Giảm giá trị các di sản mà Obama để lại xuống mức tối thiểu, gây thiệt hại hay rắc rối cho nước Mỹ, nhất là kinh tế Mỹ là cách làm tốt nhất, vì Trump cần.
Japan Times ngày 14/7 đưa tin, Hoa Kỳ đưa vụ kiện về thuế xuất khẩu áp đối với chín loại nguyên liệu của Trung Quốc lên WTO với lập luận, với việc áp thuế này, Bắc Kinh đã đưa các nhà sản xuất Hoa Kỳ vào thế bất lợi, để tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các công ty Trung Quốc.
“Mục đích của Trung Quốc nhằm giúp cho các nhà sản xuất của họ có chi phí nguyên liệu rẻ hơn, khiến cho các nhà sản xuất của chúng ta phải chịu chi phí đắt hơn”, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman cho biết.
Được biết, Trung Quốc áp thuế từ 5% đến 20% vào xuất khẩu chín loại nguyên liệu thô, trong đó có bao gồm cả cobalt, đồng, chì, các nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng trong các ngành công nghiệp trọng yếu, từ hàng không vũ trụ, sản xuất ô tô, đến điện tử và hóa chất.
Đây là lần thứ 13 Mỹ đệ đơn kiện Trung Quốc lên WTO kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào năm 2009. Mỹ đã giành phần thắng trong tất cả các vụ kiện từ trước đến nay.
Để đối phó với hành động của Hoa Kỳ, Zhu Haiquan, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cho rằng, Hoa Kỳ cứ liều mạng vận dụng các quy tắc WTO để đưa ra rất nhiều trường hợp chống lại Trung Quốc.
“Chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại là một sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của WTO, và kiềm chế lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, AP ngày 14/7 dẫn lời ông Zhu Haiquan.
Sự việc bất lợi cho Trung Quốc chưa dừng lại ở đó, khi ngày 19/7 Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa vụ việc tương tự lên WTO.
EU kiện Trung Quốc về thuế suất và hạn ngạch xuất khẩu với 11 loại nguyên liệu thô, bao gồm graphite, coban, đồng, chì, crôm, magiê, talc, tantali, thiếc, antimon và indium.
Đây là những nguyên liệu rất quan trọng với việc sản xuất nhiều loại sản phẩm, hàng hoá khác nhau từ máy tính, điện thoại di động đến sản xuất thép và giấy, theo Bloomberg ngày 19/7.
“Chúng ta không thể ngồi để nhìn những nhà sản xuất và người tiêu dùng của chúng ta bị thiệt hại vì những giao dịch thương mại không công bằng. Những biện pháp này là chống lại luật lệ thương mại quốc tế”, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstroem lên tiếng, theo Bloomberg.
Đây cũng là lần thứ ba EU tiến hành các vụ kiện Trung Quốc. Trước đó EU cũng từng thực hiện thành công những vụ kiện tương tự đối với Trung Quốc vào năm 2012 và 2014 liên quan tới các mặt hàng thô khác như bôxít, kẽm và than cốc.
Tuy nhiên Trung Quốc không chấp hành phán quyết của WTO nên EU tiến hành kiện lần thứ ba này.
Có thể thấy rằng, từ khi tham gia WTO, Trung Quốc liên tục đối diện với các vụ kiện từ hai thành viên còn lại trong “bộ ba 10.000 tỉ USD: Hoa Kỳ – EU – Trung Quốc” vì vi phạm luật chơi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bắc Kinh tham gia WTO được xem là cơ hội tốt nhất cho hiện thực hoá triết lý “hại người lợi mình”, khi họ dựa vào những luật lệ của tổ chức thương mại này để tạo ra lợi thế cho riêng mình và gây hại cho đối thủ qua việc cạnh tranh không bình đẳng.
Tuy nhiên theo cá nhân người viết, việc Mỹ và EU kiện Trung Quốc lần này sẽ được Bắc Kinh tận dụng cho những mục đích quan trọng và thâm hiểm của họ.
