Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông không phải là của TQ

Biển Đông không phải là của TQ

Một điều không đáng ngạc nhiên là Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) tại La Hay đã công nhận tất cả các lập luận chính mà Philippines đưa ra trong vụ kiện của nước này đối với Trung Quốc về cách thức áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại Biển Đông. Trong phán quyết của mình, với ngôn ngữ mạnh mẽ hơn mong đợi, Tòa đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách của Trung Quốc rằng Biển Đông trên thực tế là “ao hồ” của Trung Quốc.

Hội đồng trọng tài của PCA. Ảnh: PCA.

PCA tuyên bố rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc, đường ranh giới đưa ra từ những năm 1940 ngụ ý thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với 80% diện tích Biển Đông, là hoàn toàn không có cơ sở về mặt pháp lý. Tòa cũng tuyên bố rõ ràng rằng hoạt động cải tạo đảo trong thời gian gần đây của Trung Quốc, nhằm biến các bãi cạn nửa nổi nửa chìm hoặc không có khả năng cho việc cư trú thành các đảo nhân tạo với sân bay và các công trình khác, không tạo ra quyền đối với các vùng nước xung quanh hoặc quyền ngăn chặn tàu hoặc máy bay đi qua.

Các tuyên bố chính thức của Trung Quốc về đường chín đoạn chưa bao giờ khẳng định ý nghĩa thực sự của đường ranh giới này. Một số cho rằng đường này thể hiện “các quyền lịch sử”, một số khác coi đây là “các ngư trường truyền thống của Trung Quốc”, trong khi một số khác nữa gợi ý đường ranh giới này dùng để thể hiện những thực thể tại Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tất cả các tuyên bố này đều khiến cho các nước khác phải có động thái phản ứng vì chúng thể hiện sự sẵn sàng của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt quyền đánh bắt hải sản (như đối với Indonesia), quyền khai thác tài nguyên (như đối với Việt Nam), hoặc quyền đối với các thực thể trong khu vực.

Quyết định của PCA đã bác bỏ mọi suy diễn rằng luật pháp quốc tế hiện thừa nhận các yêu sách “lịch sử” hoặc “truyền thống” mà không trực tiếp gắn với quyền sở hữu đất liền liên quan. Sự sở hữu được thừa nhận đối với một hòn đảo có khả năng cho việc cư trú, giống như với lãnh thổ lục địa, tạo ra một vùng biển lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và quyền đối với thềm lục địa (mà có thể chồng lấn với quyền của các nước khác).

Sự sở hữu được thừa nhận đối với một hòn đá không có khả năng cho việc cư trú hoặc một bãi cạn sẽ chỉ tạo ra một vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Không hơn. Nếu không có đất liền, một quốc gia không thể đòi hỏi các quyền lợi đối với biển.

Bất chấp các yêu sách chủ quyền chồng lấn của Việt Nam, Philippines và các nước khác đối với những thực thể được xét tới,Trung Quốc có thể và sẽ tiếp tục tuyên bố rằng mình là chủ sở hữu các hòn đảo có khả năng cho việc cư trú và các bãi cạn hoặc đá tại quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa cũng như tại các vùng biển khác. Để biện minh cho tuyên bố này, Trung Quốc có thể sử dụng tới những chuẩn mực pháp lý được chấp nhận như chiếm hữu hiệu quả hoặc thừa nhận trên thực địa. Thêm vào các quyền lợi được tạo ra bờ biển lục địa, Trung Quốc có thể sẽ giành được các quyền đáng kể mà nước này có thể bảo vệ được tại Biển Đông.

Nhưng PCA không hề xem xét về các vấn đề chủ quyền này trong vụ kiện của Philippines. Và kể cả khi một ngày nào đó các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông được chấp nhận – thông qua đàm phán, hòa giải hay phán quyết – thì tổng diện tích vùng nước, bao gồm cả lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, sẽ không bằng được diện tích bao trùm trong đường chín đoạn.

Quyết định của PCA cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quyền ngăn cản không hạn chế hành vi do thám trong phạm vi gần đối với hoạt động cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn các sân bay quân sự, căn cứ hậu cần, công trình liên lạc và ở một số thực thể là các trận địa pháo. Hoạt động xây dựng như vậy đã diễn ra tại 7 thực thể trước đó chưa có người cư trú tại quần đảo Trường Sa: bãi Vành Khăn, Xu Bi, Ga Ven và Tư Nghĩa (trước là những bãi cạn nửa nổi nửa chìm), bãi Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập (trước là những thực thể nổi khi thủy triều lên nhưng không có khả năng cho việc cư trú).

Theo UNCLOS, các nước có thể xây dựng đảo nhân tạo và công trình trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình, và ở vùng biển khơi (nhưng chỉ để phục vụ mục đích hòa bình). Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều không thể tạo ra hiệu ứng pháp lý là biến bãi cạn nửa nổi nửa chìm thành “đá” (mà có thể tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý), hay đá không có khả năng cho việc cư trú thành “đảo” (mà có thể tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý). Vụ kiện của Philippines một lần nữa công nhận những nguyên tắc cơ bản này.

Khi làm vậy, PCA cũng đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng Trung Quốc không có quyền – ít nhất trong trường hợp bãi Vành Khăn mà trước là thực thể nửa nổi nửa chìm – để thực hiện các hoạt động xây dựng vì khu vực này thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Khó có khả năng Trung Quốc sẽ từ bỏ bất kì đảo, đá hay bãi cạn nào mà nước này đang chiếm giữ, hay chấm dứt đòi hỏi chủ quyền đối với phần lớn các thực thể đất liền tại Biển Đông. Nhưng tất cả các bên mong muốn đảm bảo ổn định khu vực nên khuyến khích Trung Quốc thực hiện các bước đi mà không làm mất thể diện nước này.

Những bước này bao gồm chấm dứt hoạt động xây dựng quân sự lộ liễu trên 7 đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa; không có những hoạt động cải tạo mới tại những thực thể tranh chấp như bãi Scarborough; ngừng nhắc tới “đường chín đoạn” như là ranh giới thể hiện chủ quyền của nước này đối với tất cả các thực thể đất liền được bao trùm; chấp nhận đưa các yêu sách này ra đàm phán, hoặc tốt hơn là đưa lên một tòa trọng tài để hòa giải hoặc phán quyết; thúc đẩy đàm phán với ASEAN Bộ quy tắc ứng xử cho tất cả các bên tại Biển Đông; chấm dứt chia rẽ và gây mất ổn định ASEAN thông qua gia tăng áp lực đối với những nước mắt xích yếu nhất mà trong vấn đề này là Campuchia và Lào.

Có một lựa chọn thay thế, mà hiện đang được thúc đẩy bởi phe diều hâu trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, là triển khai một chính sách cứng rắn hơn nữa, ví dụ như rút khỏi UNCLOS và tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại phần lớn khu vực Biển Đông. Việc tuyên bố thiết lập ADIZ, một điều Mỹ chắc chắn sẽ phớt lờ, có khả năng làm gia tăng đáng kể khả năng xảy ra các vụ va chạm quân sự mà có thể dẫn tới những hậu quả không thể lường trước.

Quay lưng lại UNCLOS cũng sẽ là một giải pháp sai lầm. Trung Quốc vẫn sẽ bị ràng buộc trên thực tế bởi các điều khoản này khi mà giờ đây các điều khoản UNCLOS đã gần như được công nhận phổ biến là tập quán quốc tế không kể nước nào tuân thủ. Động thái coi thường này sẽ tổn hại đến uy tín và các lợi ích lãnh thổ khác của Trung Quốc, chưa nói tới tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản tại Hoa Đông mà nước này có yêu sách dựa trên các điều khoản về thềm lục địa quy định trong UNCLOS.

Nếu Trung Quốc thực hiện chính sách cứng rắn, hoặc không điều chỉnh lại hành vi một cách đáng kể trong những tháng tới, khả năng các nước khác, bao gồm Australia, gây sức ép hơn nữa lên Trung Quốc – bao gồm thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của bãi Vành Khăn và các đảo nhân tạo khác cùng loại – sẽ ngày càng trở nên cao hơn. Nhưng hiện giờ tất cả các nước nên để cho Trung Quốc một khoảng không gian để điều chỉnh chính sách và làm hạ nhiệt, thay vì gia tăng, căng thẳng trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới