Chuyên gia đến từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng tòa Trọng tài đã bác bỏ sự mở rộng của “đường lưỡi bò” vào trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei.
Ông Carl Thayer – Giáo sư danh sự Học viện Quốc phòng Australia trình bày tham luận tại hội thảo.
“Phán quyết của Tòa trọng tài đã chỉ ra yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, các quyền chủ quyền và tài phán khác trên Biển Đông được bao quanh bởi đường chín đoạn là ‘trái với công ước và không có giá trị pháp lý’ bởi chúng vượt quá giới hạn được xác lập bởi UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc vè Luật biển)”, Giáo sư Thayer nói tại hội thảoNhững vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phục lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, diễn ra ngày 23/7 tại TP HCM.
Chuyên gia đến từ Học viện Quốc Phòng Australia cho rằng Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei sẽ được lợi từ phán quyết của Tòa trọng tài mà theo đó Trung Quốc không thể yêu sách các vùng biển vượt ra ngoài phạm vi cho phép của UNCLOS. Nói cách khác, Tòa trọng tài đã bác bỏ sự mở rộng của “đường lưỡi bò” vào trong 200 hải lý vùng EEZ của các quốc gia ven biển.
Cũng theo Giáo sư Thayer, hành vi thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông có thể thấy vượt hơn những lời hùng biện khoa trương của quốc gia này. Nếu sắp tới, các tàu thực thi pháp luật biển và các tàu đánh cá nhà nước gắn cờ của Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền tài phán của Philippines và các quốc gia khác, những hành động này nên được thống kê và công bố công khai.
Nếu Trung Quốc tiếp tục sự hung hăng của mình thì các quốc gia cần phải họp kín và thông qua các chiến lược cũng như cái giá áp đặt phù hợp và xử phạt thông minh. Vai trò của ASEAN, Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Hội đồng hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) và các nhóm nghiên cứu có thể đưa ra danh sách các lựa chọn phù hợp.
“Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vi phạm có thể bị từ chối cập cảng. Các nước trong khu vực cũng có thể phát triển một chương trình để báo cáo các tàu đánh cá treo cờ nhà nước có liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp, phá hủy môi trường hoặc cướp có vũ trang”, ông Thayer gợi ý.
Về góc độ chiến lược quân sự, ông Thayer đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc đưa ra cho Trung Quốc một cánh cửa hợp tác, cũng như để nhắc nhở Trung Quốc cái giá phải trả nếu quốc gia này tiếp tục có những hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế. “Các vấn đề về an ninh hàng hải cần phải được tiếp tục nâng tầm và nhấn mạnh ở tất cả các tổ chức đa phương, trong đó có Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng”, Giáo sư Thayer nói.
Tại hội thảo, PGS.TS Batongbacan – Giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật biển, ĐH Philippines – chia sẻ một số kinh nghiệm từ việc nước này kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế. Ông cũng cho rằng Việt Nam có thể xem xét việc tiến hành một vụ kiện riêng với Trung Quốc trên cơ sở hoạt động liên tục của quốc gia này trong việc phủ nhận toàn bộ quyền và thẩm quyền của Việt Nam trên vùng biển của mình. Đặc biệt là là quyền đối với nghề cá, dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
“Với phán quyết trong vụ Phillippines kiện Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể theo đuổi hành động pháp lý chống lại Trung Quốc trên cơ sở các hành vi vi phạm của Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng Việt Nam không chỉ đơn giản là phản ánh cách tiếp cận của Philippines và phải thiết kế cho riêng mình một bản yêu sách”, ông Batongbacan nói.
Theo chuyên gia người Philippines, nếu Việt Nam không quyết định bắt đầu vụ việc được giải quyết bằng trọng tài riêng của mình thì cần chuẩn bị cho các áp lực về ngoại giao. Một cách để giải quyết những áp lực này là tiến hành một chiến dịch thông tin như Philippines đã làm với cộng đồng quốc tế.
“Chiến dịch này được dự định ủng hộ tinh thần cho những người nắm giữ các chức vụ ngoại giao của Philippines theo đuổi phán quyết trọng tài, đặc biệt là khi Trung Quốc một mực yêu cầu đàm phán song phương. Nỗ lực giành lấy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế giúp ngăn ngừa việc trọng tài thiên vị và bị ngưng giữa chừng do thiếu sự ủng hộ và vận động hành lang”, ông Batongbacan cho biết.
Trao đổi với báo chí bên hành lang hội thảo, Giáo sư Donald Rothwell – Trưởng Khoa luật (ĐH Quốc gia Australia) cho rằng, Việt Nam sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng các hệ quả trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc sắp tới. Một trong những hệ quả có khả năng xảy ra, đó là phía Trung Quốc sẽ bắt đầu đàm phán cụ thể và thực chất hơn với phía Philippines về vấn đề Biển Đông. Khi đó, có thể phía Trung Quốc cũng sẽ cởi mở hơn trong đàm phán với phía Việt Nam.
“Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết của tòa trọng tài, Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương án tự tiến hành kiện theo đúng luật pháp quốc tế, hoặc cố gắng sử dụng các cơ chế khu vực”, ông Donald Rothwell lưu ý.