Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐừng đùa với chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Đừng đùa với chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Thái độ “3 Không” mà những “sĩ phu” như Tiến sĩ Luo Xi đang cổ súy chỉ đẩy đất nước mình vào thế thân bại danh liệt, tách khỏi thế giới của nhân loại văn minh.

Một nhóm người Trung Quốc biểu tình tại Hồng Kông phản đối phán quyết của Hội đồng Trọng tài vụ kiện
Biển Đông là do thiếu hiểu biết hay bị xúi giục, hay cả hai? Ảnh: The Straits Times.

Tiến sĩ chính trị học quốc tế Luo Xi từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc ngày 19/7 có bài bình luận về vụ kiện trọng tài Biển Đông và “chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc. Luo Xi đề xuất, cần phải đặt “chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc vào bối cảnh lịch sử cụ thể.

Tiến sĩ cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan

Vị Tiến sĩ này cho biết: “Kể từ khi vụ kiện trọng tài Biển Đông do Philippines khởi xướng đã có phán quyết chính thức ngày 12/7, trên phần mềm tương tác trực tuyến WeChat và các blog cá nhân được đại đa số người dùng internet Trung Quốc sử dụng hàng ngày đã tràn ngập hai hình ảnh.

Một là bức thư kêu gọi các cựu chiến binh ghi danh tòng quân một lần nữa với những lời lẽ đại loại như “Nếu có một cuộc chiến tranh, tôi sẽ trở lại mặt trận”.

Hình ảnh khác là bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc có đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) với chú thích: “Đây là lãnh thổ Trung Quốc, một tấc cũng không được để mất”.

Có thể chẳng có gì ngạc nhiên khi Hội đồng Trọng tài công bố phán quyết không thuận lợi như vậy (đối với Trung Quốc), nhưng có chút bất ngờ rằng ở Trung Quốc, lòng yêu nước đã được tích lũy đến mức độ đoàn kết, thống nhất chưa từng có.

Những phản ứng rõ ràng từ cộng đồng xã hội Trung Quốc có một số tác động. Khi nói đến vấn đề Biển Đông, các học giả và giới quan sát thường chỉ tập trung vào giới tinh hoa chính trị, hoặc các hành vi ngoại giao của phía Trung Quốc.

Phản ứng từ người dân bình thường hay cảm xúc của họ hiếm khi nào được đề cập, nghiên cứu, thảo luận về nó ít hơn nhiều so với các chủ đề cốt lõi của nó, hoặc so với “chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc.

Theo truyền thống, chúng ta thường mong đợi rằng khi điều kiện sống đã được cải thiện, các tầng lớp xã hội khó trở thành cực đoan vì nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng.

Tuy nhiên trái với dự đoán, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đang trỗi dậy, gia tăng chứ không giảm, mặc dù GDP bình quân đầu người đã tăng vọt với những ngưỡng lịch sử mới. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?”

Tiến sĩ Luo Xi cho rằng, nó bắt nguồn từ cuộc Chiến tranh Thuốc Phiện năm 1840, đánh dấu một “thế kỷ bị sỉ nhục” của Trung Quốc. Do đó vị Tiến sĩ này nhận xét:

“Bất luận Trung Quốc lựa chọn cách tiếp cận như thế nào thì những thiệt hại và mất mát về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia được xem là nỗi sỉ nhục của cả một dân tộc. Sau đó nó đánh thức lòng yêu nước sâu rộng.”

Theo ông: “Điều này có thể giải thích tại sao người Trung Quốc luôn phản ứng thái quá với những vấn đề động chạm đến phẩm giá quốc gia, tại sao họ lại nhạy cảm với vụ kiện trọng tài Biển Đông đến vậy.”

Đùa với lửa có bữa chết cháy, nghịch dao sắc có ngày đứt tay

Xã luận tờ The China Post ngày 19/7 cho biết, sau khi phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông được PCA công bố hôm 12/7, một người Trung Quốc đăng lên trang blog cá nhân Weibo bức ảnh một chiếc iPhone bị đập nát với thông điệp:

Một bộ phận người dân Trung Quốc bị kích động xuống đường biểu tình đập phá bất cứ thứ gì liên quan
đến Nhật Bản là hệ quả của chính sách tuyên truyền bài Nhật. Ảnh: Reuters.

Những biểu hiện rõ ràng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố như thế này được Tiến sĩ Luo Xi từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc gán cho cái tên hoành tráng: “Chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc.”Hãy nhớ lại cách giới trẻ hăng say đập phá xe hơi Nhật Bản, cửa hàng Nhật Bản và máy ảnh Nhật Bản trong vụ Điếu Ngư. Đã đến lúc các bạn tự cho mình là yêu nước cần vứt bỏ iPhone, iPad, iPod, iWatch, Mac…”

Cá nhân người viết cho rằng, chẳng cần tìm kiếm truy nguyên ở đâu xa, chính bài viết của Tiến sĩ Luo Xi đã sặc mùi cực đoan, khủng bố.

