Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì lợi ích quốc gia, bỏ qua mọi hiềm khích

Vì lợi ích quốc gia, bỏ qua mọi hiềm khích

Ông Duterte đã đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lập trường chính trị đảng phái.

Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mặc dù đã có những phát biểu gây tranh cãi trước khi lên nắm quyền, nhưng từ lúc vào Điện Malacañang đến nay, những phát biểu, hành động và quyết sách của ông chỉ cho thấy một điểm thống nhất: Lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc là tối thượng.

Về đối nội, tuyên chiến với ma túy và tội phạm, lập lại hòa bình với phiến quân

Ngày 28/1, South China Morning Post đưa tin, Tổng thống Rodrigo Duterte nói với báo giới: Trung Quốc đang chứa chấp những tên trùm ma túy lớn, những kẻ buôn lậu ma túy vào Philippines.

Hãng thông tấn AFP nhận xét, ông chủ Điện Malacañang sẵn sàng phát biểu như thế ngay cả khi hai nước đang cãi nhau về phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông.

“Những con cá lớn đang ở đâu? Nếu bạn muốn tìm chúng, hãy đến Trung Quốc. Hãy tìm chúng ở đó. Tôi muốn nói chuyện với Đại sứ. Tình hình bây giờ đã rất nghiêm trọng.

Làm thế nào để chống lại điều này? Chúng ta không thể sang đó và tuyên bố chiến tranh”, ông Rodrigo Duterte nói với các binh sĩ, cảnh sát khi thăm một doanh trại.

Trước đó ông Duterte đã khẳng định rằng, hầu hết các loại ma túy ở Philippines có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhiều người Trung Quốc đã bị bắt vì buôn lậu ma túy vào quốc gia này.

Nhưng đây là lần đầu tiên ông chỉ đích danh, Trung Quốc là hang ổ của những kẻ chịu trách nhiệm về hoạt động buôn bán ma túy.

Từ ngày ông nhậm chức Tổng thống hôm 30/6, cảnh sát Philippines đã tiêu diệt ít nhất 316 nghi phạm buôn bán ma túy. Tuần trước đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ra tuyên bố nói rằng, Bắc Kinh ủng hộ chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Rodrigo Duterte. [1]

Theo hãng thông tấn AP ngày 25/7, hôm 24/7 ông Rodrigo Duterte đơn phương tuyên bố ngừng bắn với lực lượng phiến quân du kích, đồng thời yêu cầu lực lượng phiến quân này cùng kết thúc thập kỷ của bạo lực và chết chóc, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Duterte nói trước Quốc hội rằng, ông muốn có một nền hòa bình lâu dài, vĩnh viễn trước khi kết thúc nhiệm kỳ 6 năm của mình. Tổng thống Philippines nói: “Hãy để tôi thỉnh cầu các bạn. Nếu chúng ta chưa thể thương nhau, thì xin Chúa, đừng để chúng ta ghét nhau quá nhiều.”

“Hãy để tôi nói điều này. Tất cả chúng ta muốn hòa bình. Không phải là hòa bình của người chết, mà là sự bình yên của cuộc sống”, Tổng thống Philippines cho hay.

Tuy nhiên với tội phạm ma túy ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi các tay trùm ma túy cuối cùng, những kẻ tiếp tay cho ma túy cuối cùng phải đầu hàng, hoặc vào nhà tù, hoặc an nghỉ dưới lòng đất nếu chúng có nhu cầu.” [2]

Về đối ngoại, dĩ bất biến ứng vạn biến trên Biển Đông

Mặc dù truyền thông quốc tế còn có những quan điểm dò xét và nghi ngại về lập trường của tân Tổng thống Philippines trong vấn đề Biển Đông, nhất là sau phán quyết trọng tài hôm 12/7, nhưng hành động và quyết sách của ông đã cho thấy phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” rõ nét.

Một là, ông Rodrigo Duterte đã bày tỏ thiện chí mong muốn đàm phán với Trung Quốc để giải quyết một số vấn đề tranh chấp giữa hai bên trên Biển Đông. Nhưng mọi thứ phải trên cơ sở phán quyết trọng tài.

Taipei Times ngày 28/7 cho hay, khi tiếp Ngoại trưởng John Kerry hôm thứ Ba tuần này, Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định rõ, bất kỳ một cuộc đàm phán song phương nào với Trung Quốc đều sẽ “bắt đầu với phán quyết trọng tài”. [3]

Trước đó bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu tại Mông Cổ, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã từ chối đề nghị đàm phán từ ông Vương Nghị khi Trung Quốc đặt ra “điều kiện tiên quyết” là mọi nội dung đàm phán giữa hai bên không được liên quan đến phán quyết trọng tài này.

Mặc dù vậy, ông Rodrigo Duterte vẫn tỏ rõ thiện chí với Bắc Kinh bằng cách nhờ một người tiền nhiệm – cựu Tổng thống Fidel Ramos “đi sứ” Trung Quốc một chuyến.

Hai là, chủ động kiểm soát phát ngôn và dư luận sau phán quyết trọng tài 12/7 để tránh làm mất mặt Trung Quốc. Philippines “thắng đậm” trong con mắt cộng đồng quốc tế, nhưng không thấy Manila thể hiện thái độ hả hê, say sưa với chiến thắng.

Ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan khác tại Vientiane, Lào tuần qua, ông Perfecto Yasay đã nêu bật vấn đề Biển Đông và phán quyết trọng tài trên bàn hội nghị.

Tuy nhiên ông không yêu cầu các thành viên ASEAN phải đưa nội dung “ủng hộ phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông” vào tuyên bố chung.

Lý do ông đưa ra là, các thành viên khác của ASEAN không cùng Philippines nộp đơn khởi kiện ra Tòa Trọng tài thì không có lý do gì để đòi ASEAN phải đưa nội dung “ủng hộ phán quyết trọng tài” vào tuyên bố chung. [4]

Vì lợi ích quốc gia, bỏ qua mọi hiềm khích. Ông Rodrigo Duterte mời 4 vị tiền nhiệm đến Điện Malacañang để cùng bàn kế sách quốc gia. Ảnh: SCMP.

Ba là, đoàn kết thống nhất trong nước, nhất là trong đội ngũ những người tiền nhiệm để tạo sức mạnh nội tại hỗ trợ chính phủ từng bước kiểm soát, giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

AP ngày 27/7 cho hay, cùng ngày Tổng thống Rodrigo Duterte đã mời 4 người tiền nhiệm đến Điện Malacañang cùng nhau thảo luận về việc làm thế nào để có thể giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.

Điều thú vị là hầu hết 5 vị đương kim và cựu Tổng thống Philippines đều có mâu thuẫn với nhau về lập trường chính trị. 4 người tiền nhiệm là các cựu Tổng thống Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Macapagal Arroyo và Benigno Aquino III.

Bà Arroyo đã tham gia vụ lật đổ ông Estrada năm 2001, nhưng sau đó vẫn cho phép ông tham gia chính trị và bây giờ ông đang là Thị trưởng Manila.

Bà Arroyo đã bị bắt dưới thời chính quyền Tổng thống Aquino vì tội gian lận bầu cử năm 2011, nhưng bà đã được trả tự do từ tuần trước sau vài năm bị quản thúc trong bệnh viện.

Trước cuộc bầu cử năm nay, Aquino cũng đã vận động chống lại Duterte và gọi ông là một nhà độc tài trong suốt chiến dịch tranh cử. Nhưng bây giờ cả 5 vị đều hiện diện tại Điện Malacañang để cùng bàn kế sách đối phó với Trung Quốc. [4]

Lợi ích quốc gia, dân tộc hợp pháp và luật pháp quốc tế là tối thượng

Qua những gì tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thể hiện, cá nhân người viết nhận thấy rằng ông Duterte đã đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lập trường chính trị đảng phái.

Những gì ông đang làm nhằm giúp Philippines vượt qua những nghi kỵ và chia rẽ nội tại, đặc biệt là việc mời 4 người tiền nhiệm tới Điện Malacañang để cùng bàn kế sách lâu dài. Mặc dù mới đây còn có những hiềm khích, còn có những chỉ trích ông là độc tài, thô thiển.

Trong quan hệ với Trung Quốc và giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, có thể thấy cả Rodrigo Duterte hay Benigno Aquino III đều đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Nhưng nhiệm vụ của mỗi ông mỗi khác, theo từng thời kỳ khác nhau phải có sự điều chỉnh để đạt được mục đích ấy.

Benigno Aquino III là người có công đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực PCA với lựa chọn không thể tốt hơn được nữa: Kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông theo Phụ lục VII của Công ước.

Phán quyết trọng tài ngày 12/7 là chiến thắng của công lý, lẽ phải, của luật pháp quốc tế, của UNCLOS 1982, của hòa bình và ổn định cho khu vực.

Rodrigo Duterte kế thừa thành quả của Benigo Aquino III bằng cách hạ nhiệt căng thẳng, tỏ thiện chí nối lại đàm phán đối thoại với Bắc Kinh. Đây là một bước đi khéo léo và tế nhị, thể hiện sự uyển chuyển trong chính sách của Điện Malacañang.

Nhưng xin lưu ý rằng, mọi đàm phán đều bắt đầu từ phán quyết trọng tài.

Có thể thấy, cả Benigno Aquino III và Rodrigo Duterte đều hiểu rõ và nhất quán chủ trương, luật pháp quốc tế là công cụ hòa bình, văn minh và hợp pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trước cường quyền.

Còn việc sử dụng các công cụ pháp lý như thế nào cho hiệu quả, sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn cụ thể, hoàn cảnh cụ thể nhưng mục tiêu không thay đổi, thiết nghĩ đó chính là tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến.

Mặt khác, cách thể hiện của Philippines tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cũng cho thấy, Manila ý thức rất rõ rằng mọi tuyên bố chính trị không thể làm thay đổi hiệu lực, giá trị và ý nghĩa pháp lý của phán quyết trọng tài, cho nên đòi hỏi cứng nhắc ASEAN phải đưa nội dung “ủng hộ phán quyết” vào tuyên bố chung là điều không cần thiết.

Người viết cho rằng, những ứng xử của Tổng thống Rodrigo Duterte cho thấy, đoàn kết nội bộ quốc gia dân tộc và sử dụng luật pháp quốc tế, công lý và công luận, mềm dẻo trong đấu tranh nhưng mục tiêu bảo vệ lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc là bất biến là những bài học rất quý giá cho các nước nhỏ khi phải đối mặt với cường quyền.

RELATED ARTICLES

Tin mới