Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNghi án Triều Tiên phái 'sát thủ' sang Campuchia

Nghi án Triều Tiên phái ‘sát thủ’ sang Campuchia

Tờ JoongAng Daily (Hàn Quốc) đưa tin CHDCND Triều Tiên đã cử một nhóm điệp viên đến Campuchia thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào những kẻ đào tẩu từ Triều Tiên cũng như công dân Hàn Quốc sống và du lịch tại đất nước chùa vàng.

Dẫn nguồn từ một quan chức tình báo cấp cao Hàn Quốc, JoongAng Daily ngày 27.7 cho hay các “sát thủ” nhận lệnh trực tiếp từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bản thân ông Kim được cho cũng từng tuyên bố gửi điệp viên sang Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm cả Lào – những nước vẫn còn duy trì mối quan hệ hữu hảo với Bình Nhưỡng.

Cảnh báo đe dọa

Theo tờ JoongAng Daily, các điệp vụ Triều Tiên bị cho cũng sẽ mở các cuộc tấn công nhằm vào những tổ chức tôn giáo lẫn dân sự hỗ trợ những người đào ngũ cũng như khách du lịch Hàn Quốc và người Hàn Quốc sống tại Campuchia.

Gần 400.000 người Hàn Quốc đã đến thăm Campuchia trong năm ngoái, theo số liệu thống kê từ Bộ Du lịch Hàn Quốc. Còn số liệu thống kê được đăng trên trang web của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Campuchia cho thấy có khoảng 5.000 người Hàn Quốc sống tại đây. Hầu hết đều cư trú tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Siem Reap. Một nhân viên tại nhà hàng Triều Tiên ở Phnom Penh ngày 27.7 cho biết các thực khách Hàn Quốc vẫn được chào đón khi đến ăn tại nhà hàng, vốn do chính quyền Bình Nhưỡng quản lý, theo tờ The Cambodia Daily.

Nghi án Triều Tiên phái “sát thủ” sang Campuchia 1

Biểu diễn văn nghệ tại một nhà hàng Triều Tiên ở Siem Reap International Herald Tribune

Mối đe dọa tấn công được cảnh báo sau khi 13 nhân viên tại một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc bất ngờ đào tẩu sang một quốc gia ở Đông Nam Á. Phát ngôn viên Chum Sounry của Bộ Ngoại giao Campuchia nói rằng ông chưa thể bình luận về vụ việc kể trên.

Tuy vậy, ông Mean Chanyada, đại diện của Phnom Penh, nói rằng địa phương này chưa nhận được đề nghị chính thức từ Hàn Quốc liên quan tới thông tin trên. “Nếu có yêu cầu chính thức từ Đại sứ quán Hàn Quốc gửi tới chúng tôi thông qua Bộ Ngoại giao, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp tăng cường an ninh”, ông Chanyada nhấn mạnh.

Công dân Triều Tiên đào tẩu tại Hồng Kông

Một công dân Triều Tiên đã đến Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Hồng Kông để xin tị nạn, tờ The South China Morning Post đưa tin ngày 28.7. An ninh tại cơ quan này đã được thắt chặt và lực lượng chống khủng bố cũng đã được triển khai đến khu vực. Danh tính của người này chưa được tiết lộ, song theo tờ The South China Morning Post dẫn nguồn từ chính quyền Hồng Kông, đó là thành viên của phái đoàn Triều Tiên sang tham gia một cuộc thi diễn ra tại vùng lãnh thổ này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin trên.

Trong số các nước Đông Nam Á, Campuchia và Lào có mối quan hệ thân thiết nhất với Triều Tiên. Quan hệ giữa Campuchia với Triều Tiên bắt nguồn từ tình hữu nghị giữa cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành và Quốc vương Norodom Sihanouk hồi những năm 1960. Theo tờ The Cambodia Daily, Quốc vương Sihanouk đã từ chối công nhận chính phủ Hàn Quốc cho đến khi ông bị lật đổ hồi năm 1970.

Triều Tiên đã “trả ơn” bằng cách ủng hộ cuộc kháng cự chống Khmer Đỏ của ông Sihanouk. Triều Tiên thậm chí còn xây cho vị vua lưu vong một cung điện ở ngoại ô Bình Nhưỡng và cấp đội vệ sĩ riêng.

Hàn Quốc bị tố thả rắn

Hãng Daily NK của Hàn Quốc loan tin Triều Tiên đã ra lệnh cho lính biên phòng bắt rắn được cho là do nước láng giềng thả sang. Theo truyền thông Triều Tiên, một lượng lớn rắn đã xuất hiện bất thường tại tỉnh Ryanggang, giáp biên giới Trung Quốc. Hãng Daily NK dẫn nguồn tin tại tỉnh Ryanggang cho biết thêm Bình Nhưỡng đã cáo buộc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc thả rắn với âm mưu gây bất ổn tại miền Bắc.

Tuy nhiên, nhiều binh sĩ Triều Tiên đã than phiền về lệnh bắt rắn kể trên, cho rằng “ngay cả đứa trẻ 3 tuổi cũng thừa biết Hàn Quốc sẽ không tấn công chúng ta bằng rắn”, nguồn tin trên cho hay. Theo tờ The Guardian, Bộ An ninh nhân dân Triều Tiên thậm chí đã ra cảnh báo kêu gọi người dân cảnh giác trước nguy cơ bị rắn cắn với dẫn chứng có nhiều người đã tử vong do rắn cắn.

Một số nhà quan sát cho rằng việc Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul có âm mưu thả rắn là nhằm đánh vào tâm lý của người dân trong bối cảnh ông Kim Jong-un phát động “chiến dịch 200 ngày” nhằm thúc đẩy kinh tế. Theo tờ The Guardian, tin đồn về rắn khiến nhiều kẻ buôn lậu tại khu vực trên đổ xô đi mua quần cao su chất lượng cao. Nhu cầu tăng đột biến đã đẩy giá mặt hàng này lên tới 7 USD/chiếc.

Ngoài ra, truyền thông Triều Tiên trước đây cũng từng đưa tin côn trùng phá hoại các cánh đồng bắp ở nước này là âm mưu của Mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đó là do khan hiếm thuốc trừ sâu để phun xịt lên các cánh đồng, theo tờ The Guardian dẫn nguồn từ tỉnh Ryanggang.

RELATED ARTICLES

Tin mới