Philippines khẳng định dù tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến phán quyết “đường lưỡi bò”, việc đó không có nghĩa là Trung Quốc đã giành được chiến thắng ngoại giao.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: Reuters
Philippines không tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc cộng đồng quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, và không muốn thúc ép vấn đề này, gây nguy cơ chia rẽ nhóm hay kích động Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm nay phát biểu sau khi trở về từ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 49 tại Lào, theo Reuters.
Tại AMM, ASEAN đã ra tuyên bố chung nhưng không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7. Tòa kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách “đường lưỡi bò” mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.
“Tôi nói điều này để bác bỏ những thông tin nói rằng Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc họp ASEAN bởi vì chúng tôi thống nhất không đề cập đến phán quyết của tòa”, ông Yasay nhấn mạnh.
“Nhưng điều đó (vụ kiện) không phải là mục đích cuộc họp của chúng tôi tại ASEAN. Phán quyết của tòa là vấn đề giữa Trung Quốc và Philippines”, ông nói.
Phát biểu tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông Yasay nói rằng không có kẻ thua tại Lào và việc ASEAN đưa ra thông cáo chung là thắng lợi cho khối này.
“Việc đó làm cho ASEAN đáng tin cậy hơn với cộng đồng quốc tế và khiến khối hiện lên là một nhóm khu vực có hiệu quả hơn”, ông nhận xét.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói rằng việc ASEAN không đưa ra lập trường hay đề cập đến phán quyết không ảnh hưởng đến hiệu lực quyết định của tòa. Ông nhấn mạnh phán quyết của tòa có tính ràng buộc pháp lý với các bên liên quan.
Tại AMM lần thứ 49, ASEAN ra tuyên bố chung không đề cập trực tiếp Trung Quốc hay phán quyết “đường lưỡi bò” nhưng đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông. Bản tuyên bố chung cũng kêu gọi các bên tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, theo các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).