Trung Nam Hải chuẩn bị quà chào mừng Donald Trump vào Toà Bạch Ốc
Cho đến lúc này có thể nhận định rằng, hai nhiệm kỳ của Tổng Thống Barak Obama được xem như là một quãng thời gian mà Bắc Kinh phải chịu quá nhiều áp lực từ Washington.
Áp lực đến không chỉ trực tiếp từ Toà Bạch Ốc mà còn từ cả những quan hệ nồng ấm mà Washington tạo ra với những đối tác quan trọng hay đối thủ nguy hiểm của Bắc Kinh, như Ấn Độ, Việt Nam hay Australia.
Chính sự thay đổi quan trọng trong quan điểm của chính quyền Mỹ dưới thời Obama, mà dễ nhận diện nhất là tính cộng đồng và tính nhân văn gia tăng trong các “giá trị Mỹ”, khiến cho Bắc Kinh ngày càng nhận thấy sự thay đổi tại Toà Bạch Ốc là tối quan trọng với họ.
Bắc Kinh để Mỹ, EU thoải mái kiện Trung Quốc nhằm lấy đó làm “quà” cho Donald Trump, ảnh: Reuters. |
Việc đảng Dân Chủ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba là điều mà Trung Nam Hải không mong muốn, bởi nó có thể kéo dài sự khó chịu với Bắc Kinh. Vì vậy Tập Cận Bình chờ đợi đảng Cộng Hoà sẽ tiếp quản Toà Bạch Ốc.
Khi Donald Trump dần lộ diện là người được giao trọng trách ấy thì những động thái tích cực từ Trung Quốc cũng gần như hoà nhịp cùng với những chiến thắng trên đường đua của vị tỉ phú này.
Donald Trump đã chỉ trích kịch liệt chính quyền Obama nhún nhường trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc. Vị tỉ phú này cũng lên án gay gắt Bắc Kinh đã “cướp” công ăn việc làm của người dân Mỹ và cam kết sẽ trả đũa nếu ông được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Hộp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tuy nhiên cá nhân người viết cho rằng, đó chỉ là những lời lẽ cay nghiệt của Donald Trump nhằm lấy điểm với cử tri Mỹ. Còn trên thực tế ông ta đã nhìn ra cái lợi từ quê hương của Vạn Lý Trường Thành với con mắt của một nhà kinh doanh sành sỏi.
Theo quan điểm của người viết, nếu Donald Trump thắng cử thì nước Mỹ dưới sự lèo lái của vị tỉ phú này sẽ sát cánh với Bắc Kinh hơn là nước Mỹ của Hillary Clinton, nếu cựu Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ giành chiến thắng.
Bởi lẽ, giữa Tập Cận Bình và Donald Trump có nhiều điểm tương đồng với nhau hơn giữa Tập Cận Bình với Obama và cả Hillary.
Đối với Trump, quyền lợi của nước Mỹ sẽ được lượng hoá bằng những lợi ích cụ thể cho người dân Mỹ. Tập Cận Bình chờ đợi điều ấy, vì cả Washington và Bắc Kinh đều có nhiều quyền lợi có thể đổi trao.
Như vậy, với Bắc Kinh thì nước Mỹ dưới thời Donald Trump dễ nói chuyện hơn so với nước Mỹ dưới thời Barak Obama hay nước Mỹ dưới thời Hillary Clinton.
Sự dễ dàng, thậm chí đồng điệu sẽ gia tăng theo quyền lợi mà hai bên có được qua sự hoán đổi. Do đó, để chào mừng Donald Trump thì Trung Nam Hải phải chuẩn bị nhiều lợi ích có thể hoán đổi.
Việc làm giảm giá trị các di sản mà Obama để lại xuống mức tối thiểu, gây thiệt hại hay rắc rối cho nước Mỹ, nhất là kinh tế Mỹ là cách làm tốt nhất, vì Trump cần điều đó cho chiến thắng của mình.
