Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKịch bản chiến tranh Biển Đông: Mỹ thắng Trung với giá đắt

Kịch bản chiến tranh Biển Đông: Mỹ thắng Trung với giá đắt

Theo The Australian Financial Review, nếu chiến tranh xảy ra trên Biển Đông, Mỹ vẫn thắng Trung Quốc nhưng sẽ phải trả giá đắt.

Tờ The Australian Financial Review mới đây đặt câu hỏi: “Nếu chiến tranh bùng phát bởi tranh chấp Biển Đông, chiến thắng thuộc về ai?”. Theo tờ báo, 10 năm trước thì đáp án cho câu hỏi này không nghi ngờ gì đó là Mỹ. Ngày nay, so sánh thuần túy về mặt hỏa lực, kinh nghiệm và vũ khí, Mỹ đi trước Trung Quốc 10 năm.

Nhưng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách và đầu tư thực sự cho quân sự của Trung Quốc cao hơn dự toán. Chiến tranh xảy ra, tuy phần thắng vẫn nghiêng về siêu cường này, nhưng Mỹ sẽ phải trả giá đắt bởi Trung Quốc có thể gây ra những tổn thất thực sự cho Mỹ.

Hãng tư vấn Mỹ RAND Corp cho rằng trong tương lai 5 – 10 năm tới, nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều giữ mức chi tiêu ngân sách quốc phòng như hiện nay, châu Á sẽ chứng kiến sự suy thoái dần dần về địa vị bá chủ của Mỹ. Trung Quốc đang tăng cường phát triển các loại tên lửa chống hạm và đó là một phần trong chiến lược của Trung Quốc buộc các lực lượng Mỹ phải rời xa Biển Đông.

Tháng 9 năm ngoái, tại lễ kỉ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Trung Quốc đã cho diễu hành tên lửa Đông Phong 21D (DF-21D) đạt vận tốt gấp 10 lần vận tốc âm thanh, có thể tấn công tàu thuyền đang di chuyển. Như vậy, cùng với tên lửa đạn đạo YJ-12 (cũng được đưa ra diễn hành tại lễ kỉ niệm trên), Trung Quốc có trong tay bộ đôi “sát thủ tàu sân bay”.

Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng vũ khí của Mỹ nhiều hơn Trung Quốc rất nhiều, cũng tốt hơn rất nhiều, nhưng đó không phải là vấn đề then chốt bởi cái chính yếu là làm thế nào để có thể ngăn chặn được đối thủ. Và trong quá trình phát triển quân lực, Trung Quốc luôn chú trọng tới việc nâng cao khả năng phát hiện và bắn chìm tàu sân bay Mỹ.

“Do vậy, nếu như 10 năm trước, bạn khẳng định Mỹ chắc chắn giành chiến thắng (trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc). Tuy nhiên, giờ đây Mỹ phải đối mặt với khả năng chịu tổn thất lớn, thậm chí là mất cả một chiếc tàu sân bay”, Giáo sư Hugh White nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia, ông Peter Jennings cũng cho rằng Trung Quốc đã đề ra chiến lược để đẩy quân đội Mỹ ra xa Trung Quốc đại lục. Do vậy, Bắc Kinh đã chuyên chú để nâng cao cái giá mà Mỹ phải trả và tên lửa DF-21D thực sự là mối nguy hiểm lớn cho bất cứ kẻ địch nào. Tuy nhiên, theo ông Jennings, Trung Quốc hiện nay vẫn không thể so sánh được với Mỹ bởi Mỹ còn có sự hỗ trợ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

“Mười năm qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đi được một chặng đường dài, trở thành lực lượng đáng gờm ở khu vực, nhưng vẫn còn cách xa quân đội Mỹ về thực lực”, ông Jennings nhận định.

Trong một quan điểm khá tương đồng, Trương Kiếm, giảng viên cao cấp Đại học New South Wales ở thủ đô Canberra của Australia, cho rằng ưu tiên của Trung Quốc là phát triển năng lực có thể gây thiệt hại buộc Mỹ phải từ bỏ ý định can thiệp. Then chốt trong năng lực răn đe của Trung Quốc là tàu ngầm và tên lửa đạn đạo.

Vấn đề là rất khó có thể đánh giá được năng lực quân sự thực sự của Trung Quốc bởi những loại vũ khí mà họ có đều chưa từng được thử nghiệm một cách thực sự.

Và trong một kịch bản xảy ra chiến tranh thông thường ở Biển Đông, theo ông Jennings, Trung Quốc sẽ không thể chống trả Mỹ được trong thời gian dài. Ngoài những vấn đề nêu trên, một trong những lý do là quân đội Trung Quốc chưa từng đánh trận kể từ cuối những năm 1970.

Cũng liên quan đến động thái của Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng tài, hôm 25/7, tờ Đông phương Nhật báo (Hongkong) đã dẫn tiết lộ của Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Dương Nghị cho hay, nhằm ứng phó với sự kiện Tòa Trọng tài ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, ông Tập Cận Bình đã triệu tập hội nghị Quân ủy Trung ương, quyết định điều động binh hùng tướng mạnh tiến hành diễn tập ở Biển Đông, chuẩn bị ba phương án chiến tranh, gồm chiến tranh lớn, chiến tranh vừa và chiến tranh nhỏ để ứng phó với thách thức của phía Mỹ. 

Đây là lần đầu tiên kể từ sau thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đáp trả đe dọa quân sự trực tiếp của quân đội Mỹ bằng phương thức quân sự.

Tướng Dương còn tiết lộ sau khi ông Tập Cận Bình đưa ra quyết sách nêu trên, nội bộ Trung Quốc không phải là hoàn toàn thống nhất tư tưởng.

Không ít người trong giới học giả và chính giới chỉ trích, cho rằng đối phó cứng rắn thì một khi chiến tranh bùng nổ, đại cục hòa bình phát triển của Trung Quốc sẽ bị tổn hại. Có người thậm chí còn đợi để xem ông Tập Cận Bình bị rơi vào tình trạng khó khăn.
 
Tuy nhiên, theo tờ báo trên, xem xét tình hình hiện nay, quyết sách quả đoán của ông Tập Cận Bình đã có tác dụng. Nếu khi đó Trung Quốc thể hiện thái độ mềm yếu thỏa hiệp, tàu chiến Mỹ sẽ tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo bãi (Trung Quốc chiếm giữ, xây dựng phi pháp) ở Biển Đông.

Nếu Trung Quốc vẫn giống trước đây sử dụng “võ mồm” chống lại tàu chiến Mỹ, Washington sẽ lấy cớ thực thi pháp luật quốc tế theo thang hành động quân sự đối với Trung Quốc, thậm chí là tháo dỡ đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng (phi pháp).

Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS đã ra phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra gần như chiếm trọn Biển Đông. Hôm sau, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cảnh báo: “Đừng biến Biển Đông thành nguồn gốc chiến tranh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới