Không đồng tình với việc Chính phủ lùi Luật Biểu tình, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng luật này là khó nhưng khó cũng phải làm vì đây là quyền con người.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền không đồng tình với việc lùi Luật Biểu tình.
Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 26/7, đề cập đến sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành dự án Luật Biểu tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Quốc hội khoá XIII đã đưa dự án Luật Biểu tình vào xem xét cho ý kiến tại kỳ 11. Tuy nhiên, dự án luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và vừa qua Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra cũng cho thấy chưa đủ hồ sơ.
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn ĐBQH Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không đồng tình với Chính phủ về việc cứ lùi mãi Luật Biểu tình.
Theo ông Xuyền, biểu tình là quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp từ rất lâu rồi, trước Hiến pháp năm 1992 chứ không phải Hiến pháp mới. Đây là quyền rất quan trọng để người dân thể hiện ý chí nguyện vọng của mình, kể cả những điều họ phản đối cái sai, cái chưa đúng của cơ chế, chính sách hay của các cơ quan nhà nước.
“Ban hành đạo luật này cũng là để có chỗ để người dân bày tỏ ý chí quan điểm của họ đúng pháp luật. Mà nhà nước cũng dựa trên cơ sở pháp lý đó mà quản lý nhằm hạn chế những cái sai, những cái dễ bị lợi dụng nhằm gây rối an ninh trật tự. Quyền công dân rất là hiển nhiên! Đến nay vẫn nợ, nợ quá lâu!” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Xuyền cho biết ông cũng nêu ý kiến về việc Chính phủ giao cho Bộ Công an soạn thảo Luật Biểu tình là rất khó, bởi lẽ họ sẽ rất vướng. Họ đặt ra những quy định rồi chính họ lại phải thực hiện kiểu như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
“Vừa trọng tài, vừa cầu thủ, vừa là người tổ chức thực hiện. Do đó tôi có đề xuất nên giao cho Bộ Tư pháp, không nên giao cho Bộ Công an vì nó liên quan đến quyền con người. Bộ Tư pháp tham mưu cả chiều rộng, chiều sâu còn Bộ Công an đứng bên cạnh thẩm định và phản biện. Cuối cùng đưa ra Chính phủ, đưa ra Quốc hội bàn. Cái gì khó phải bàn, phải làm” – đại biểu Xuyền nói.
Đại biểu Xuyền cũng cho biết lý do lùi Luật Biểu tình vì “có những quan điểm khác nhau, có thể có những cái e ngại làm luật xong người dân đứng ra tập trung biểu tình nhiều nên dẫn tới mất ổn định chính trị”.
Tuy nhiên, theo ông Xuyền thì chính cái quan điểm e ngại này khiến cho nhiều sự việc không mong muốn đã xảy ra. Chẳng hạn như năm xảy ra vụ giàn khoan 981 rất nhiều nơi dẫn tới vi phạm, bị kích động, bị kẻ xấu lợi dụng dẫn tới vi phạm pháp luật mà người ta bị oan do không có luật. Người ta không biết cách thức như thế nào, ai đứng ra, ai cho phép…
“Việc ban hành luật này đúng là khó vì chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm xây dựng. Rõ ràng nó là mới nhưng không phải mới vì trong Hiến pháp đã quá cũ. Các nước đã có luật này từ lâu. Đề nghị Chính phủ quan tâm!” – đại biểu Xuyền kiến nghị.