Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCẩn thận kẻo sập bẫy Tàu!

Cẩn thận kẻo sập bẫy Tàu!

Dư luận đang quan tâm tới động thái tỏ ra nhượng bộ của Trung Quốc khi đề xuất tạm thời cùng khai thác tài nguyên Biển Đông với Philippines.

Bởi có nhiều nghi ngờ xung quanh chủ đề nhạy cảm này, nhất là khi nó được cựu Ngoại trưởng, hiện là Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa ra. Giới phân tích cho rằng, trước sức ép của dư luận, cũng như áp lực từ cộng đồng quốc tế sau khi Bắc Kinh tuyên bố bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực nên Trung Quốc mới đưa ra “lập trường mới” – muốn hợp tác với Philippines và các bên tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có khai thác nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển này.

Kiểu cảm ơn của Bắc Kinh

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra ý tưởng cùng khai thác Biển Đông với các nước hữu quan, nhưng Bắc Kinh luôn yêu cầu “đối tác” phải công nhận yêu sách chủ quyền phi lý của họ trước khi đàm phán vấn đề này. Và đó là điều không thể chấp nhận. Do đó, đề nghị vừa được Bắc Kinh đưa ra bị giới chuyên môn cảnh báo “đây có thể là một cái bẫy”. Tiến sĩ Lynn Kuok, chuyên gia tại Viện Brookings cho rằng, rất khó xác định khu vực để khai thác chung, nhưng một trong những nơi rõ ràng nhất sẽ là vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. “Tuy nhiên, niềm tin đặt vào Trung Quốc là rất thấp và Bắc Kinh sẽ phải chứng tỏ thật nhanh sự chân thành trong ý định của mình”, ông Lynn Kuok nhấn mạnh. “Tôi tự hỏi liệu có tiềm ẩn một cái bẫy giăng ra cho Philippines trong lời đề nghị hấp dẫn này hay không”, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, Mỹ cảnh báo. Bà Bonnie Glaser còn cho rằng, nếu Philippines chấp nhận thỏa thuận tạm thời của Trung Quốc, Manila đã ngầm thừa nhận Bắc Kinh có quyền khai thác đối với tài nguyên ở Biển Đông, trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài đã hoàn toàn bác bỏ điều này. “Về bản chất, thỏa thuận tạm thời là lời yêu cầu Manila bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài”, bà Bonnie Glaser nhấn mạnh.

Ngày 25-7, Trung Quốc đã công khai cảm ơn Campuchia vì ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về các tranh chấp ở Biển Đông tại AMM-49. Campuchia được cho là đã phản đối việc đưa phán quyết của Tòa Trọng tài vào tuyên bố chung (theo đề nghị của Philippines). Theo thông báo trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đánh giá cao động thái của Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon – lập trường của Campuchia là đúng đắn, giúp bảo vệ sự thống nhất của ASEAN và sự hợp tác với Trung Quốc! Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc đã sử dụng “con bài kinh tế” để lôi kéo một số quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh. “Tôi cho rằng Trung Quốc giống như mọi quốc gia trên thế giới đang cố gắng tăng cường lợi ích quốc gia của mình thông qua các biện pháp ngoại giao, nguồn hỗ trợ phát triển cho nước khác, “quyền lực mềm”, trong đó có quan hệ thương mại”, chuyên gia về châu Á tại Viện Milken có trụ sở tại Mỹ Curtis S. Chin nhấn mạnh.

Tờ The Cambodia Daily vừa dẫn bình luận của Giáo sư Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng “bằng cách phá hoại ASEAN, ông Hun Sen đang làm mất lòng hoặc nhiều hoặc ít đối với Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam”. Giáo sư Carl Thayer thậm chí còn cho rằng, nếu Campuchia tiếp tục hành xử như hiện nay, các thành viên khác của ASEAN có thể phải đặt câu hỏi: Tại sao nên giữ Campuchia ở lại trong ASEAN? Ngoài ra, tờ The Cambodia Daily còn nhấn mạnh, đây không phải lần đầu tiên Campuchia ngăn chặn một tuyên bố chung của ASEAN. Cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ghi nhận cảnh không đồng thuận như hội nghị ở Campuchia năm 2012 đã lặp lại.

Đã đến lúc phải thay đổi

Ngày 24-7, tờ The Wall Street Journal dẫn lời một số nhà ngoại giao ASEAN cho rằng, đã đến lúc từ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN và thay thế bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Việc này diễn ra khi nhiều thành viên ASEAN thất vọng trước sự bế tắc và chia rẽ trong nội bộ bởi áp lực từ Trung Quốc. Theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy, nếu muốn để ASEAN tồn tại thì mô hình ASEAN – X nên được áp dụng trong lĩnh vực an ninh như trong thương mại. Đó là cách ASEAN có thể thích ứng trước sự chia rẽ.

