Theo phân tích của Quartz, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông có thể bị quét sạch bởi các siêu bão cỡ như bão Nida trong mùa mưa bão.
Trung Quốc xây dựng đảo phi pháp tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trang tin Quartz ngày 1.8 đăng tải một bài phân tích về vấn đề Biển Đông của tác giả chuyên viết về vấn đề châu Á Steven Mollman. Bài phân tích không nhấn mạnh vào khía cạnh pháp lý mà đi sâu phân tích tác động của thiên nhiên đối với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã khẳng định việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc tại quần đảo Trường Sa đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, cũng như khiến cho môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị huỷ diệt.
Theo phân tích của tác giả Mollman, Trung Quốc có thể phớt lờ phán quyết của tòa và tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo; nhưng chính họ sẽ thua trong cuộc chiến với sóng, bão và tình trạng nước biển dâng nếu cứ cố gắng xây dựng các công trình trên nền các rạn san hô mong manh và đã bị hư hại.
Quartz dẫn các hình ảnh vệ tinh cho biết chỉ ít tháng sau khi xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã phải gia cố một góc công trình này vì chúng bị đổ sụp xuống biển.
Theo tác giả Mollman, các rạn san hô thường hứng sức công phá của các đợt sóng, và các công trình xây dựng trên rạn san hô đó cũng phải hứng sức công phá tương tự. Môt nghiên cứu của tạp chí Nature Communications công bố năm 2004 cho thấy các rạn san hô có tác dụng rất lớn trong việc giảm thiểu thiên tai cho cư dân ven biển. Cụ thể, trung bình các rạn san hô làm giảm 97% sức mạnh của sóng, trong khi đó đỉnh rạn san hô hoặc cạnh hướng ra biển của rạn san hô đó có thể làm tiêu tan 86% sức mạnh của sóng. Điều này có nghĩa là sóng sẽ đập vào rạn san hô cùng các cấu trúc bên trên nó rất nhiều và sức công phá của sóng tại đó rất lớn.
Thêm vào đó, nếu mực nước biển dâng lên, các rạn san hô đã bị hư hại khó có thể điều chỉnh tự nhiên, do đó làm những cấu trúc bên trên nó yếu dần đi. Với phân tích đó, Quartz cho rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông sẽ khó trụ vững trước thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão.
Cụ thể, một thực thể như đá Chữ Thập được cho là đã không chắc chắn trong điều kiện bình thường. Nếu một siêu bão có sức gió từ 186 km/giờ trở lên đi qua cùng sóng cao tầm 6 mét thì hoàn toàn có thể quét sạch hoặc ít nhất là gây hư hại nghiêm trọng đảo nhân tạo này.
Theo Quartz, các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp trên Biển Đông đang phải đối mặt với mùa mưa bão. Thời điểm này, bão Nida đã đi vào Biển Đông và được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền. Theo công điện sáng 1.8 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13,14 và ở Biển Đông sẽ có biển động dữ dội.