Phán quyết của Toà trọng tài được xem như “bảo bối pháp lý”, mở ra hy vọng cho các bên tranh chấp trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình ở Biển Đông, đồng thời có tác động tích cực với Việt Nam và các nước có liên quan trong khu vực.
Người dân Philippines phản đối Trung Quốc bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ngày 12.7.2016.
Ngày 21.7, các học giả, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học đã tham gia Toạ đàm “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến phán quyết của Toà trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc” ngày 21.7 do ĐH Luật (Hà Nội) tổ chức.
“Philippines khôn ngoan, Toà tinh tế”
Phát biểu tại toạ đàm, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, việc Philippines đơn phương khởi kiện là giải pháp tối ưu và hợp pháp hoá theo chuẩn mực quốc tế.
Ông Trục đánh giá, Philippines đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ những vấn đề đưa vào hồ sơ kiện, “vượt qua khe cửa hẹp” để kiện Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trong khi đó, Toà trọng tài sau khi cân nhắc 15 nội dung trong hồ sơ kiện của Philippines đã loại 8 nội dung, chỉ xem xét 7 nội dung còn lại, giúp Philippines “dọn bớt gai góc trong khe cửa hẹp”, vì nếu xem xét thêm 8 nội dung thì toà sẽ mất hiệu lực.
Việc Toà phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử với nguồn tài nguyên” nằm trong đường 9 đoạn, theo ông Trục, là một lựa chọn khéo léo, vì điều này hoàn toàn phù hợp với UNCLOS, có thêm cơ sở để bác bỏ quan điểm của Trung Quốc rằng nước này có “chủ quyền với “Tây Sa và Nam Sa từ thời cổ đại”. Nói như ông Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật, thì trong vụ kiện này “Philippines khôn ngoan, còn Toà tinh tế”.
TS Trần Công Trục cho rằng, phán quyết làm thu hẹp đáng kể các tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò” phi pháp. Việc xác định quy chế pháp lý của một số thực thể ở Trường Sa cũng góp phần lớn vào việc thu hẹp tranh chấp. Vì để hiện thực hoá lưỡi bò, Trung Quốc tìm cách áp đặt yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó phán quyết bẻ gãy âm mưu này và gợi mở để các bên tiếp tục đấu tranh loại bỏ đường 9 đoạn bằng giải pháp pháp lý.
Phán quyết của Toà, theo ông Trục, sẽ cung cấp thêm căn cứ pháp lý để tập hợp sức mạnh khu vực và quốc tế mà trước đây dễ bị lung lay bởi luận điểm biện minh cho chủ trương độc chiếm Biển Đông cố hữu của Trung Quốc;
Tạo tiền lệ pháp lý cho các bên tranh chấp trong khu vực và quốc tế vận dụng, phục vụ cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình; Tạo dựng niềm tin của nhân loại với vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế của Liên Hợp Quốc trong việc tham gia giải quyết tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.
Và cuối cùng, phán quyết có thể có tác dụng ngăn cản những toan tính và bước đi phiêu lưu của một số thế lực muốn lợi dụng môi trường bất ổn của Biển Đông để trục lợi.
Tiền lệ tốt
TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật cho rằng, phán quyết của Toà trọng tài có tác động trong cục diện quốc tế và là căn cứ để các quốc gia có hành xử trong tương lai.
Bà Ngân nhấn mạnh, việc Philippines kiện Trung Quốc có thể trở thành một tiền lệ tốt để các quốc gia liên quan sử dụng cơ chế tài phán để giải quyết tranh chấp, nhưng cũng chỉ là một trong những lựa chọn, chứ chưa hẳn là giải pháp tối ưu, bởi ngay trong phán quyết cũng có một số điều để ngỏ, chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành phán quyết.
Với Việt Nam, bà Ngân cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc trong tổng thể những biện pháp hoà bình khác, như duy trì cơ chế đàm phán, sử dụng vai trò của các tổ chức quốc tế, tài phán, trong khi phải cân nhắc mối quan hệ quốc tế khác, để lựa chọn biện pháp phù hợp.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, ĐH Luật nhấn mạnh, không nên kỳ vọng giải quyết triệt để mọi tranh chấp thông qua giải pháp pháp lý, mà phải có sự phối hợp về chính sách, ngoại giao, và thời điểm thích hợp. “Việt Nam có thể học cách thức mà Philippines đã làm, cũng như những nội dung mà Philippines đưa ra nhờ Toà giải quyết” – bà Thuận nói.
Ông Hoa Hữu Long, nguyên Vụ phó Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp, gợi ý Việt Nam nên học Philippines cách sử dụng chuyên gia giỏi, “không làm được thì thuê”. Ngoài ra, ông Long lưu ý, phán quyết của Toà sử dụng nhiều tư liệu của nước thứ ba, như vậy kho tư liệu cũng sẽ là một hướng đi mà hiện chưa được chú trọng nhiều.
Mức độ thực thi
Liên quan đến việc phán quyết được thực thi thế nào, TS Thuận cho rằng, phản ứng bác bỏ của Trung Quốc là điều cả thế giới dự liệu. Tuy nhiên, lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy không nước nào dám phớt lờ phán quyết, chỉ có điều mức độ thực thi thế nào mà thôi.
“Từ sau khi Toà ra phán quyết, trong các tuyên bố Trung Quốc ko nhắc đến đường 9 đoạn, tôi cho đó đã là dấu hiệu tích cực. Một nước luôn cho mình là cường quốc như Trung Quốc không dễ để mình mất mặt. Do đó, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng và không nên tuyệt vọng trước một phản ứng cực đoan như vậy” – bà Thuận nói.
“Một quốc gia không thể yên ổn phát triển khi cả thế giới tẩy chay vì dám phớt lờ phán quyết. Việc Trung Quốc khi nào tuân thủ, tuân thủ ở mức độ nào thì phải xem xét động thái tiếp theo của cộng đồng quốc tế, cũng như thái độ của cường quốc chi phối”.
Về lo ngại khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, cả TS Ngân và Thuận đều nhấn mạnh, Trung Quốc có khả năng làm như vậy, nhưng thời gian từ khi tuyên bố đến khi có hiệu lực là 1 năm. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc về mặt pháp lý vẫn có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Toà, và các quốc gia khác vẫn có thể tiếp tục kiện Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ phải rất cân nhắc, vì trên thực tế Trung Quốc đã vận dụng nhiều quy định của UNCLOS để có vùng biển rộng, mở rộng tối đa ranh giới EEZ thậm chí đến 350 hải lý. Hiện nay, ngoài việc là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc cũng giữ vai trò thành viên tại một số thiết chế, như có thẩm phán trong Toà Luật Biển, có đại diện tại Uỷ ban đáy đại dương. Nếu Trung Quốc rút UNCLOS, thì tất cả những lợi thế này sẽ mất. Ngoài ra Trung Quốc cũng còn phải cân nhắc, vì điều đó còn liên quan đến hình ảnh của một cường quốc khi đáp trả tiêu cực bằng cách rút khỏi Công ước” – TS Ngân nói.