Ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ trưởng xây dựng chương trình hành động của ngành, phải làm cho Quốc hội, người dân thấy Chính phủ nói và làm đi liền với nhau.
Ông Phúc trao quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng cho ông Phạm Bình Minh
Sáng 1/8, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 7. Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã bầu và phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước khi bắt đầu nội dung phiên họp, ông Nguyễn Xuân phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm Phó Thủ tướng cho ông Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và Trịnh Đình Dũng cùng các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu trước các thành viên Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Chính phủ trong thời gian vừa qua. Những nỗ lực đó được Đảng, Quốc hội và nhân dân ghi nhận, và được thể hiện rõ qua kết quả bầu các vị trí của Chính phủ trong kỳ họp thứ nhất Quốc khội khóa XIV vừa qua.
Trước mắt, tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, các thành viên Chính phủ cần nhận diện để xác định nhiệm vụ xuyên suốt trong nhiệm kỳ.
Tuy thời gian qua nhiều bộ, ngành đã có những dấu ấn trong xử lý các vấn đề xã hội bức xúc, nhưng ông Phúc lưu ý còn một số bộ, ngành còn để ngành mình có những tồn tại hạn chế, tạo uy tín không tốt. Vẫn còn nhiều bất cập mà dư luận và xã hội đòi hỏi Chính phủ và các bộ ngành phải có trách nhiệm hơn nữa, nhìn nhận và xử lý tốt hơn. Có những bộ có hàng chục cục, vụ, viện, nhiều trường Đại học, hàng trăm giáo sư – tiến sỹ, nhưng tác dụng và sản phẩm nổi bật cống hiến cho xã hội chưa rõ.
Bên cạnh đó, có những bộ phản ứng chính sách chậm, thiếu nhạy bén và sáng tạo, nên khi dư luận phản ứng mới có sự chỉ đạo.
Ông Phúc cũng lưu ý vẫn còn tình trạng cán bộ trì trệ, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân. Một Chính phủ không hướng về nhân dân thì người dân không ủng hộ. Trên tinh thần đó, Ông Phúc yêu cầu sắp tới các bộ trưởng phải chủ động, quán xuyến công việc, đổi mới phương pháp làm việc, đề cao trách nhiệm cá nhân, tuyệt đối không cá nhân chủ nghĩa, không nhũng nhiễu tiêu cực, vì nhiệm vụ chung và lợi ích của nhân dân.
Ông Phúc cũng yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành nói phải đi đôi với làm, giải quyết các vụ việc thuộc ngành mình quản lý đúng người, đúng việc và quy rõ trách nhiệm cụ thể.
“Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Ngay ngày hôm nay phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu. Vấn đề an toàn thực phẩm cơ chế đến đâu, thực hiện đến đâu thì phải kiểm tra. Hay việc thực hiện chỉ đạo dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên như thế nào, vụ chặt gỗ rừng Pơ mu ở Quảng Nam đã khởi tố được cá nhân, tổ chức nào chưa? Hay tòa nhà 8B Lê Trực Hà Nội xử lý đến đâu, tại sao? Không lẽ giữa Thủ đô như vậy, hai nhiệm kỳ Chính phủ xử lý không được? Ai là người theo dõi vấn đề này, không thể nói rồi cho qua. Ngay hôm nay thành lập một tổ công tác, Bộ trưởng Chủ nhiệm và trưng tập một số người có liên quan để thực hiện kết luận của Thủ tướng và Phó Thủ tướng, nâng cao tính hiệu lực chỉ của chỉ đạo”, ông Phúc đề nghị.
Lưu ý các thành viên Chính phủ, chỉ còn 3 tháng rưỡi nữa phải trả lời chất vấn trước Quốc hội, và trước đó, Chính phủ phải báo cáo Trung ương về những vấn đề đặt ra của năm 2016 và nhiệm vụ 2017, thời gian không còn nhiều, nên nếu không khẩn trương, chủ động sẽ không xử lý kịp các nhiệm vụ công việc.