Có lẽ việc thất bại trong cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung – Mỹ lần thứ 8 diễn ra đầu tháng 6/2016 là bắt đầu cho việc Bắc Kinh gom quà chuẩn bị tặng Donald Trump.
Cùng với đó là những động thái tích cực của thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ mỗi khi bước đường của Trump vào Toà Bạch Ốc sáng hơn.
Gần đây nhất là giá trị đồng nhân dân tệ (CNY) tăng vọt khi vị tỉ phú chính thức được Đại hội đảng Cộng Hoà tiến cử làm đại diện trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ vào tháng 11 này.
Người viết cho rằng việc “G-7 tặng quà cho Tập Cận Bình” là một thành quả mà Donald Trump có thể củng hưởng lợi, cho dù nhiều người cho rằng đây là quan điểm không tích cực.
Song thực tế chứng minh, cho đến lúc này những tuyên bố của G-7 vẫn chỉ là tuyên bố như vốn nó vẫn thế, còn hành động thì vẫn cứ khác xa.
Không những vậy, Brexit xảy ra đã khiến cho định chế này không còn thời gian dành cho những vấn đề to tát khác. Và thế là cặp đôi Tập cận Bình – Putin có điều kiện khai thác món quà của G-7 và Donald Trump không khỏi mừng thầm.
Việc trả đũa lẫn nhau về kinh tế – thương mại giữa Washington và Bắc Kinh qua việc lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại càng làm cho Donald Trump dễ tìm ra những điểm tích cực để khai thác theo hướng có lợi cho sự nghiệp chính trị, thậm chí cả công việc kinh doanh của mình.
Do vậy, việc Bắc Kinh tăng thuế suất với nguyên liệu thô xuất vào thị trường Mỹ chẳng qua chỉ là một biện pháp trả đũa đơn thuần sau vụ Mỹ hoàn tất thủ tục áp thuế chống bán phá giá một số loại thép của Trung Quốc vào thị trường này, song nó có lợi cho Donald Trump.
Không những thế, việc EU cùng đệ đơn kiện Trung Quốc về vụ việc tương tự khiến cho sự “tâm đầu ý hợp” Tập – Trump có thể có những nét giao thoa.
Bởi lẽ, Brexit diễn ra đã làm giảm uy lực của EU trong “bộ ba 10.000 tỉ USD”, nay thêm những mâu thuẫn giữa EU – Trung Quốc càng khiến cho nước Mỹ gia tăng thêm uy thế của mình.
Đặc biệt, vụ kiện của EU có thể nhận diện như một món quà mà Trung Nam Hải gửi tới chính phủ mới của nữ Thủ tướng Theresa May mừng Brexit. Điều đó càng khiến cho EU đau đầu và Donald Trump càng thêm hưởng lợi.
Theo Bloomberg ngày 19/7: “Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc với những loại nguyên liệu thô nằm trong các vụ kiện không lớn, như năm 2015 chỉ khoảng 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD).
Trong đó 1/6 được xuất vào châu Âu, và khoản thuế xuất khẩu theo thuế suất mới chỉ mang lại cho Trung Quốc khoảng 19 triệu euro từ EU”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn “gây bão” vì hiệu ứng của việc này rất quan trọng mà có thể nhận diện đó là Trung Nam Hải bằng mọi cách tạo lợi thế cho Donald Trump trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc.
Bắc Kinh chờ nhận quà của Donal Trump
Có thể thấy rằng, quà mà Tập Cận Bình mong chờ nhận được từ Donald Trump thì nhiều, cả về chính trị, kinh tế lẫn quan hệ quốc tế. Mục đích là làm thay đổi vị thế và vai trò của Trung Quốc trên bàn cờ chính trị thế giới và lợi ích kinh tế cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều mà Trung Nam Hải chờ đợi nhiều nhất khi vị tỉ phú “lên ngôi” chính là lợi ích từ TPP.
