói như vậy, nhưng tôi vẫn tin là có không gian để chúng tôi có thể nói chuyện với nhau một cách thầm lặng qua kênh riêng.” Ngoại trưởng Philippines cho hay.
Ông Vương Nghị đã đề xuất vấn đề đàm phán song phương với ông Perfecto Yasay, nhưng chỉ xoay quanh các vấn đề “bên ngoài phán quyết trọng tài”. Tuy nhiên Ngoại trưởng Philippines đã từ chối, vì như vậy không thể đảm bảo lợi ích quốc gia của Philippines.
Ông Yasay hy vọng, phán quyết trọng tài sẽ khiến các nước ASEAN ra một tuyên bố chung, đồng thời phán quyết có thể giúp các nước láng giềng cũng đang phải đối mặt với tranh chấp từ Trung Quốc.
“Chúng tôi chưa thể tham gia vào các cuộc đàm phán song phương với bất cứ ai. Nhưng tôi muốn tìm hiểu xem làm thế nào chúng ta có thể theo đuổi các dàn xếp tạm thời nhất định, từ đó nó sẽ mở lối cho những cam kết cần thiết, song phương hoặc đa phương.” Ngoại trưởng Philippines cho biết.
Manila muốn thực thi từng bước các nội dung của phán quyết, nhưng ưu tiên trước hết là đàm phán với Trung Quốc cho ngư dân của mình quay trở lại đánh bắt ở Scarborough mà không bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc quấy rối.
Cá nhân người viết cho rằng, từ chối của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay với “điều kiện tiên quyết” ông Vương Nghị đưa ra là hoàn toàn chính xác. Bởi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa là tranh chấp đa phương, thì không thể đàm phán song phương mà có thể giải quyết.
Còn các tranh chấp khác liên quan đến việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 thì có thể có những tranh chấp hoàn toàn có thể giải quyết thông qua đàm phán song phương. Tuy nhiên Trung Quốc đòi gạt bỏ phán quyết trọng tài PCA công bố hôm 12/7 về ứng dụng và giải thích công ước thì còn gì có thể đàm phán?
Có thể Philippines không nhất thiết đòi hỏi Trung Quốc phải ngay lập tức chấp nhận và tuân thủ hoàn toàn phán quyết trọng tài, nhưng hầu hết các nội dung có thể đàm phán mà không làm ảnh hưởng tới yêu sách của mỗi bên đều liên quan đến việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, trong đó có quyền đánh cá ở Scarborough mà Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã có phán quyết rõ ràng.
Nếu Trung Quốc đòi gạt hết phán quyết trọng tài sang một bên, không được đưa bất kỳ nội dung nào trong phán quyết trọng tài lên bàn đàm phán, e rằng cũng chẳng khác gì điều kiện tiên quyết vô lý lâu nay, thừa nhận “chủ quyền Trung Quốc” trước, rồi đàm phán sau.
Điều này một lần nữa chỉ cho thấy thói hành xử cá lớn nuốt cá bé rất lạc hậu, lạc lõng với nhân loại văn minh ngày nay. Thay vì đưa ra “điều kiện tiên quyết”, Trung Quốc nên đề xuất nội dung đàm phán song phương cụ thể, cũng như cơ chế pháp lý nào để hai bên có thể lựa chọn làm căn cứ để đàm phán.
Chỉ có như thế hoạt động đàm phán mới đi vào thực chất và có khả năng đạt được hiệu quả. Còn nếu không, vẫn chỉ là những lời thiện chí “chót lưỡi đầu môi”, thậm chí là một cái bẫy pháp lý giăng sẵn chờ đối phương bước vào. Hành xử khôn lỏi như thế sẽ chẳng một quốc gia nào chấp nhận được.