Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh với những chiêu lừa dối mới

Bắc Kinh với những chiêu lừa dối mới

Để biến Biển Đông thành ao nhà của mình, Bắc Kinh không ngần ngại đưa ra nhiều lời nói dối. Theo The Wall Street Journal ngày 17/6 đưa tin, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên truyền rằng, đã có 60 quốc gia trên thế giới ủng hộ lập trường của Bắc Kinh chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS) ở Biển Đông.

Trung Quốc bịa đặt 60 nước ủng hộ chống phán quyết của PCA về vụ kiện đường lưỡi bò

Tuy nhiên, theo nghiên cứu riêng của The Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, thì chỉ có 08 quốc gia công khai tuyên bố đứng về phía Trung Quốc để “tẩy chay” phán quyết của PCA. Đó là: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Đây là kết quả của một chiến dịch mà Bắc Kinh vận động, mua chuộc để tập hợp lực lượng chống lại phán quyết của PCA có thể được đưa ra trong thời gian tới. 

Trước những thông tin bịa đặt trên, nhiều quốc gia đã công khai lên tiếng bác bỏ sự trắng trợn của Trung Quốc, trong đó có hai nước thành viên Liên minh châu Âu là Ba Lan và Slovenia. Tháng 4/2016, Bắc Kinh đột nhiên ra tuyên bố nói rằng, Ba Lan ủng hộ chính sách của Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông “thông qua đối thoại và tham vấn”. Bộ Ngoại giao Ba Lan đính chính, tuyên bố đơn phương của Trung Quốc không phản ánh chính xác lập trường của Ba Lan về Biển Đông, mà họ đã thông báo cho phía Bắc Kinh. Lập trường của Ba Lan không thay đổi và phù hợp với chính sách tổng thể của EU về Biển Đông. Slovenia cùng với Liên bang Bosnia và Herzegovina cũng lên tiếng phủ nhận tuyên bố đơn phương của Trung Quốc nói họ ủng hộ Bắc Kinh chống phán quyết của PCA là bịa đặt. Hai quốc gia còn lại gồm Fiji và Campuchia cũng lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại ngựa quen đường cũ, không còn một chút liêm sỉ khi đưa tin về một cuốn sách 600 năm tuổi được cho là có chứa đựng một số bằng chứng về “quyền sở hữu Biển Đông” của Trung Quốc. Theo một số bản tin, nội dung chính của cuốn sách được cho là ghi lại những hướng dẫn về đường đi tới các bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Cuốn sách thuộc quyền sở hữu của một ngư dân về hưu, ông Su Chengfen sống trên Đảo Hải Nam Trung Quốc.

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên đài BBC (Anh) đã có chuyến công du tới đảo Hải Nam Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn ngắn ngủi, ông Su, 81 tuổi, cho biết cuốn sách được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Cuốn sách để lại từ thời ông nội, đến cha tôi và bây giờ là tôi”. Ông này còn cho biết cuốn sách “Chủ yếu nó chỉ dẫn cách đi đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) rồi quay trở lại đảo Hải Nam”. Tuy nhiên, khi phóng viên đài BBC (Anh) ngỏ ý muốn xem cuốn sách, thì ông Su thừa nhận cuốn sách “không còn tồn tại”. “Mặc dù cuốn sách rất quan trọng nhưng tôi đã vứt đi vì nó bị hư hại. Các trang sách bị lật quá nhiều lần. Mồ hôi tay đã ăn mòn chúng. Cuối cùng, các trang sách không còn đọc thấy chữ và tôi ném nó đi” – ông Su giải thích. Ngược lại, khi truyền thông đưa tin cuốn sách có chụp một trong các trang thì thấy cuốn sách không hề bị hư hỏng, nhầu nát và chữ bị mờ như ông Su nói, mà sách không mấy bị hư hại, các mép hầu như không quăn; chữ rất rõ, thậm chí mực viết lại là màu xanh giống như mực viết ở những tấm lót cuốn sách khi chụp ảnh, v.v.

Trung Quốc là một nước nổi tiếng thế giới về làm hàng giả, hàng nhái. Riêng đồ cổ, Trung Quốc siêu đẳng làm giả cổ, cho nên cuốn “cổ thư” 600 tuổi kia không mấy gây được lòng tin của dư luận thế giới. Trong lúc Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với nhiều quốc gia trong khu vực thì cuốn sách là một trong các tư liệu quý, nhà nước Trung Quốc sẽ thu về và có chế độ bảo mật, bảo vệ đặc biệt, thì đây lại để cho một lão nông già lú lẫn quản lý rồi “vứt nó đi’. Theo đó, “cuốn sách cổ” của Trung Quốc – “bảo bối” về chủ quyền lịch sử trên Biển Đông đã trở về với “nguồn gốc ban đầu” của nó là “không khí”. Đúng là Trung Quốc “nói dối”, “nói láo” đã trở thành bản chất của giới lãnh đạo, họ đang sử dụng quyền lực để cưỡng ép người dân giống họ. Nói về cuốn sách cổ của Trung Quốc thật là nực cười – chẳng thể lừa được dư luận.

Thực ra không cần đến gặp ông Su ở Hải Nam, thiên hạ cũng biết là Trung Quốc dối trá. Đây là bản tính bẩn thỉu của nước này được truyền lại từ tổ tiên. Bởi vì, nếu như cuốn sách có thật, Trung Quốc đã sử dụng mọi biện pháp kể cả biện pháp sử dụng công nghệ cao nhân bản từng trang, từng chữ để công bố cho toàn thế giới, hoặc mang đi từng quốc gia triển lãm cho mở rộng tầm mắt. Nhưng tiếc thay, sách xuất bản bằng miệng lưỡi của giới cầm quyền, phục vụ cho chiến dịch truyền thông chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, cho nên không thuyết phục được ai.

Trung Quốc sẽ không thể tìm cái mà họ không có, cho dù hôm nay hay nghìn năm sau họ sẽ không tìm đâu ra bằng chứng lịch sử về chủ quyền trên Biển Đông. Họ càng nói lấy được, làm lấy được, bất chấp sự thật và chà đạp pháp luật quốc tế thì họ càng bị thế giới quay lưng. Cuốn “cổ thư” bịa đặt kia chỉ làm cho Trung Quốc mất uy tín thêm mà thôi.

Ngược lại với sự bịa đặt của Trung Quốc, Việt Nam luôn đưa ra những bằng chứng cụ thể, thuyết phục. Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tiếp tục tìm kiếm, nhiều thư viện trên thế giới vẫn còn lưu giữ bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc nói “có sách cổ”, sự thực thì không. Còn sự thật Việt Nam không những có sách, mà còn có nhiều sách khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của mình được cộng đồng quốc tế công nhận.

RELATED ARTICLES

Tin mới