Sunday, November 10, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuảng Ninh tự tìm vốn cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Ai trả?

Quảng Ninh tự tìm vốn cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Ai trả?

Các chuyên gia cho rằng Quảng Ninh sẽ khó có thể huy động vốn và triển khai có hiệu quả dự án đường cao tốc đoạn Vân Đồn-Móng Cái.

Các chuyên gia cho rằng Quảng Ninh sẽ khó có thể huy động vốn và triển khai có hiệu quả dự án đường cao tốc đoạn Vân Đồn-Móng Cái. Ảnh minh họa

Nguồn vốn lấy từ đâu?

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Văn bản do ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký.

Theo đó, Quảng Ninh cho biết đến nay dự án chưa được triển khai và xét trên thực tế nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất lâu và không hoàn thành theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ là trước năm 2020.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao địa phương này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Trong văn bản, Quảng Ninh không nói rõ là nếu nhận về tỉnh sẽ huy động nguồn vốn nào để thay thế nguồn vốn ODA của Trung Quốc mà chỉ cho biết là “sự quan tâm của các nhà đầu tư gần đây”.

Trước đề xuất trên, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng vấn đề quan trọng của dự án này đó là tìm kiếm nguồn vốn phù hợp.

“Hiện nay nhu cầu tài chính của Việt Nam, đặc biệt là nguồn ngân sách nhà nước có hạn. Vậy tiền triển khai dự án lấy từ đâu? Trong bối cảnh hiện nay tìm nguồn vốn thì hơi khó. Vay tiền của Trung Quốc thì không nên vì họ luôn đưa ra những điều kiện bất lợi cho phía Việt Nam. Thứ hai là khi triển khai dự án đem lại rất nhiều hệ lụy như giá thành cao, chất lượng kém, đội vốn lớn. Cho nên Trung Quốc thì chúng ta không nên vay.

Quảng Ninh có thể huy động phương án công – tư hay đầu tư theo hình thức BOT nhưng như vậy thời gian sẽ kéo dài. Còn phương án phát hành trái phiếu cũng khó vì chúng ta đang nợ chồng chất nên Bộ Tài chính e ngại”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng thừa nhận rằng, nếu Quảng Ninh không tiến hành vay vốn của Trung Quốc mà tìm kiếm nguồn ODA từ Nhật Bản hay Hàn Quốc thì bản chất không hề thay đổi.

“Vay của nước nào thì chúng ta cũng vẫn phải trả nợ và kèm theo các điều kiện ràng buộc. Về cơ bản không có gì thay đổi và lâu dài thì người dân vẫn phải trả nợ. Chỉ có một điều khác là những nước kia làm ăn có uy tín hơn Trung Quốc, thời gian, công nghệ và chất lượng công trình có thể được đảm bảo tốt hơn”, PGS.TS Long phân tích thêm.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Lê Du Phong, Nguyên Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đặt câu hỏi về khả năng trả nợ của tỉnh Quảng Ninh nếu được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

“Quảng Ninh không nói rõ là nếu nhận về tỉnh sẽ huy động nguồn vốn nào để thay thế nguồn vốn  của Trung Quốc nhưng nếu vay quốc tế thì sẽ lại tính vào nợ công.  Hiện nay nợ công của chúng ta đang cao, liệu rằng khi vay như thế Quảng Ninh có trả được không hay cuối cùng nhà nước lại ôm cả.

Nợ công của chúng ta hiện nay là chưa tính đến nợ công của các địa phương, chưa tính nợ công của doanh nghiệp nhà nước cho vay. Tuy nhiên số nợ hiện nay đã rất lớn rồi. Đây là vấn đề Chính phủ cần phải xem xét nghiêm túc trước đề xuất của Quảng Ninh”, GS Phong nhấn mạnh.

Chưa cần thiết xây dựng ngay

Bên cạnh nguồn vốn, GS.TSKH Lê Du Phong còn cho rằng cần phải tìm hiểu xem dự án xây dựng đường cao tốc đã thật sự cấp bách chưa, có đem lại hiệu quả và tác động sâu rộng đối với nền kinh tế hay không?

“Câu trả lời là chưa cần thiết. Theo tôi, thị trường hàng hóa của Việt Nam nên hướng ra những thị trường thế giới với cách làm ăn rõ ràng, minh bạch. Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu của Trung Quốc nên chưa cần thiết phải xây mới, có thể tận dụng đường cũ.

Tiếp theo là  những cao tốc chúng ta làm để kết nối với cửa khẩu của Trung Quốc như: Hà Nội Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng vẫn còn lãng phí lắm, chưa ăn thua.

Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều khách du lịch Trung Quốc vào Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh và nhiều nơi khác gây rối. Cho nên Việt Nam phải cân nhắc, không nên tạo điều kiện cho họ ồ ạt sang trong điều kiện chúng ta quản lý chưa tốt”, vị chuyên gia thẳng thắn.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý, thông thường khi địa phương nào đề xuất các dự án đều khẳng định là cần thiết. Tuy nhiên địa phương nói chỉ là một phần, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phải tìm hiểu rõ nhu cầu thực sự của tuyến đường.

“Cần xác định rõ làm con đường đó có lợi, có hại như thế nào? Quãng đường từ Hạ Long đi Móng Cái đã xong rồi. Bây giờ chỉ còn đoạn Móng Cái đi Vân Đồn. Tuy nhiên tôi cho rằng con đường đó chủ yếu phục vụ cho hàng Trung Quốc đưa sang thì thuận lợi hơn.

Nhiều người cũng phản đối vì tính hiệu quả của việc xây dựng chưa cao khi chỉ để chở hàng Trung Quốc là chính. Mà hiện nay Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều vấn đề  chưa giải quyết được”, PGS.TS Long nhận định.

Đánh giá tổng thể các điều kiện, vị chuyên gia khẳng định, Quảng Ninh không đủ khả năng để xây tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

“Hiện nay mỗi người một quan điểm chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng tiểu thương mỗi người bỏ ra một ít cùng góp vốn để xây dựng, cái đó là viển vông. Cho nên nhiều địa phương dù có nguồn vốn ODA nhưng họ không dám vay tại thường kèm theo nhiều điều kiện và thực chất là không có hiệu quả.

Với đề xuất của Quảng Ninh và ý kiến từ dư luận, Chính phủ cần xem xét thận trọng. Nếu nhu cầu vốn không có và điều kiện không thuận lợi thì thôi, chúng ta tạm dừng dự án để lùi đến một thời điểm khác khi đã tìm được nguồn vốn phù hợp”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới