GS.TS Vũ Trọng Hồng lưu ý 3 vấn đề khi tiến hành mở rộng thủy điện Hòa Bình: kỹ thuật, kinh tế và an toàn.
Sau khi hoàn thành việc mở rộng nhà máy, thủy điện Hòa Bình sẽ bằng hoặc vượt công suất của Nhà máy thủy điện Sơn La
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nghiên cứu mở rộng thêm 2 tổ máy tại Nhà máy thủy điện (MNTĐ) Hòa Bình với công suất dự kiến 480 MW hoặc 500 MW.
Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, tiến độ tổ máy 1 Dự án mở rộng NMTĐ Hòa Bình sẽ được đưa vào vận hành năm 2021 và tổ máy 2 vào năm 2022.
EVN cho biết, mục tiêu quan trọng nhất của việc mở rộng nhà máy là nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống, sau đó tận dụng nguồn nước thừa trong mùa lũ để phát điện.
Dự kiến, sau khi hoàn thành việc mở rộng nhà máy, thủy điện Hòa Bình sẽ bằng hoặc vượt công suất của NMTĐ Sơn La – hiện đang đứng vị trí số 1 Đông Nam Á về công suất.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý một số vấn đề khi tiến tiến hành mở rộng NMTĐ Hòa Bình.
Theo đó, vị chuyên gia cho biết, nếu Hòa Bình không phải là NMTĐ mà chỉ là hồ chứa thủy lợi thì hoàn toàn có lợi bởi công trình sẽ tích nước vào mùa lũ và xả nước vào mùa khô. Tuy nhiên, đây là NMTĐ nên quy trình hoạt động hoàn toàn khác, mục tiêu của NMTĐ là có điện để bán nên họ chỉ tích và xả nước khi nào cần.
“Bởi thế, dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình cần cho biết quy trình vận hành cụ thể, khi nào tích, khi nào xả. Nếu nhà máy tích nước để tăng thêm công suất thì có tăng thêm lượng nước cho hạ du hay chỉ để phục vụ cho việc bán điện? Đây là điều rất quan trọng.
Như đã nói, quy trình thủy lợi là tích nước mùa lũ, còn mùa khô xả; trong khi đối với thủy điện, mùa lũ chủ yếu tích nước và đến mùa khô vừa tích vừa xả. Chỉ e rằng trong quy trình này, nếu NMTĐ tăng thời gian tích nước cho mùa khô trong khi người dân đang cần nước thì sẽ ảnh hưởng đến hạ du”, ông Vũ Trọng Hồng chỉ rõ.
Vấn đề thứ hai vị chuyên gia thủy lợi cho rằng NMTĐ Hòa Bình cần lưu ý khi mở rộng, đó là Hòa Bình là thủy điện ngầm, nhưng khi nâng cao cao trình đưa nước lên thì cần tính đến an toàn của hồ chứa.
“Đập Hòa Bình chắn ngang sông Đà, do đó muốn mở rộng thì không có cách nào khác phải nâng cao trình đập. Vậy câu hỏi đặt ra là lúc ấy vấn đề an toàn của đập đối với hạ du sẽ như thế nào? Nếu như có những trận lũ khẩn cấp và mực nước dâng cao, hồ Hòa Bình làm thế nào để không ảnh hưởng đến hạ du?”, ông Vũ Trọng Hồng đặt câu hỏi.
Vấn đề thứ ba, hồ Hòa Bình cũng nằm trong đới động đất, nên khi nâng cao đến cao trình nào phải tính xem rằng với độ gia tăng của động đất, mực nước hồ lớn thì nguy hiểm ra sao? Ở hồ Hòa Bình không có khả năng xảy ra động đất kích thích nhưng với một hồ lớn như thế thì cũng cần lưu ý dù chỉ xảy ra động đất thông thường.
Phải xem nâng cấp, mở rộng hồ Hòa Bình đến mức nào mà vẫn an toàn cho hạ du, đặc biệt là cho Hà Nội. Đây là vấn đề cốt tử nhất”, GS Hồng phân tích.
Bởi thế, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh, những phương án mở rộng thủy điện Hòa Bình phải được trình bày chi tiết cả về kỹ thuật, kinh tế và an toàn, trong đó cũng cần tính lại vấn đề thủy văn, nếu mở rộng thì lấy nước ở đâu khi phía trên thủy điện Hòa Bình là thủy điện Sơn La, Lai Châu?
“Nếu nhà máy vẫn đảm bảo nâng công suất để mùa khô xả nước cho hạ du chống hạn, đồng thời vẫn tiếp tục phát điện thì được. Nhưng trong trường hợp không có nguồn nước, nhà máy lại đưa ra phương án tích nước mùa kiệt thật nhiều thì sẽ ảnh hưởng tới hạ du, khi ấy rất nhiều vấn đề xảy ra”, ông Vũ Trọng Hồng băn khoăn.