Chính ông đang góp phần nhồi nhét cho thế hệ trẻ Trung Quốc những hận thù chính trị, phục vụ cho mục đích chính trị của một nhóm người đang muốn “dắt mũi” dân tộc Trung Hoa, xưng hùng xưng bá trong thiên hạ.

Cách mạng Văn Hóa 10 năm là một bi kịch với những đội Hồng Vệ Binh nồi da nấu thịt chính đồng chí, đồng bào, đồng đội của mình. Thậm chí cả những “khai quốc công thần” của chế độ cũng không thoát được lưỡi hái tử thần Hồng Vệ Binh tạo thành vết nhơ trong lịch sử dân tộc này.

Vì đâu các thế hệ hậu duệ của một trong những nền văn minh sớm nhất của nhân loại, quê hương của Khổng Tử, Lão Tử và các bậc triết gia đại diện cho văn hóa phương Đông lại thích thú dồn nhau vào chỗ chết, nhấn dân tộc Trung Hoa chìm sâu trong bi kịch như vậy? 

Tất cả là do những âm mưu chính trị của một số thế lực chính trị lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đám đông kết hợp với khống chế tuyệt đối bộ máy tuyên truyền để thực hiện ý đồ của mình.

Dân tộc Trung Hoa vĩ đại như thế cũng đã phải trả giá, lẽ nào Luo Xi đã vội quên?

Lòng yêu nước là tài sản quý, nếu không muốn nói là vô giá. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là phẩm giá quốc gia, là lợi ích tối thượng. Điều đó không sai, dân tộc nào cũng thế.

Nhưng thế nào là yêu nước không có nghĩa là kích động hận thù dân tộc, kích động đối đầu, kích động chiến tranh. Nhân danh “yêu nước” để phục vụ một ý đồ chính trị, tính toán chính trị của ai đó thì không thể xem là yêu nước, mà là mù quáng.

Chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích quốc gia được xác lập một cách hợp pháp, hòa bình hay do xâm lược, cướp bóc mà có? Phải xác định được tính chính nghĩa, chính danh và hợp pháp của “chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia” trước, rồi hãy nói tới chuyện bảo vệ.

Nếu cứ đi cướp lãnh thổ của nước khác, dân tộc khác rồi nhận làm của mình và cố sống cố chết bảo vệ cái cướp được mà có, thì đó không thể gọi là yêu nước.

Quay trở lại vụ kiện trọng tài Biển Đông, nếu Trung Quốc tiếp tục nói “3 Không” với phán quyết trọng tài, tiếp tục chà đạp lên luật pháp và công luận thì đó là quyền của họ.

Nhưng cộng đồng quốc tế cũng có quyền xa lánh, nghi ngờ, tẩy chay, cô lập Trung Quốc vì những hành vi coi thường luật pháp quốc tế, xâm phạm lợi ích chính đáng của nước khác. Cộng đồng quốc tế có quyền xem nước này như một thành viên vô trách nhiệm.

Tất cả phụ thuộc vào thái độ và lựa chọn của Trung Quốc.

Thái độ “3 Không” mà những “sĩ phu” như Tiến sĩ Luo Xi đang cổ súy chỉ đẩy đất nước mình vào thế thân bại danh liệt, tách khỏi thế giới của nhân loại văn minh, dùng vũ lực thay cho luật pháp.

Tất nhiên cũng như trong Cách mạng Văn Hóa, không phải người Trung Quốc nào cũng bị khuất phục trước áp lực, cường quyền của Hồng Vệ Binh, cho dù máu họ đã đổ xuống, chân lý và lẽ phải với họ không bao giờ thay đổi.

Ngày nay cũng vậy, trong xã hội Trung Quốc chắc hẳn cũng không ít những bậc thức giả có lương tri, những người dân yêu chuộng hòa bình và công lý nhận thức rõ phải trái, đúng sai sẽ không bao giờ ủng hộ cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc mới” của Trung Quốc như ông Luo Xi đang cổ súy.

Có thể do những nguyên nhân khác nhau, tiếng nói của họ giờ đây chỉ là thiểu số, thậm chí có thể bị đàn áp. Nhưng sức sống của chân lý và lẽ phải ngay chính trong lòng xã hội Trung Quốc thì không ai có thể dập tắt được.

Chính họ sẽ là những người làm thay đổi, phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại chứ không phải những kẻ coi trời bằng vung, cố đấm ăn xôi, biết sai cố phạm.

RELATED ARTICLES

Tin mới