Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cho rằng, việc chôn lấp chất thải của Formosa ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) không phải lần đầu, là cố ý, có nhiều người thực hiện.
Ông Trần Hồng Hà.
Chiều hôm qua (2/8), tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, rất nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện chôn lấp chất thải của Formosa đã được báo giới đặt ra.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Hồng Hà cho hay, Tổng cục Môi trường đã có thông tin về kết quả phân tích bùn thải, chất thải từ Formosa được phát hiện và chôn lấp trái phép. Kết quả này được đưa ra dựa trên các mẫu, lượng mẫu thu thập qua việc phát hiện của cơ quan báo chí, rồi qua việc kiểm tra thì phát hiện 3 chỗ chôn lấp chất thải nguy hiểm. Việc lấy mẫu và thu gom bảo quản, thu giữ đảm bảo không để môi trường tiếp tục bị tác động, ảnh hưởng.
“Theo quy định, trong chất thải công nghiệp thông thường hoặc chất thải, nếu có lẫn, có chứa chất thải nguy hại thì việc quản lý phải được thực hiện như với chất thải nguy hại. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình lấy mẫu cũng đã lấy mẫu ở cả khu vực xung quanh như lấy nước ngầm, mẫu đất… ở khu vực chôn chất thải. Việc lấy mẫu này cũng là nhằm xem việc chôn lấp có tác động, ảnh hưởng đến môi trường không. Nhưng rất may, vì phát hiện sớm và cũng được chôn cất chưa lâu nên chất thải này chưa tạo nên ảnh hưởng đến môi trường, những khu vực ấy vẫn đạt mức quy chuẩn môi trường bình thường” – ông Trần Hồng Hà nói.
Về lượng chất thải đã thu hồi, ông Hà khẳng định, việc xử lý này thuộc trách nhiệm của Formosa cũng như doanh nghiệp môi trường của huyện Kỳ Anh. Formosa và doanh nghiệp môi trường của huyện Kỳ Anh phải có trách nhiệm lựa chọn cơ quan, trung tâm xử lý có năng lực được cấp phép.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Hà, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Chính vì vậy, việc lựa chọn những doanh nghiệp ở đây phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho phép vận chuyển đi qua tỉnh này hay tỉnh khác. Doanh nghiệp xử lý chất thải đó, trong danh mục xử lý chất thải phải có danh mục xử lý chất thải có tên xyanua. Thông thường, để xử lý ở quy mô nhỏ thì có nhiều cách, nhưng trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng có thể dùng phương án đốt, thiêu hủy để hợp chất này phân hủy để đến khi bùn, đất ấy không ô nhiễm môi trường. Đây là phương án phù hợp và hiệu quả nhất.
Ông Hà cũng thông tin, về phía các cơ quan quản lý Hà Tĩnh, lãnh đạo tỉnh đã tiến hành kiểm điểm vì dù nói gì đây cũng là lỗi rất lớn của các cơ quan, các cấp của chúng ta. Ở địa phương, cấp xã, huyện, các lực lượng quản lý môi trường.
“Chúng tôi đã tiến hành kiểm kê lại toàn bộ chất thải của Formosa thông qua số vừa rồi đã thu gom, thông qua số còn lại đang lưu trữ trong nhà kho và thông qua số chất thải đã được ký kết và xử lý. Từ đó để tìm ra xem còn chỗ nào giấu nữa không, còn doanh nghiệp nào của Hà Tĩnh nhận chất thải công nghiệp này và cố tình đổ chất thải ra môi trường không đúng quy định” – ông Hà đề cập.
Về xử lý, ông Trần Hồng Hà thẳng thắn đưa quan điểm: Việc cố tình đổ ra môi trường mà trong trường hợp này lại là công ty môi trường là vấn đề nghiêm trọng. Tôi cho rằng đây không phải lần đầu, đây là cố ý và có nhiều người thực hiện. Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ để Công an Hà Tĩnh điều tra xem xét. Nếu cách thức tổ chức có ý thức, tổ chức thì sẽ xử lý một cách nghiêm khắc nhất. Đối với Formosa, doanh nghiệp này đã không thực hiện đúng quy định khi chưa phân loại, chưa kiểm đếm, thống kê chất thải. Khi cung cấp cho một nhà xử lý chưa có đủ năng lực vận chuyển, xử lý thì cũng là vi phạm của Formosa.