Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi khoản tiền khổng lồ là gần 17 nghìn tỷ đồng để nhập khẩu ngô – mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh của một nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.
Việt Nam phải chi số tiền lớn để nhập khẩu ngô dù là nước nông nghiệp
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,8 triệu tấn ngô với giá trị 747 triệu USD, tương đương khoảng 16.680 tỷ đồng.
Với con số này, ngô là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ năm trong số các mặt hàng nông lâm thủy sản được nhập khẩu trong cùng giai đoạn.
Lý giải tại sao Việt Nam – một nước sản xuất nông nghiệp lớn – phải chi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu ngô, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho biết nguyên nhân chính nằm ở việc giá ngô nhập thường thấp hơn so với ngô trong nước.
Mức giá nhập khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm là 4.830 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá ngô bán trong nước là khoảng 7.000 đồng/kg. Nếu tính từ tháng 9/2015 đến nay, giá ngô nhập khẩu cũng đứng quanh mức 210 USD/tấn, tương đương khoảng 4.700 đồng/kg.
Trong khi đó, với ngô bán trong nước, các doanh nghiệp mua về nhiều khi còn phải phơi sấy lại.
Một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều là lượng ngô trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, do đó phải đi nhập khẩu.
Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy Brazil là thị trường cung cấp ngô lớn nhất cho Việt Nam với khối lượng khoảng 2 triệu tấn, chiếm 59,5% tổng khối lượng nhập khẩu về Việt Nam.
Argentina là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với khối lượng 1,2 triệu tấn, chiếm trên 35,5% lượng ngô nhập về.
Các thị trường lớn khác là Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ và Lào.
Năm 2015, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 7,7 triệu tấn ngô với giá trị lượng hơn 1,6 tỷ USD.
Dự kiến lượng ngô nhập khẩu vào Việt Nam sẽ còn tăng mạnh khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), khi thuế nhập khẩu giảm xuống còn 0%.