Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVay ODA của TQ: "Miễn là tiền về trong nước và lãi...

Vay ODA của TQ: “Miễn là tiền về trong nước và lãi suất thấp hơn”

Ông Nguyễn Đức Kiên nói: “Quan điểm của tôi là vay vốn ODA của TQ hay của nước nào cũng được, miễn là tiền về trong nước và lãi suất thấp hơn. Nhưng nếu lãi suất thấp mà điều kiện lại khắt khe hơn vay thương mại trong nước thì cần xác định lại”.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với báo chí.

Như chúng tôi đã đưa tin, trong một công văn gửi lên Thủ tướng Việt Nam mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang được cân nhắc lựa chọn phương án đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.600 tỷ đồng, trong đó vay Trung Quốc 300 triệu USD, tương đương gần 7000 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng dự án xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là quan trọng và mang tính cấp bách, có tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, Bộ này đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cho phía Bộ thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 29/7, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vốn ODA thì vay của nước nào cũng giống nước nào, vì nước cho vay ODA lãi suất thấp thì đều có các điều kiện kèm theo. Nghĩa là vay ODA thì không phân biệt tiền đến từ đâu mà quan trọng hơn là tiền đầu tư vào trong đất nước chúng ta. Chúng ta phải xử lý, quản lý, sử dụng nguồn vốn này cho hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay dự án Xe buýt nhanh Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, vốn vay ODA có những điều kiện đi kèm như chỉ định nhà thầu của họ, mang người của họ sang làm… Điều này phải do cơ quan tiếp nhận vốn ODA đàm phán hợp đồng. Khi đàm phán hợp đồng phải rất cụ thể. Chẳng hạn, nước cho vay ODA chỉ định thầu nhưng nhà thầu phụ ra sao, nếu tôi vay như vậy có phải EPC (Hợp đồng thiết kế – cung ứng vật tư thiết bị – xây lắp) không, nếu vay theo EPC thì lãi suất là bao nhiêu, hay mình vay rồi về mình cấp vốn lại… Tất cả phải được thể hiện trên hợp đồng. 

“Quan điểm của tôi là vay vốn ODA của Trung Quốc hay của nước nào cũng được, miễn là tiền về trong nước và lãi suất thấp hơn vay trong nước. Nếu lãi suất thấp nhưng thời gian giải ngân, triển khai vốn mà điều kiện lại khắt khe hơn, so sánh với vay thương mại trong nước không có lợi hơn thì cần xác định lại. Chúng ta phải nâng cao trách nhiệm đội ngũ đi đàm phán vay vốn và đội ngũ tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đó”, ông Kiên nói.

Ông Kiên cũng cho biết, đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư nào khác ngoài nhà đầu tư Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn ODA làm dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Tuy nhiên chúng ta cũng còn có các phương án lựa chọn khác, lựa chọn vay vốn ODA Trung Quốc chỉ là 1 trong 3 lựa chọn.

Theo phân tích của ông Kiên, khả năng huy động vốn trong nước hiện rất hạn hẹp, dư địa để làm là có giới hạn thế nên phải cân đối lại các khả năng đó. Cũng có thể chúng ta lùi, giãn tiến độ triển khai dự án, hoặc cũng có thể chúng ta đi vay một khoản của Ngân hàng thế giới hay ADB… có nhiều phương án song tất cả phải nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn được phương án có lợi nhất cho đất nước.

“Khi quyết định chọn vốn vay ODA của quốc tế, yếu tố lãi suất thấp là quan trọng nhưng không phải là quyết định vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, thời điểm”, ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới