Báo Úc nhận dạng chiến thuật của ‘kẻ bắt nạt’ Trung Quốc và kêu gọi người dân thức tỉnh trước chủ nghĩa cực đoan.
Tàu Hải quân Hoàng gia Úc, Singapore và Malaysia trong một cuộc tập trận ở biển Đông. Ảnh: The Australian
Tờ The Australian mới đây có bài viết đáp trả lại hành động của báo Nhà nước Trung Quốc khi gọi Úc là một đất nước có nguồn gốc “thiếu văn minh”, là “nhà tù của Anh”, một kẻ hai mặt và sẽ bắn bỏ nếu tàu chiến Úc nếu tuần tra Biển Đông.
Tờ báo Úc nhận định đây là chiến thuật của một “kẻ bắt nạt”: đầu tiên là phá hoại lòng tự trọng của mục tiêu và sau đó buông ra những lời dọa nạt.
Ông Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy (Úc), nhận định bài báo được đăng tải hồi cuối tuần rồi của Thời báo Hoàn cầu rõ ràng mang ý thù địch, có chút gì đó tương đồng với Triều Tiên.
Những câu hỏi đặt ra ở đây là Úc nên xử lý lời đe dọa này như thế nào? Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy ý định muốn trừng phạt Úc của Bắc Kinh hay chỉ là màn kịch để tạo hiệu ứng?
Phải chăng Trung Quốc đang tìm cách ngăn cản sự hiện diện của Úc ở biển Đông?
Theo ông Graham, dù mục đích của Thời báo Hoàn Cầu là gì đi nữa, bài báo trên đang dần thức tỉnh người Úc về chủ nghĩa yêu nước cực đoan ngày càng tăng của Trung Quốc và những rủi ro nó tạo ra.
Trước đó, The Global Times đã đăng tải bài viết mang nhiều ý xúc xiểm tới Úc, và dọa sẽ bắn tàu chiến Úc nếu ra Biển Đông.
Global Times là phụ trang của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thái độ này sau khi Úc ra tuyên bố chung với Mỹ, Nhật về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực PCA.
Global Times cho rằng sự ủng hộ của Úc với phán quyết của PCA là “mê sảng”.
Tờ báo Trung Quốc coi nước Úc là “kẻ hai mặt” khi “lúc cần Trung Quốc hỗ trợ kinh tế thì Úc ca ngợi quan hệ Úc – Trung, còn khi muốn lấy lòng Mỹ thì sẵn sàng làm bất cứ điều gì”.
Trước đó, một ngày sau khi phán quyết của Tòa PCA được đưa ra, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã tuyên bố: Bắc Kinh sẽ đứng trước nguy cơ tổn hại danh tiếng và uy tín nếu nước này phớt lờ phán quyết do Tòa trọng tài thường trực đưa ra hôm 12/7.
“Chúng tôi kêu gọi cả Philippines và Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ phán quyết. Đó là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với cả 2 nước”, bà Bishop phát biểu trên sóng kênh truyền hình quốc gia ABC.
“Cái giá cho uy tín sẽ rất đắt. Trung Quốc đang tìm cách trở thành người dẫn đầu ở khu vực cũng như quốc tế, và cần duy trì mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng. Đó là nhân tố thiết yếu cho sự trỗi dậy của nước này”.
“Australia đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc chấm dứt động thái lấp đất trên biển và quân sự hóa trên các cấu trúc của nước này”, bà Bishop nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Australia cũng đã ra thông cáo liên quan tới phán quyết của vụ kiện biển Đông.
Thông cáo nêu rõ: Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines được thành lập theo đúng Công ước về Luật biển (UNCLOS). Phán quyết này không phải về vấn đề chủ quyền, mà về quyền hàng hải.
Australia cũng nhận định, phán quyết lần này là một phép thử quan trọng cho vấn đề: làm thế nào để khu vực có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.