Cho dù Hiệp định thương mại này là di sản của Obama, nhưng gần như không thể vận hành khi Obama còn tại nhiệm. Trong hai người kế nhiệm thì chỉ Trump mới là người có khả năng giúp TPP hồi sinh.
Mặc dù Trung Quốc bị gạt khỏi TPP nhưng Tập Cận Bình đã nhìn thấy nguồn lợi cực lớn cho kinh tế Trung Quốc từ định chế này nên Bắc Kinh đã chuẩn bị đầy đủ những công cụ và cơ chế chờ hưởng lợi từ TPP.
Bắc Kinh đã chuẩn bị cả hàng hoá và tiền tệ, thậm chí cả những cấu trúc tài chính – thương mại để có thể khai thác nhanh nhất, tốt nhất lợi ích khi TPP vận hành.
Dù thể hiện ra mặt là chống đối, nhưng thực ra trong bụng Trung Nam Hải đang rất chờ đợi TPP vận hành. Thậm chí có thể nhận diện Bắc Kinh dùng cả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 16 thành viên do Bắc Kinh đứng đầu, làm cú hích cho TPP.
Khi Tổng thống Obama gặp khó và TPP có thể không được Capital Hill thông qua trước khi ông rời nhiệm sở khiến TPP có thể chết yểu. Người kế nhiệm được mong chờ làm cho TPP hồi sinh.
Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì nếu thắng cử bà Hillary Clinton sẽ tập trung vào Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), tiến tới thiết lập một khu vực mậu dịch tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu.
Bởi lẽ, với đối tác quen thuộc như EU thì bà Hillary dễ thương thảo hơn với tâm thế của một chính trị gia chuyên nghiệp và tấm gương Obama khiến cho bà không dám mạo hiểm với TPP, dù bà là đồng minh của ông Obama.
Song với Donald Trump thì khác. TPP sẽ được ông tập trung hoàn thiện và vận hành. Điều đó một phần vì ông đã nhận diện được phản ứng không thuận lợi cho ông từ các đồng minh của nước Mỹ ở bờ đông Đại Tây Dương.
Việc này khiến Trump bắt tay vào TTIP có nhiều điểm bất lợi và khó thành công. Một phần quan trọng khác là, TPP được xem như thắng lợi của Obama trong việc “ép” các đối tác trong TPP chấp nhận nhiều diều khoản có lợi cho Mỹ khi ký hiệp định.
Do vậy, Donald Trump sẽ nhanh chóng khai thác cái lợi mà Obama tạo ra nhưng chưa thể mang về cho nước Mỹ và người dân Mỹ, theo The New York Times ngày 2/6.
TPP quan trọng với Mỹ nhưng cũng rất quan trọng với Trung Quốc, đặc biệt là sau phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines với nước này.
Có thể thấy rằng, phán quyết trọng tài đã quốc tế hoá vấn đề Biển Đông khiến cho Bắc Kinh phải chuẩn bị hướng giải quyết vấn đề theo hướng của phán quyết, cho dù bề ngoài Bắc Kinh đang thể hiện quan điểm chống lại phán quyết này.
Điều đó cho thấy Bắc Kinh phải tính kế hoá giải quyền lợi giữa họ với các bên tranh chấp và TPP được xem là chiếc cầu giúp Bắc Kinh thoát ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay trong tư thế được nhiều hơn mất.
Tóm lại, việc Mỹ và EU kiện Trung Quốc về thuế xuất khẩu với các nguyên liệu thô của họ không phải là vấn đề quá lớn trong tranh chấp thương mại, tuy nhiên Bắc Kinh có thể dựa vào đó để khuếch đại vai trò và vị thế của mình.
Mục đích cuối cùng là làm cho món quà tặng Donald Trump ngày một giá trị hơn và cũng hy vọng nhận được từ vị tỉ phú này món quà giá trị không kém khi ông ta bước vào Toà Bạch Ốc với vị thế người chiến thắng trong cuộc bần cử Tổng thống tại Mỹ vào tháng 11 tới đây.