Tờ Wall Street Journal còn đưa tin, Trung Quốc đã đề nghị Mỹ ủng hộ cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Việc này diễn ra khi Ngoại trưởng Vương Nghị gặp Ngoại trưởng John Kerry bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Lào hôm 25-7. Theo đó, Bắc Kinh hy vọng Washington có biện pháp cụ thể để ủng hộ đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines về quyết định của PCA. Ông John Kerry cho biết, Mỹ không tham gia tranh chấp, nhưng ủng hộ Trung Quốc và Philippines đàm phán song phương và coi đây là biện pháp nhằm giảm nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Trong khi tờ Wall Street Journal coi đề nghị kể trên của Trung Quốc nhằm bỏ qua phán quyết của PCA, thì chuyên gia Ian Story đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Yusof – Ishak, Singapore cảnh báo – thật lạ khi Trung Quốc đề nghị Mỹ ủng hộ đàm phán song phương, trong khi Bắc Kinh từng đưa ra điều kiện bỏ qua phán quyết mới nói chuyện với Manila. Nhiều chuyên gia và học giả cảnh báo, kêu gọi đàm phán của Bắc Kinh là chiến thuật trì hoãn, bởi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xây dựng đường băng và cơ sở hạ tầng tại những đảo nhân tạo được bồi đắp phi pháp ở Biển Đông, nhằm mở rộng kiểm soát tại vùng biển này. Ngày 21-7, tờ China Daily dẫn phản ứng của Trung Quốc trước lời từ chối của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Ông Perfecto Yasay đã từ chối đề nghị đàm phán của Bắc Kinh vì nó không phù hợp với hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines. Theo nhận định của Giáo sư Alexander Vuving đến từ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, phán quyết của Tòa Trọng tài là bước ngoặt đối với cục diện ở Biển Đông. Bởi phán quyết của Tòa Trọng tài định hình chiến lược của các nước liên quan tới tranh chấp, và tạo ra động lực mạnh mẽ để họ điều chỉnh bước đi tiếp theo.

Kỳ đà cản mũi

Ngày 26-7, Hãng PTI dẫn lời Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Singh (phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Ấn Độ lần thứ 14 ở thủ đô Viantiane, Lào), theo đó các nước hữu quan nên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và đặc biệt phải tôn trọng UNCLOS. Ông Singh cho biết, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế được phản ánh đặc biệt trong UNCLOS – Ấn Độ coi các tuyến đường biển tại Biển Đông có tầm quan trọng sống còn đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển.

Ngày 26-7, tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Trung tâm Habibie đã tổ chức Đối thoại ASEAN lần thứ 36 với chủ đề “Hậu phán quyết của Tòa Trọng tài về tranh chấp trên Biển Đông”. Đây là buổi tọa đàm đầu tiên giữa các học giả, chủ yếu đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu lớn của Indonesia và Bộ Ngoại giao Indonesia nhằm xác định những ảnh hưởng của phán quyết đối với ổn định khu vực. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nhìn lại sự kiện Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan tới “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông. Theo Tiến sĩ Siswo Pramono, Trưởng cơ quan phân tích chính sách và phát triển (BPPK) thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố riêng về kết quả của Tòa Trọng tài, trong đó đều nhấn mạnh tới sự kiềm chế, không gây thêm căng thẳng và có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, tham chiếu với các chuẩn mực trong các văn bản pháp lý của ASEAN.

Theo Hãng AP, tối 25-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã nhất trí ra thông cáo chung kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng các tiền đồn và cải tạo đất trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Việc này diễn ra khi 3 lãnh đạo kể trên có cuộc hội đàm bên lề hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan ở thủ đô Viantiane, Lào. Mỹ – Nhật – Australia còn kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài. Giới chuyên môn coi thông báo chung của Mỹ – Nhật – Australia là một trong những cảnh báo mạnh mẽ nhất và cụ thể nhất đối với Trung Quốc sau khi PCA công bố phán quyết hôm 12-7. Tờ Nikkei cũng đưa tin tương tự, trong đó nhấn mạnh tới việc Ngoại trưởng Mỹ – Nhật – Australia thúc giục tất cả các nước kiềm chế bồi đắp quy mô lớn và xây dựng, sử dụng các căn cứ với mục đích quân sự, và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài. Nhưng ngày 27-7, Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ trích tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông của Ngoại trưởng 3 nước kể trên. Bởi theo ông Vương Nghị, việc này chỉ “thổi bùng ngọn lửa” căng thẳng ở Biển Đông, và được đưa ra vào thời điểm không thích hợp, không mang tính xây dựng.

Ngày 25-7, trang tin China Topix cho biết, Pháp muốn dẫn đầu những cuộc tuần tra của các tàu chiến thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Hải quân Pháp có 26 tàu hộ tống được trang bị vũ khí đối không, đối đất và săn tàu ngầm. Và tàu hộ tống lớp La Fayette của Pháp dự kiến sẽ dẫn đầu các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, việc mất tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ dẫn đến những hệ lụy tương tự ở Bắc Cực và Địa Trung Hải. Đại sứ Pháp tại Philippines Thierry Mathou vừa thông báo, Paris có thể đóng vai trò trung gian để xoa dịu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc sau phán quyết của PCA.

RELATED ARTICLES

Tin mới