Nhiều sản phẩm hàng hóa của Mỹ, Philippines bị tẩy chay ở Trung Quốc sau khi tòa án quốc tế ra phán quyết vụ kiện đường lưỡi bò.
Người dân Trung Quốc biểu tình tẩy chay KFC. Ảnh: Shanghaiist
Phẩm giá đập phá?
Một số báo cáo cho biết nhiều người dân Trung Quốc đổ lỗi cho Washington về việc tòa án quốc tế bác bỏ tuyên bố về chủ quyền biển của Bắc Kinh đã kêu gọi tẩy chay hãng Gà rán Kentucky (KFC) trong các cuộc biểu tình bên ngoài chi nhánh của chuỗi nhà hàng này tại ít nhất 12 tỉnh thành trong nước.
Theo trang Rappler.com, gần đây, chủ nghĩa quốc quyền đã và đang ngày một lên cao tại Trung Quốc từ sau việc hệ thống tên lửa phòng thủ THADD được trang bị tại Hàn Quốc và phán quyết của PCA về Biển Đông.
Thái độ thù địch đối với Mỹ càng gia tăng hơn khi nhiều công dân Trung Quốc tin rằng chính Mỹ đã đứng sau giật dây cho những sự kiện kể trên.
Vào tuần trước, ảnh chụp những chiếc iPhone bị đập nát đã lan truyền trên mạng Weibo, kèm theo đó là lời cam kết tẩy chay hàng Mỹ của một số cư dân mạng.
Khách hàng trên Taobao cũng bắt đầu tẩy chay xoài Philippines. Và gần đây nhất, những cuộc biểu tình tẩy chay KFC xảy ra tại nhiều nhà hàng rải rác từ tỉnh Hà Bắc tới tỉnh Hồ Nam cách đó khoảng 1.600 km.
Đám đông người biểu tình giơ cao biểu ngữ và hô khẩu hiệu chống Mỹ bên ngoài nhà hàng. “Hãy ra khỏi Trung Quốc đi, hỡi KFC và McDonalds”, một biểu ngữ viết.
Những cuộc biểu tình bắt đầu vào cuối tuần trước ở Hà Bắc, trước khi lan rộng tới nhiều thủ phủ khác ở miền nam như Trường Sa hay Hàng Châu.
Đứng trước những cuộc biểu tình này, Tiến sĩ chính trị học quốc tế Luo Xi thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc ngày 19/7 gọi đây là “lòng yêu nước”, chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc.
Luo Xi bình luận: “Có thể chẳng có gì ngạc nhiên khi Hội đồng Trọng tài công bố phán quyết không thuận lợi như vậy (đối với Trung Quốc), nhưng có chút bất ngờ rằng ở Trung Quốc, lòng yêu nước đã được tích lũy đến mức độ đoàn kết, thống nhất chưa từng có.
Những phản ứng rõ ràng từ cộng đồng xã hội Trung Quốc có một số tác động. Khi nói đến vấn đề Biển Đông, các học giả và giới quan sát thường chỉ tập trung vào giới tinh hoa chính trị, hoặc các hành vi ngoại giao của phía Trung Quốc.
Phản ứng từ người dân bình thường hay cảm xúc của họ hiếm khi nào được đề cập, nghiên cứu, thảo luận về nó ít hơn nhiều so với các chủ đề cốt lõi của nó, hoặc so với “chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc.
Theo truyền thống, chúng ta thường mong đợi rằng khi điều kiện sống đã được cải thiện, các tầng lớp xã hội khó trở thành cực đoan vì nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng.
Tuy nhiên trái với dự đoán, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang trỗi dậy, gia tăng chứ không giảm, mặc dù GDP bình quân đầu người đã tăng vọt với những ngưỡng lịch sử mới. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?”.
Vị tiến sĩ này còn nhận xét: “Bất luận Trung Quốc lựa chọn cách tiếp cận như thế nào thì những thiệt hại và mất mát về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia được xem là nỗi sỉ nhục của cả một dân tộc. Sau đó nó đánh thức lòng yêu nước sâu rộng”
Điều này có thể giải thích tại sao người Trung Quốc luôn phản ứng thái quá với những vấn đề động chạm đến phẩm giá quốc gia, tại sao họ lại nhạy cảm với vụ kiện trọng tài Biển Đông đến vậy”.
Phẩm giá Nhật
Còn nhớ, cách đây 4 năm, khi căng thẳng giữa hai nước Trung-Nhật lên cao xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trẻ em Trung Quốc được dạy chống Nhật trong nhà trường và các bậc cha mẹ cũng tỏ ra khuyến khích.
Thậm chí, nhiều người Trung Quốc còn khuyến khích trẻ em đập phá bất cứ chiếc xe hơi Nhật Bản nào đậu trên đường phố.
Chưa hết, khi ấy, nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người Nhật tại Trung Quốc bị phóng hỏa, người Trung Quốc còn đốt cờ và ảnh Thủ tướng Yoshihiko Noda, ném chai lọ, gạch đá vào cơ quan ngoại giao Nhật…
Các chuyên gia quốc tế thời điểm đó nhận định, chủ nghĩa dân tộc có thể là con dao hai lưỡi. Những hình ảnh bạo lực chỉ khiến người ngoài càng nhận rõ hơn về một Trung Quốc ngày một hung hăng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, không chỉ trên biển Hoa Đông.
Chưa kể, có tờ báo nước ngoài nhận xét rằng, rất nực cười và mỉa mai khi Trung Quốc tự cho mình là nạn nhân khi mà các động thái của nước này ngày càng gây nhiều quan ngại trong khu vực.
Khi người Trung Quốc coi các hành động nói trên là thể hiện lòng yêu nước, chủ nghĩa dân tộc mới thì Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào năm 2012 đã kêu gọi công chúng nước này hành động bình tĩnh tương xứng với “phẩm giá”.
Ông Noda cũng yêu cầu người dân Nhật Bản không xâm phạm an ninh của người và tài sản nước láng giềng.
“Chúng ta phải bảo vệ sứ quán và các lãnh sự quán của Trung Quốc ở Nhật Bản với tất cả trách nhiệm của mình”, ông Noda nói. “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào phẩm giá của người Nhật”.