Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTại sao nhà thầu Trung Quốc dễ làm ăn gian dối ở...

Tại sao nhà thầu Trung Quốc dễ làm ăn gian dối ở Việt Nam?

Nhà thầu Trung Quốc gian dối là có ý đồ, song nó chỉ có thể được thực hiện và thực hiện được khi những biện pháp phòng vệ, hành lang pháp lý còn nhiều kẽ hở.

Khu vực gói thầu A3 thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc thi công. Ảnh: PLO

Theo tài liệu của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), ngày 12/1/2012 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) thoả thuận về một khoản vay tái thiết và phát triển (IBRD) cùng bốn gói tín dụng hỗ trợ giảm đói nghèo (IDA) cho Việt Nam, với tổng số tiền là 973,5 triệu USD.  

“Đây là lần đầu tiên WB tài trợ cho việc phát triển đường cao tốc tại Việt Nam. Đây là ghi nhận nhu cầu của Việt Nam đối với phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại – thách thức với một nước có thu nhập trung bình thấp.

Các khoản tín dụng ký kết hôm nay sẽ cung cấp vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố có tiềm năng phát triển và góp phần hỗ trợ thực hiện các cải cách của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết.

Theo AmCham Vietnam, số tiền của các khoản tín dụng trên được sử dụng để tài trợ cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với giá trị là 613,5 triệu USD;

Tài trợ cho Dự án Phát triển hạ tầng đô thị với giá trị là 210 triệu USD và khoản tín dụng dành cho Dự án Hỗ trợ Giảm đói nghèo với giá trị là 150 triệu USD.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được giao làm chủ đầu tư của dự án.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ năng lực cần thiết cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Đồng thời nó sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế thông qua hội nhập khu vực.

Ngày 19/5/2013 Dự án đã được khởi công và dự kiến 65km đầu tiên được thông xe vào cuối năm 2016, đến năm 2018 sẽ thông xe toàn tuyến.

Vậy nhưng, ngày 23/7/2016, báo Đầu Tư Online (baodautu.vn) lại đưa tin nóng là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Và VEC đã buộc nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.

Thoạt nghe tin này chắc hẳn người Việt Nam nào cũng vui mừng khi thói làm ăn gian dối của những nhà thầu Trung Quốc đã bị phát hiện và xử lý, đảm bảo chất lượng cho những công trình quan trọng, trọng điểm tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo cá nhân người viết, trong sự việc này “mừng vui thì ít mà buồn lo thì nhiều”. 

Những hệ lụy và thiệt hại từ việc xử lý hành vi gian dối của nhà thầu Trung Quốc

Báo Đầu Tư Online dẫn lời ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho biết, đơn vị phát hiện nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc đã đổ, san gạt đất đắp nền đường rất ẩu.

Đất lẫn nhiều rễ cây, đá cục, đá vụn và hàm lượng hữu cơ cao tại gói thầu A3 dài 10,6 km, với tổng giá trị khoảng 1.360 tỷ VND, thực hiện từ nguồn vốn vay của WB. Với vật liệu này, chỉ bằng mắt thường đã nhận thấy không đạt tiêu chuẩn.

Chủ đầu tư đã buộc nhà thầu Giang Tô phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.

Theo VEC, những biện pháp này áp dụng trên công trường là công việc thường xuyên, liên tục và thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát, áp dụng đối với tất cả các nhà thầu cho tất cả các gói thầu, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất và tiến độ của dự án. 

Từ những phát biểu của người đại diện VEC, cá nhân người viết lo rằng chất lượng và tiến độ của Dự án sẽ không thể đáp ứng được mong đợi của chủ đầu tư và chi phí cho gói thầu này không thể là 1.360 tỷ VND.

Dự án này hoặc là sẽ phát sinh thêm chi phí, hoặc là chất lượng sẽ không tương xứng với giá trị của gói thầu. Xin đưa ra vài phân tích để thấy sự thiệt hại khi xử lý thói gian dối của nhà thầu trên các công trường, nhất là nhà thầu Trung Quốc.

Vấn đề thứ nhất, khi đại diện VEC nói rằng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 chỉ bằng mắt thường đã nhận thấy không đạt tiêu chuẩn. Ở đây sẽ nổi lên 3 điều.

