Tân Hoa Xã đã có động thái “phản pháo” lại quyết định tạm dừng việc ký kết thỏa thuận dự án điện hạt nhân trị giá 24 tỷ USD sử dụng nguồn vốn vay từ Trung Quốc của chính phủ Anh, đồng thời hối thúc London nhanh chóng thông qua dự án này.
Theo kế hoạch ban đầu, ngày 29/7, Anh sẽ ký thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp (EDF) để xây dựng 2 lò phản ứng ở Hinkley Point, phía tây nam nước Anh với mục tiêu đáp ứng 7% nhu cầu điện năng của Anh. Dự án này được Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) rót vốn và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cựu Thủ tướng Anh David Cameron như một cách để thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Anh.
Tuy nhiên, sau khi bà Theresa May chính thức tiếp quản ghế Thủ tướng của ông Cameron, bà tỏ ra không hài lòng với chính sách muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc như người tiền nhiệm từng làm. Theo đó, bà đã quyết định tạm hoãn việc ký kết hợp tác xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân sử dụng vốn từ Trung Quốc vào phút chót khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa lễ ký kết sẽ diễn ra theo lịch trình.
Đáp trả lại động thái này từ phía London, Tân Hoa Xã đã đăng tải một bài bình luận bằng tiếng Anh, trong đó nhấn mạnh: Mặc dù Trung Quốc hiểu và tôn trọng việc chính phủ Anh cần thêm thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng về dự án trước khi đi đến kết luận cuối cùng, nhưng nước này sẽ không tha thứ cho “những cáo buộc không mong muốn” động chạm tới các chương trình đầu tư của Bắc Kinh tại Anh.
Bài viết của Tân Hoa Xã có đoạn: “Trung Quốc có thể đợi chính phủ mới của Anh đưa ra những quyết định có trách nhiệm, nhưng không thể tha thứ cho những cáo buộc nhằm bôi nhọ sự chân thành và sự sẵn lòng đầy thiện chí của Trung Quốc, với mục tiêu hướng đến quan hệ hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên”. Theo đó, việc Anh trì hoãn dự án có thể sẽ ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của một nền kinh tế mở như London và khiến các nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng như từ nhiều nơi khác trên thế giới e ngại nếu muốn rót vốn vào Anh trong tương lai, Tân Hoa Xã nhận định.
Hãng thông tấn Trung Quốc cho rằng Anh không thể mạo hiểm lựa chọn cách xa rời các nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là khi nước này chuẩn bị hủy bỏ tư cách thành viên tại Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6. “Với một đất nước đang cố gắng để vươn lên sau thời kỳ Brexit (cụm từ chỉ việc Anh rời EU), chính sách mở cửa là chìa khóa duy nhất giúp họ lúc này”.
“Điều Trung Quốc không thể hiểu là “cách tiếp cận mang tính ngờ vực”, vốn không hề có căn cứ, đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc khi (Anh) quyết định tạm hoãn việc ký kết với Trung Quốc”, bài bình luận cho biết.
Cũng theo Tân Hoa Xã, dự án điện hạt nhân này, nếu được thông qua, sẽ tạo hàng nghìn công ăn việc làm và cung cấp lượng điện năng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của Anh sau khi nước này đóng cửa các nhà máy điện vận hành bằng than đá. Tờ báo cũng gạt bỏ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ “mượn tay” dự án này để theo đuổi những hành vi mờ ám.
Sau khi nhận được thông tin về việc Anh xem xét lại dự án do Trung Quốc rót vốn đầu tư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đã lưu ý đến vấn đề này.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng dự án này đã được nhất trí bởi ba bên là Trung Quốc, Anh và Pháp, trên tinh thần mang lại lợi ích và hợp tác cùng có lợi”, bà Hoa cho biết.
“Chúng tôi hy vọng rằng Anh có thể đi đến kết luận sớm nhất có thể, để đảm bảo rằng việc thực thi dự án sẽ diễn ra suôn sẻ”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.
Trước đó, tân Thủ tướng Theresa May cùng một số quan chức cấp cao của Anh đã tỏ ra quan ngại về việc đồng ý ký kết hợp tác xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân sử dụng vốn từ Trung Quốc. Cựu Bộ trưởng kinh doanh Anh Vince Cable cho biết bà May lo ngại việc Trung Quốc “nhúng tay” vào dự án này có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trong khi đó, Chánh văn phòng của Thủ tướng May, Nick Timothy, cho biết các chuyên gia an ninh lo ngại về việc nếu để Trung Quốc tham gia vào dự án điện hạt nhân lần này thì sẽ tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với hệ thống máy tính, từ đó có thể chi phối hệ thống sản xuất điện năng của Anh bất kỳ lúc nào.
Dự án xây dựng lò phản ứng tại Hinkley Point được khởi xướng từ năm 2006 dưới thời của Thủ tướng Tony Blair. Sau đó, năm 2013, chính phủ Anh và Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp đạt được thỏa thuận hợp tác về dự án này dưới thời Thủ tướng David Cameron. Tháng 10/2015, nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới London, thỏa thuận sơ bộ về nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point mới được ký kết và việc nhận tài trợ vốn từ Bắc Kinh được xác nhận vào thời điểm đó. Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) dự kiến sẽ nắm 33% cổ phần trong dự án Hinkley Point. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Theresa May đã quyết định xem xét lại dự án này và chưa xác nhận thời điểm đưa ra tuyên bố cuối cùng.