Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau quyết định của Thủ tướng Anh hoãn dự án 18...

Đằng sau quyết định của Thủ tướng Anh hoãn dự án 18 tỉ bảng với TQ

Thủ tướng Anh Theresa May đã gây sốc khi vào phút chót quyết định hoãn ký kết dự án khổng lồ trị giá 18 tỉ bảng Anh xây nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point C, với lý do chính phủ cần đánh giá lại tất cả các hợp phần của dự án. Song phỏng đoán cho rằng chính các vấn đề liên quan đến Trung Quốc là tâm điểm của quyết định này.

Yếu tố Trung Quốc?

Hai công ty đầu tư vào dự án là Công ty năng lượng EDF của Pháp và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) đều bàng hoàng khi Anh từ chối thông qua dự án. 2 công ty định ký hợp đồng bắt đầu dự án vào ngày 29.7 và họ đã phải hủy bữa tiệc trưa với khoảng 150 khách VIP. Bà Theresa May đã đích thân can thiệp hoãn dự án chỉ vài giờ trước đó. Đây là một dự án từ lâu khiến người ta lo ngại về chi phí và độ an toàn. 

Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, bà May đã thảo luận việc đánh giá lại dự án với Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc điện đàm hôm 27.7. Các quan chức Pháp hài lòng với việc Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào mùa thu tới. Tuy nhiên, những người gần với tập đoàn Trung Quốc CGN thì nói họ “kinh ngạc vì sự việc quay ngoắt” như vậy. Bộ trưởng kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh Greg Clark đã gặp giám đốc điều hành cả hai công ty Pháp và Trung Quốc hôm 29.7 để tìm cách bảo đảm với họ rằng chính sách năng lượng của Anh không thay đổi và dự án vẫn còn đó, chỉ là kéo dài thời gian xem xét. 

Tuy nhiên báo chí Anh cho rằng, đã xuất hiện nhiều quan ngại mới trong chính phủ về việc CNG của nhà nước Trung Quốc tham gia vào dự án. Theo điều khoản xây dựng nhà máy, CGN có 33,5% cổ phần trong Hinkley và sau đó có thể xây một nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc thiết kế ở vùng Essex. Chánh văn phòng Thủ tướng Anh, ông Nick Timothy, từ năm 2015 khi chưa vào nội các, đã lên tiếng chỉ trích dự án và cảnh báo, chính phủ “bán an ninh quốc gia cho Trung Quốc”. Trên trang web ConservativeHome tháng 10.2015, Timothy viết “Thật đáng “thất vọng vì chính phủ Anh cho phép các công ty Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhạy cảm”, và “những quan ngại hợp lý về an ninh quốc gia đã bị gạt sang một bên bởi sự thèm muốn dễ sợ thương mại và đầu tư với Trung Quốc”. BBC tiết lộ Timothy nói thẳng, các chuyên gia an ninh lo ngại Trung Quốc có thể tạo ra những điểm yếu trong hệ thống máy tính và cho phép họ “tắt việc sản xuất điện của Anh theo ý muốn”. “MI5 (tình báo Anh) tin rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc… tiếp tục làm việc chống lại lợi ích của Anh trong và ngoài nước” – Timothy viết. 

Quan điểm của Timothy lúc đó trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận của cựu Bộ trưởng tài chính George Osborne, người ra sức mời gọi đầu tư từ Trung Quốc bằng chính sách được mệnh danh là “con đường tơ lụa” của riêng ông. 

Quan ngại an ninh quốc gia

Quyết định này với bà May hẳn không dễ dàng, nhất là khi bà mới có 16 ngày trên cương vị Thủ tướng, vào thời điểm khó khăn của nước Anh sau Brexit, trong khi Trung Quốc hùng mạnh đang ra sức mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trên thế giới. Nhưng như cựu bộ trưởng kinh doanh Vince Cable lên tiếng, bà May đã lo ngại về dự án này từ lâu, từ khi bà còn là bộ trưởng nội vụ. The Guardian cho biết,  ông Cable nói việc trì hoãn phút chót không hay ho gì, nhưng là điều có thể hiểu được: “Khi chúng tôi còn trong chính phủ, tôi nghĩ có thể thấy rõ là Theresa May không hài lòng với cách tiếp cận nhiệt tình quá mức với đầu tư từ Trung Quốc của chúng ta, và đặc biệt là George Osborne thúc đẩy. Tôi nhớ là bà ấy đã phản đối nhà máy Hinkley từ lúc đó”. Tờ Telegraph dẫn lời ông Cable cho biết thêm, bà May cũng đã “hoàn toàn không hài lòng về Huawei (Hoa Vi)” – tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc đang có quan hệ đối tác mạnh với tập đoàn viễn thông British Telecom. Ông Cable nói với Telegraph rằng, bà May lúc đó phản đối dự án Hinkley “trên cơ sở các vấn đề an ninh quốc gia và Trung Quốc”.  Theo Cable, từ lâu bà May muốn áp dụng một số quy định của Mỹ về cấm các công ty nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm. 

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ mới của Anh sẽ có chính sách nhiều sắc thái hơn với Trung Quốc, so với sự nhiệt tình của chính phủ tiền nhiệm. Và đương nhiên điều đó có thể đem lại nhiều khó khăn cho nước Anh. Cựu Thủ tướng David Cameron đã có bài học từ sớm về cơn giận của Bắc Kinh khi phớt lờ sự phản đối của Bắc Kinh để gặp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đại Lai Lạt Ma năm 2012. Kết quả là 18 tháng sau đó không quan chức cao cấp nào của chính phủ Anh được mời đến Trung Quốc. Với quyết định của bà May, Đại sứ quán Trung Quốc tại London hôm 30.7 nói, sự tham gia của nước họ vào dự án Hinkley là “cùng thắng”, và những người ủng hộ ở Anh khẳng định công nghệ của Trung Quốc là rẻ, an toàn, và Trung Quốc cũng có quá nhiều rủi ro để mà “đóng việc sản xuất điện của Anh theo ý muốn” như ông Timothy đã viết. Bà còn vài tháng nữa để đưa ra quyết định cuối cùng trong mùa thu. 

Hiện, không ít người cho rằng cách tiếp cận mới của bà May có thể khiến các kế hoạch đầu tư khác của Trung Quốc vào Anh trở nên không chắc chắn và tạo ra khó khăn cho quan hệ giữa hai bên. Nhưng quyết định của bà không phải không có tiền lệ. Chẳng hạn như Mỹ, hay một số nước phương Tây khác, đã cấm Hoa Vi tham gia vào mạng lưới viễn thông chủ chốt trên cơ sở an ninh quốc gia. Và không nền kinh tế phát triển nào khác từng mời Trung Quốc tham gia vào một dự án năng lượng hạt nhân quan trọng – BBC cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới