Bắc Kinh lại lên tiếng không phá dỡ hoàn toàn Học viện Larung Gar mà chỉ cải tạo vì không kiểm soát được cư dân.
Học viện Phật giáo tại Tây Tạng đã bị phá dỡ. Ảnh: Weibo
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo thông tin về vụ Bắc Kinh tiến hành phá dỡ “Học viện Phật giáo lớn nhất thế giới” từ hôm 20/7.
Chính quyền địa phương gọi việc phá dỡ một phần Học viện Phật giáo Larung Gar là “hoạt động cải tạo” nhằm làm giảm mật độ dân cư và ngăn hỏa hoạn, chứ không phá dỡ hoàn toàn như các cáo buộc từ nước ngoài và các nhóm hoạt động ở Tây Tạng.
Hoàn Cầu dẫn lời một quan chức cấp cao ở Cam Tư, giấu tên, bác bỏ cáo buộc rằng việc phá dỡ “là ý đồ của Trung Quốc nhằm làm giảm ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng”.
Theo quan chức này, mục đích của chính phủ Trung Quốc là cắt giảm số lượng tăng ni không có đăng ký và không ủng hộ tăng ni không đăng ký sinh sống tại đây.
“Khu vực này đã phát triển rất nóng trong vài năm gần đây với làn sóng du khách ổn định, cũng như giáo dân từ các tỉnh khác và cả người nước ngoài đổ về, khiến chính những lãnh đạo tôn giáo cũng mất kiểm soát về nhân sự của họ…
Sẽ rất bất công và là gánh nặng cho họ nếu cứ phải sử dụng tiền công đức của các phật tử để hỗ trợ những người hoạt động không đăng ký được ăn ở và giáo dục miễn phí” – quan chức trên nói với Hoàn Cầu.
Tờ này cũng cho hay, việc giải tỏa bớt số nhà tại khu vực này nhằm mục đích tạo điều kiện tăng khả năng phản ứng, đối phó hỏa hoạn của các đội cứu hỏa.
Trước đó hồi tháng 6, các nhà chức trách địa phương đã yêu cầu giảm tải một phần số lượng tăng ni để nhằm trùng tu học viện. Khi đó, một tổ công tác được bảo vệ bởi đội ngũ cảnh sát mặc thường phục và cảnh sát vũ trang đã tới đây.
“Các công trình ở đây đang được tiến hành cải tạo trùng tu chứ không phải dỡ bỏ”, người của tổ công tác nói.
Học viện Phật giáo lớn nhất thế giới sẽ được “sửa sang, nâng cấp”.
Sau khi thông tin học viện bị dỡ bỏ được công bố, tài khoản Wechat tờ Cam Tư nhật báo (Tứ Xuyên) đã đăng tải lời giải thích của Bộ trưởng Bộ chiến tuyến thống nhất huyện Ba Đạt (tương đương Chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện) tên Hoa Khoa.
Theo đó, thực tế không phải dỡ bỏ là nhằm cải tạo môi trường sống của học viện.
Theo ông Hoa Khoa, trong tương lai khuôn viên học viện sẽ lắp đặt hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng như: Các tuyến đường du lịch, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cung cấp nước sạch, an toàn điện và xử lý rác thải. Đồng thời thực hiện các chính sách bảo hiểm như: Bảo hiểm y tế; bảo hiểm dưỡng lão; bảo hiểm thất nghiệp, hộ nghèo…
Thông tin này cũng đã được Ủy ban thường vụ Dân tộc và tôn giáo khu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư xác nhận.
“Hiện nay do có chính sách nâng khu vực đặt Học viện Larung Gar lên cấp thị trấn cho nên chính quyền địa phương mới thực hiện một loạt các hạng mục xây dựng và không xuất hiện tình hình dỡ bỏ học viện, giảm bớt học viên”, một quan chức chia sẻ.
Đền Jutrul tại đỉnh núi ở Larung Gar. Ảnh: Lions Roar
Đừng bạo động vì mọi chuyện vô thường
Trước đó, ngày 16/7, vị thông dịch viên của một vị Khenpo tại đại tu viện Larung Gar cho hay:
“Vị Khenpo cho hay, nói chung thì người ta sẽ phá sập 1.400 căn thất, kỳ hạn là vào cuối tháng 7 này phải xong. Khởi đầu là phá sập 1.400 căn thiền thất của quý ni trước tiên, nhưng hy vọng là qua sang năm thì 700 vị ni trong số 1.400 vị sẽ có thể dọn vào trong một ký túc xá ở Larung Gar”.
Vị thông dịch viên cho hay, hiện nay ký túc xá đang trong thời kỳ gia công xây dựng, mới bắt đầu khởi công vào năm ngoái thôi, và chắc cũng còn lâu lắm mới xong.
“Rồi qua năm sau 2017 thì chắc là họ sẽ phá tiếp 1.400 căn thất của quý tăng. Vậy tổng cộng là 2.800 căn thất. Nhưng sau khi các căn thất của quý tăng bị phá hủy thì chưa biết quý tăng sẽ phải dời đi đâu? Vì không có một ký túc xá nào đang được xây dựng cho chư tăng”, vị này nói.
Theo vị này, các Khenpo đều khuyên mọi người nhẫn nhục, đừng sân hận, đừng bạo động vì thực sự mọi chuyện đều vô thường, có nghĩa là những gì đang hiện có có thể bị phá sập, thì những gì bị phá sập cũng có thể được xây dựng trở lại trong tương lai…
Trên thực tế, số tăng ni hiện đã đăng ký sống và học tập tại trung tâm Phật giáo này khoảng 10.000 người nhưng dân số ở đây được ước đoán lên đến gần 40.000.
Chính quyền địa phương cho phép khoảng 8.000 tăng ni có đăng ký nhưng các nhóm bảo vệ quyền lợi của người Tây Tạng khẳng định con số chính thức chỉ là 5.000 người.