Một là, dường như tiêu chuẩn kỹ thuật trong hồ sơ dự thầu được duyệt không được sử dụng làm tài liệu để đối chiếu với tiêu chuẩn kỹ thuật thi công tại công trường.

Bởi lẽ, khi vật liệu không đúng như trong hồ sơ dự thầu là không đạt yêu cầu đã được duyệt, chứ không phải nhận xét đạt tiêu chuẩn hay không.

Hai là, hành vi gian dối có thể nhìn bằng mắt thường mà nhà thầu vẫn có thể đổ vật liệu rồi san gạt, sau đó mới bị phát hiện và xử lý, gây ra sự lãng phí rất lớn.

Điều đó không khác gì việc người ta đặt may áo màu xanh mà nhà may lại may áo màu đỏ. Khi đó rõ ràng chỉ cần nhìn thấy áo màu đỏ là biết không phải là áo mình đặt, cần gì phải kiểm tra đường kim mũi chỉ cho mất công.

Qua đây cho thấy sự lãng phí chi phí lao động kỹ thuật trên các công trường là rất lớn.

Ba là dường như chủ đầu tư thích xử lý vi phạm của nhà thầu hơn là ngăn chặn hành vi của họ. Chỉ vì một việc có quan sát bằng mắt thường cũng phát hiện ra mà phải dừng thi công của một gói thầu có trị giá không hề nhỏ.

Nếu cho rằng việc này khó ngăn chặn thì có lẽ cả dự án sẽ phải dừng thi công rất nhiều lần hoặc không thì sẽ có tình trạng bỏ qua cho nhà thầu. Bởi lẽ, việc giản đơn còn gian dối thì với những gói thầu kỹ thuật cao làm sao tránh được vi phạm?

Vấn đề thứ hai, khi đại diện VEC cho rằng việc áp dụng biện pháp dừng thi công do gian dối trên công trường là công việc thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất và tiến độ của dự án, đây là một nghịch lý, ngay cả với công trình thi công bình thường.

Chất lượng sản phẩm luôn tỷ lệ nghịch với thời gian hoàn tất sản phẩm – đó là nguyên lý cho bất kỳ nghiệp vụ king tế phát sinh nào và với thi công trên công trường thì nguyên lý ấy luôn ứng nghiệm.

Do vậy, để giảm tỷ lệ nghịch giữa chất lượng công trình và tiến độ thi công thì phải tăng cường ngăn chặn hành vi gian dối, nhằm giảm tới mức thấp nhất việc phải xử lý hành vi vi phạm.

Đây là 1 việc làm tạo nên hiệu ứng 3 tốt cho dự án, cho công trình, đó là : Chất lượng tốt – Thời gian tốt – Giá cả tốt (Mệnh đề 1V = 3T).

Do đó, việc dừng thi công với nhà thầu Giang Tô trong gói thầu A3- san lấp nền đường – “buồn nhiều hơn vui” là như thế. 

Vấn đề thứ ba, đó là thiệt hại về tài chính và kéo theo nhiều thiệt hại khác cho nền kinh tế.

Việc dừng thi công liên tục để trừng phạt những hành vi gian dối của nhà thầu không thể xem là bình thường như quan điểm của người đại diện VEC, mà nó gây ra thiệt hại rất lớn cho nhà nước.

Gói thầu A3 có tổng giá trị đầu tư là 1.360 tỷ VND bằng nguồn vốn vay WB. Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, lãi vay ưu đãi của WB dành cho Việt Nam là 2%/năm. 

Như vậy :

Lãy vay VN phải trả 1 năm cho gói A3 là: RA3y  = 1.360 tỷ x 2% = 27,2 tỷ VND

Lãy vay VN phải trả 1 tháng cho gói A3 là: RA3m = 27,2 tỷ / 12 =  2,267 tỷ VN.

Lãy vay VN phải trả 1 ngày cho gói A3 là: RA3d = 2,267 tỷ /30 = 75,556 triệu VND.

Như vậy, việc dừng thi công chỉ một ngày trên công trường thì gói thầu A3 đã làm thiệt hại cho nhà nước, riêng về lãi vay (RA3d), đã mất hơn 70 triệu VND.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của cả dự án là 1,5 tỷ USD = 33.510 tỷ VND nên chỉ cần chậm tiến độ 1 ngày sẽ khiến thiệt hại cho kinh tế đất nước, riêng về về lãi vay (RA3dP) lớn tới mức nào, khi (tạm tính lãi suất 2%/năm): 

RA3dP = (33.510 tỷ x 2%)/12/30 = 1,862 tỷ VND

Không ai dám đảm bảo gói thầu A3 sẽ chỉ bị chậm tiến độ 1 ngày và Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ có thể bị chậm tiến độ theo dự kiến chỉ 1 ngày.

Bởi vậy việc để xảy ra hành vi gian dối và dừng thi công để xử lý hành vi này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngay cả khi công trình hoàn tất sớm hơn dự kiến thì tất cả những thiệt hại do việc dừng thì công vì hành vi gian dối của nhà thầu vẫn đều là con số thực, là thiệt hại thực tế. 

Bởi lẽ, nếu không phải dừng lại thì rõ ràng công trình sẽ hoàn tất sớm hơn nữa và khoản tiết kiệm cho nhà nước trong trường hợp này sẽ lớn hơn.

Như vậy, việc xử lý hành vi gian dối của nhà thầu Trung Quốc chỉ là hệ quả của việc phát hiện sự vi phạm của nhà thầu và luôn gây ra thiệt hại. Còn nếu không bị phát hiện thì nó sẽ là mầm mống của hậu hoạ có thể xảy ra với người dân và đất nước Việt Nam bất cứ lúc nào trong tương lai. 

Các biện pháp phòng vệ của Việt Nam khiến cho những hành vi gian dối của nhà thầu Trung Quốc vẫn có thể diễn ra và gây thiệt hại

Vấn đề thiệt hại từ những hành vi gian dối của các nhà thầu nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc, trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đã trở thành vấn đề nhức nhối với dư luận thời gian gần đây.

Chính phủ Việt Nam đã nhận diện ra sự nguy hại của vấn đề và hậu hoạ của đất nước gây ra bởi những hành vi gian dối của nhà thầu nước ngoài và cả sự bao che cho những hành vi ấy.

Do đó Việt Nam đã có biện pháp đối phó với tình trạng đó.

Theo ông Hoàng Việt Hưng, gói thầu A3 do nhà thầu Trung Quốc đang thi công được đánh giá là có tính chất đơn giản, nhà thầu nào cũng làm được.

Tuy nhiên, do dự án sử dụng nguồn vốn vay của WB, do đó việc tổ chức đấu thầu phải theo thông lệ quốc tế. Ngoài tiêu chí về kỹ thuật còn yếu tố quan trọng là tiêu chí tài chính.

Riêng với những dự án cao tốc luôn đòi hỏi năng lực tài chính rất cao mà thông thường các nhà thầu Việt Nam không thể đáp ứng được.

Quan trọng hơn cả là nhà thầu Trung Quốc bỏ giá rất rẻ, vì vậy, dù tiêu chí giá rẻ có gây nhiều tranh cãi nhưng với một dự án quy mô lớn như Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì giá rẻ luôn là yếu tố quan trọng nhất, theo lời ông Hoàng Việt Hưng.

Do đó, nhà thầu Trung Quốc dễ dàng thắng thầu trong những gói thầu mà họ tham gia dự thầu.

Như vậy, rõ ràng không thể ngăn chặn, sàng lọc nhà thầu nước ngoài qua điều kiện dự thầu, mà chỉ còn cách tránh thiệt hại do nhà thầu nước ngoài gian dối thông qua biện pháp quản lý khi triển khai gói thầu.

Tuy nhiên, theo người viết thì những biện pháp mà Việt Nam đã và đang được áp dụng không đủ sức hoá giải nguy cơ, thậm chí cả những biện pháp sẽ được áp dụng cũng không nhận thấy sự khả quan. Có võ đoán quá không? Xin trả lời bằng một ví dụ. 

Thông tư số: 14/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng, hướng dẫn về cấp giấy phép và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Niệt Nam, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2016, tại Điều 12: Quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài.

Cá nhân người viết cho rằng tại Khoản 3 và Khoản 4 của Điều 12 này có nhiều nhiều kẽ hở có thể khiến cho những người muốn làm hại đất nước dễ dàng thực hiện ý đồ.