Trên tinh thần đó, ông Phúc chỉ đạo trong tháng 8 này, phải ban hành ngay quy chế làm việc của Chính phủ. ông Phúc giao Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, để có quy chế làm việc năng động, kịp thời, trách nhiệm rõ ràng. Trong đó phải thể hiện rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành và phải khắc phục được được sự thiếu trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan.
Từ nay đến tháng 10 tới, ông Phúc yêu cầu phải ban hành ngay các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các bộ và thành viên của Chính phủ. Chính phủ sẽ thảo luận Nghị định khung về tổ chức cơ cấu bộ, ngành. Trên cơ sở đó, các bộ ngành phải xây dựng ngay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy để sớm ổn định và yên tâm công tác.
Nhiệm vụ cần thiết nữa là các bộ ngành phải khẩn trương có quy chế làm việc của bộ, ngành mình, trong đó quy định quy trình thời gian giải quyết công việc, trách nhiệm từng cá nhân rõ ràng, minh bạch cơ chế xử lý văn bản trên môi trường mạng. Bộ trưởng và trưởng ngành phải nắm rõ toàn bộ công việc của cơ quan, đẩy nhanh xây dựng và áp dụng Chính phủ điện tử.
Cùng với đó cần đổi mới việc xây dựng, theo dõi đôn đốc chương trình công tác của Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ. Các bộ trưởng, trưởng ngành khẩn trương xây dựng chương trình hành động của bộ, ngành mình, trong đó thể hiện rõ lộ trình thực hiện, người chịu trách nhiệm cụ thể. Phải làm cho Quốc hội và người dân thấy Chính phủ nói và làm đi liền với nhau.
Ông Phúc cũng chỉ đạo các bộ, ngành chấn chỉnh lại công tác dự báo, từ dự báo về kinh tế xã hội cho đến dự báo bão để có giải pháp kịp thời. Đây là nhiệm vụ chưa thực hiện tốt và nhiệm vụ này phải thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là dự báo kinh tế xã hội, trong đó có chỉ số lạm phát.
Ông Phúc cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng, trưởng ngành. Các tư lệnh ngành là người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng về kết quả công tác của ngành. Phải toàn tâm, toàn ý cho công việc, làm việc thực chất và giảm tối đa việc “đánh bóng cá nhân”. Bên cạnh đó, các bộ trưởng phải sâu sát, thường xuyên nắm bắt thông tin, không được để tình trạng có những vụ việc Bộ trưởng không biết, trong khi dư luận đã bất bình. Trong công tác cán bộ, các bộ phải phân công đúng người, đúng việc, quy rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cá nhân. Phải đổi mới công tác cán bộ, chấn trỉnh ở các khâu, kể cả khâu tuyển chọn, bổ nhiệm. Thủ tướng nhấn mạnh, thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
“Chính phủ và từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, ngành, đơn vị sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách, tài sản, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác. Thủ tướng làm gương, không mua xe mới. Các ông phải tăng cường họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt giấy tờ không cần thiết. Cần rà soát việc quản lý tài sản công, nhất là quản lý trụ sở làm việc, định mức sử dụng tại các cơ quan. Bộ nào xây dựng xong trụ sở mới mà chưa trả lại trụ sở cũ, cơ quan nào còn cho thuê trụ sở phải cho rõ. Nhân đây tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo thông tin về quản lý trụ sở, tài sản công để chấn chỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ”, ông Phúc yêu cầu.
Ông Phúc mong các thành viên Chính phủ đoàn kết, nhất trí, chung tay xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Cũng trong sáng nay, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ đã tập trung công tác xây dựng thể chế, cho ý kiến vào Dự thảo một số dự án Luật, như Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Công an xã, Luật Quản lý ngoại thương, Luật trợ giúp pháp lý; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.