Một số nhân vật trong quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh phản ứng đáp trả mạnh mẽ hơn, thậm chí bằng vũ trang, trước sức ép của Mỹ và khu vực sau phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Philippines.
“Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA đã sẵn sàng” – Reuters ngày 31.8 dẫn một nguồn tin giấu tên, thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết.
Một nguồn tin khác thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc mô tả PLA ủng hộ chính sách diều hâu. “Mỹ sẽ làm những gì phải làm. Chúng tôi cũng sẽ làm những gì phải làm. Toàn bộ quân đội đã được củng cố vững chắc. Đó là một sự mất mặt lớn” – Reuters dẫn lời nguồn tin.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, khi được hỏi liệu PLA có đáp trả mạnh mẽ hay không, đã nhắc lại rằng các lực lượng vũ trang sẽ “kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và các quyền hàng hải của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình và ổn định, trong khi đối phó với bất kỳ mối đe dọa hoặc thách thức nào”.
Trong khi đó, các cựu sĩ quan quân đội và các học giả quân đội Trung Quốc cũng đẩy mạnh thông điệp diều hâu ở trong nước. “Quân đội Trung Quốc sẽ đứng lên chiến đấu hết mình và không bao giờ nhượng bộ bất cứ nước nào về vấn đề chủ quyền” – ông Liang Fang, giáo sư Đại học Quốc phòng, viết trên Weibo về phán quyết của Tòa trọng tài.
Hiện chưa rõ những bước đi quân sự cứng rắn nào đang được Trung Quốc cân nhắc. Dư luận hướng sự chú ý vào khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông. Các khả năng khác bao gồm PLA trang bị tên lửa trên máy bay ném bom tuần tra Biển Đông.
Yue Gang, đại tá về hưu, nói rằng việc Trung Quốc tuyên bố tuần tra thường xuyên trên không ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách phủ nhận ưu thế trên không của Mỹ trong khu vực này. “Trung Quốc không bị tàu sân bay Mỹ đe dọa và đủ dũng mãnh trước một cuộc đối đầu không báo trước ở Biển Đông” – ông Yue viết trên Weibo.
“Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và coi đây là bước ngoặt trong chiến lược quân sự trên Biển Đông” – ông Li Jinming, Viện Biển Đông, Đại học Hạ Môn viết trên tạp chí khoa học Trung Quốc Nghiên cứu Đông Nam Á.
Mặc dù có những lời lẽ đe dọa hiếu chiến, nhưng chưa có động thái quân sự chắc chắn nào có thể gây ra leo thang căng thẳng. Các nhà ngoại giao cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức rõ sự nguy hiểm của một cuộc đụng độ.
“Họ rất lo lắng về phản ứng của thế giới” – một nhà ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh cho biết, trích dẫn cuộc trò chuyện với giới chức Trung Quốc. “Họ đang mong muốn quay lại đàm phán. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đau đầu để tính toán bước đi tiếp theo” – nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters.
Trên thực tế, cho đến nay Trung Quốc cũng chưa cho thấy dấu hiệu nào về hành động mạnh mẽ hơn. Thay vì thế, Trung Quốc lặp lại lời kêu gọi đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp.
Bản thân trong nội bộ các lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng có sự thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ “gặp hạn nặng” nếu đối đầu Mỹ. “Hải quân của chúng tôi không thể đánh được Mỹ. Chúng tôi chưa đạt đến trình độ công nghệ đó. Chỉ người dân thường Trung Quốc là bị ảnh hưởng” – một nguồn tin thân cận với quân đội cho Reuters hay.