Khoản 3: Xem xét khả năng cung cấp thiết bị thi công xây dựng trong nước trước khi thỏa thuận danh mục máy móc, thiết bị thi công của nhà thầu nước ngoài xin tạm nhập – tái xuất. 

Khoản 4: Xem xét khả năng cung cấp lao động kỹ thuật tại Việt Nam trước khi thỏa thuận với nhà thầu nước ngoài về danh sách nhân sự người nước ngoài làm việc cho nhà thầu xin nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện các công việc thuộc hợp đồng của nhà thầu nước ngoài. 

Về mặt hình thức luật, quy định chưa chặt chẽ, câu từ có thể diễn giải theo nhiều nghĩa, khi hành vi “xem xét khả năng” hoàn toàn là định tính nhưng lại là cơ sở cho “thoả thuận danh mục”, “thoả thuận danh sách” là hoàn toàn mang tính định lượng.

Khu vực gói thầu A4 thuộc Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nếu những hành vi gian dối được thực hiện với
những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao như thế này thì sẽ là mầm mống gây hậu hoạ cho tương lai của đất nước. Ảnh: cienco4.vn

Về mặt nội dung của điều luật thì quy định này chẳng khác gì quyết định bản thiết kế nhà rồi mới xem xét vay mượn xây nhà.Cả “xem xét” và “khả năng” đều là trừu tượng, nhưng “thoả thuận”, “danh mục”, “danh sách” lại đều cụ thể. Ngôn ngữ văn bản luật như vậy khiến cho việc vận dụng, áp dụng rất dễ tuỳ tiện.

Bởi lẽ, khả năng cung cấp thiết bị thi công xây dựng trong nước, khả năng cung cấp lao động kỹ thuật tại Việt Nam đến giai đoạn này phải có số liệu, tài liệu phân tích số liệu để dùng làm căn cứ, chứ không phải mới đi xem xét.

Chủ đầu tư phải có hai loại số liệu, tài liệu này trước khi quyết định mời thầu, mở thầu và duyệt thầu. 

Cả hai yếu tố kỹ thuật máy móc và kỹ thuật con người đều có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng, thời gian và giá cả của một công trình, dự án.

Tận dụng máy móc tại chỗ, sử dụng con người tại chỗ luôn hiệu qủa hơn là vận chuyển máy móc từ nơi khác tới, đưa con người từ nơi khác tới.

Như vậy, số liệu và tài liệu phân tích số liệu thể hiện việc có hay không, đủ hay thiếu kỹ thuật máy móc và kỹ thuật con người phải là cơ sở ngay từ khi mời thầu cho một dự án.     

Như vậy là chỉ cần chủ đầu tư và nhà thầu tuân thủ Khoản 3 và Khoản 4, Điều 12 của Thông tư số: 14/2016/TT-BXD cũng có thể khiến cho gói thầu hay công trình, dự án bị chậm khởi công, thi công và hoàn công.

Điều đó cũng có thể tạo điều kiện cho những hành động gian dối của nhà thầu, đơn vị thi công khi thời hạn hoàn thành dự án trở thành mục tiêu quan trọng nhất, gây ra hậu quả dây chuyền là chất lượng không đảm bảo và chi phí phát sinh. 

Tóm lại, nhà thầu nước ngoài, nhất là nhà thầu Trung Quốc gian dối là có ý đồ, song nó chỉ có thể được thực hiện và thực hiện được khi những biện pháp phòng vệ, hành lang pháp lý còn nhiều kẽ hở.

Cùng với đó là thói quen thích xử lý hành vi hơn là ngăn chặn hành vi của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát. Vì vậy, để tránh nguy hại cho đất nước vì loại vi rút độc hại này thì quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này phải chặt chẽ, giảm định tính, tránh trừu tượng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phù hợp, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm nhằm kích thích ước muốn vận dụng triệt để mệnh để 1V = 3T trong mọi công đoạn, mọi bước công việc trong quá trình thi công, triển khai dự án.

Rất nhiều tài sản của người dân và đất nước đang bị thất thoát hàng ngày, hàng giờ vì những hành vi gian dối, do vậy, cần phải có cả giải pháp, phương pháp và biện pháp thích hợp thì mới có thể ngăn chặn được những nguy hại đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới