Wednesday, December 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChủ nghĩa dân tộc: Con dao 2 lưỡi đã "cắt" vào tay...

Chủ nghĩa dân tộc: Con dao 2 lưỡi đã “cắt” vào tay Trung Quốc

Dùng chủ nghĩa dân tộc để củng cố chính sách bá quyền biển Đông, Trung Quốc lúc này lại phải giáo dục về “lòng yêu nước”, khi chính lực lượng quá khích đang làm hại nền kinh tế.

Dân Trung Quốc biểu tình ở Thâm Quyến ngày 16/9/2012 để phản đối chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: AP)

Phản đối kết quả về vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7, phần lớn người Trung Quốc đã thể hiện “lòng yêu nước” thái quá của mình khi có những hành vi trái pháp luật và đi ngược lại trật tự xã hội.

Bắc Kinh đứng trước mối lo “sự cố 2012” tái hiện, khi người dân Trung Quốc trở nên quá kích động với tâm lý “chống Nhật” do chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hàng loạt thương hiệu Mỹ bị tẩy chay

Hàng trăm bài viết tuyên truyền trên báo chí nhà nước Trung Quốc trước phán quyết PCA đã thu được “kết quả”: Một bộ phận không nhỏ người dân tin chắc “Mỹ là chủ mưu đứng sau ‘màn kịch’ vụ kiện biển Đông”.

Mới đây, vào sáng 17/7 có một số công dân Trung Quốc không rõ danh tính dùng băng rôn, khẩu hiệu bao vây cửa hàng KFC tại thành phố Lạc Đình, tỉnh Hà Bắc. 

Trên các băng rôn ghi rõ dòng chữ : “Tẩy chay hàng hóa Mỹ, Nhật, Hàn và Philipines. Tôi yêu dân tộc Trung Hoa, ăn KFC của Mỹ là mất mặt tổ tông!”

Những thông tin liên quan vụ việc này ngay sau đó đã trở thành cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều trên các mạng xã hội Trung Quốc như Sina, Weibo.

Được biết, sự kiện tẩy chay KFC không chỉ xảy ở Hà Bắc mà còn xảy ra ở ít nhất 11 huyện, thành phố khác tại đất nước tỷ dân này.

Trước đó, nhiều người đã xuống đường, đến chặn trước cửa các cửa hàng KFC và Mc Donald với biểu ngữ yêu cầu các thương hiệu này mau chóng rút khỏi Trung Quốc.

Hay chuyện về hình ảnh giấy “thông báo yêu nước” của một doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở tại Hàng Châu được đăng tải hôm 18/7 vừa qua cũng gây sự thu hút đặc biệt của cư dân mạng Trung Quốc.

Nội dung thông báo quy định rằng, những nhân viên công ty nếu sắp tới mua điện thoại iPhone7 của hãng Apple sẽ bị đuổi việc và không bao giờ được tuyển dụng lại. Nhân viên đang sử dụng các đời điện thoại iPhone sẽ được công ty hỗ trợ thêm khi đổi điện thoại hãng khác.

Bắc Kinh “giáo dục yêu nước đúng cách” khi đã quá trễ?

Khi hành vi được phần đông người Trung Quốc cho là thể hiện “tình yêu nước” đã đi quá giới hạn gây ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, kinh tế thì các cơ quan chức năng và giới truyền thông nước này mới luống cuống đưa ra một loạt những lời cảnh cáo nhằm hạ nhiệt dư luận.

Tân Hoa Xã kêu gọi “thống thiết” trong một bài xã luận mới đây, rằng “yêu nước không phải việc thể hiện cảm xúc cá nhân một cách bừa bãi, càng không phải là một cái cớ để bao che cho hành vi cố ý vi phạm”.

“Bởi yêu nước cũng cần tuân thủ pháp luật, có tình có lí. Thiếu đi đạo lý của luật pháp thì tình yêu nước rất dễ có thể bị hiểu sai lệch, bị lạm dụng, thậm chí có thể gây ra hiểu nhầm cho người khác,” bài xã luận viết

Nói về KFC, một số người Trung Quốc chỉ nhìn thấy đó là một thương hiệu của Mỹ nhưng không biết rằng trong thời kì toàn cầu hóa, hoạt động của các công ty đa quốc gia đã là “trong bạn có tôi, trong tôi có bạn”.

Chủ nghĩa dân tộc: Con dao 2 lưỡi đã cắt vào tay Trung Quốc - Ảnh 2.

Người dân treo băng rôn với nội dung tẩy chay thương hiệu KFC tại Trung Quốc. (Ảnh: Weibo)

Đối với nhiều công ty đa quốc gia, người dân thậm chí còn rất khó để phân biệt được công ty đó là của quốc gia nào. Bởi lẽ bất kể là từ vốn đầu tư, hay kinh doanh đều do con người tổ chức kết cấu, công ty đa quốc gia vẫn sẽ luôn luôn hướng theo mô thức “bản địa hóa”.

Tân Hoa Xã “phân trần”, như ngoài trụ sở chính đặt tại Hoa Kì và nhãn hiệu in ảnh đại diện của nhà sáng lập, Đại tá Harland Sanders, thì KFC ở Trung Quốc lại có nhiều điểm khác biệt so với các nước.

KFC Trung Quốc thường bán có cháo, quẩy cho bữa sáng và bán cả những món ăn nhanh kiểu Hoa khác. Đây đều là những thay đổi nhằm phù hợp với đặc điểm đời sống của người dân bản địa.

Truyền thông Trung Quốc cố gắng chỉ ra thông tin mà nhiều người dân nước này không hề biết, ngay từ những ngày đầu xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, KFC đã không phải là một công ty mang 100% vốn của Mĩ.

Cục Chăn nuôi thành phố Bắc Kinh là đơn vị đầu tiên có cổ phần của KFC, sau đó là Ngân hàng Trung Quốc.

Cho đến hiện nay, chuỗi cửa hàng KFC ngày càng được mở rộng khi một số chi nhánh của thương hiệu này tại Trung Quốc vẫn tiến hành hợp tác đầu tư với các đơn vị đại lục.

Một ý kiến khác cho rằng, kể cả khi KFC mang 100% vốn từ Mỹ thì quá trình phát triển kinh doanh của thương hiệu này cũng đem lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích.

Bằng chứng là tập đoàn công ty mẹ của KFC có khoảng hơn 7.000 cửa hàng ( bao gồm cả KFC, Pizza Hut… ) với hầu hết nhân công là người Trung Quốc.

Hơn nữa, nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho KFC cũng là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nói một cách khác, rất có thể bạn bè hay những người thân bạn bè của những người “yêu nước” này đang làm việc hoặc làm các công việc liên quan đến KFC.

“Như vậy, tẩy chay KFC rút cuộc là gây sức ép cho Mỹ, hay ‘đạp đổ bát cơm’ của chính những người Trung Quốc đang là câu hỏi lớn đặt ra trước mắt người dân bản địa,” Tân Hoa Xã nêu.

“Hãy yêu nước bằng cái đầu, đừng tự đem gạch đá mà chọi vào chân của mình” – thông điệp được nhà chức trách Trung Quốc nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới