Một tổ chức nghiên cứu Mỹ nhận định Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nặng hơn khi đụng độ với Mỹ, nhưng khoảng cách này sẽ rút ngắn theo thời gian.
Nhiều người dường như cho rằng cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể xảy ra vì nó gây tổn thất quá lớn không chỉ cho 2 quốc gia này mà còn cho khu vực Đông Á và cả thế giới. Tuy nhiên, trong tài liệu nghiên cứu mới War with China: Thinking through the unthinkable (tạm dịch: Cuộc chiến tranh với Trung Quốc: Nghĩ thấu đáo điều không thể nghĩ), Tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) cho rằng cuộc chiến như trên vẫn có thể xảy ra. RAND lập luận Mỹ và Trung Quốc hiện đang bất hòa về nhiều cuộc tranh chấp khu vực có thể dẫn đến đối đầu quân sự hoặc thậm chí đụng độ.
“Cả hai đều dồn lực lượng quân sự hoạt động trong phạm vi gần nhau. Nếu một sự cố xảy ra hay một cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát, cả hai đều muốn tấn công phủ đầu kẻ thù trước khi bị tấn công. Nếu chiến sự xảy ra, cả hai đều có thừa lực lượng, công nghệ, sức mạnh kinh tế và nhân sự để đấu với nhau trên bộ, không, biển, không gian vũ trụ và không gian mạng”, RAND nhận định.
Trong tài liệu mới, RAND giả định chiến tranh Mỹ – Trung sẽ bùng nổ ở Đông Á, với lập luận đây là khu vực có nhiều điểm nóng châm ngòi đụng độ và có hầu hết các lực lượng Trung Quốc đóng trú. RAND cũng giả định đây là cuộc chiến theo quy ước, có nghĩa sẽ đấu với nhau bằng tàu chiến, máy bay, tên lửa và chiến binh mạng mà không sử dụng vũ khí hạt nhân.
RAND cho rằng trong cuộc chiến quy ước, không có bên nào sẽ nghĩ rằng tổn thất quá lớn và khả năng chiến thắng quá thấp đến mức phải mạo hiểm dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt đáp trả trước.
RAND giả định chiến tranh Mỹ – Trung sẽ bùng nổ ở Đông Á, với lập luận đây là khu vực có nhiều điểm nóng châm ngòi đụng độ. Mới đây nhất, Trung Quốc phản đối quyết định của Mỹ và Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Trong ảnh: binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân ở Osan, Hàn Quốc Reuters |
Bốn kịch bản
Trong báo cáo, RAND phân tích 4 kịch bản chiến tranh Mỹ – Trung, với khung thời gian nghiên cứu là từ năm 2015 – 2025.
Viễn cảnh thứ nhất là một cuộc chiến khốc liệt, ngắn ngày, khi giới lãnh đạo hai nước ra lệnh cho các chỉ huy quân đội triển khai kế hoạch tấn công chớp nhoáng vào đối phương. Nếu cuộc chiến xảy ra vào năm 2015, Mỹ chịu tổn thất đáng kể về tàu chiến, lực lượng không quân, và các căn cứ khu vực, nhưng Trung Quốc sẽ bị phá hủy nặng nề hơn, trong đó có hệ thống vũ khí phục vụ chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD). Nếu cuộc chiến xảy ra vào năm 2025, tổn thất Trung Quốc hứng chịu vẫn sẽ nặng hơn so với Mỹ nhưng sẽ giảm, còn tổn thất của Mỹ sẽ tăng do hệ thống A2/AD của Trung Quốc được cải thiện.
Về mặt kinh tế, cuộc chiến như trên sẽ gây ra cú sốc đối với thương mại toàn cầu của Trung Quốc vì phần lớn hàng hóa nước này đi qua vùng chiến sự ở tây Thái Bình Dương, trong khi tổn hại kinh tế đối với Mỹ chỉ bị giới hạn trong quan hệ song phương với đối thủ. Phản ứng trong nước và quốc tế không tác động lớn.
Viễn cảnh thứ hai là cuộc chiến dữ dội, kéo dài. Theo RAND, trong năm 2015, cuộc chiến khốc liệt càng kéo dài, Trung Quốc càng gánh nhiều tổn thất. Nhưng vào năm 2025, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, hai bên sẽ bất phân thắng bại nên vẫn cố quyết đấu dù đã chịu tổn thất lớn. RAND cũng nhấn mạnh trong năm 2025, khả năng quân đội Mỹ giành chiến thắng thấp hơn so với hiện nay, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chiến thắng.
Do cuộc chiến kéo dài, phần lớn tây Thái Bình Dương, từ Hoàng Hải đến Biển Đông, có thể trở thành vùng nguy hiểm đối với việc vận chuyển thương mại bằng đường biển và hàng không. Giao thương bị giảm mạnh, trong đó có các nguồn năng lượng, có thể làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc. Một cuộc chiến khốc liệt càng kéo dài càng khiến các nước khác nhảy vào, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Trong viễn cảnh cuộc chiến dữ dội, kéo dài, các đồng minh của Mỹ sẽ nhảy vào. Trong ảnh: tàu hải quân Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận ở vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên Reuters |
Viễn cảnh thứ ba là cuộc chiến không dữ dội, chỉ xảy ra vài ngày. RAND phân tích do triển vọng giành chiến thắng quân sự chớp nhoáng thấp lại đối diện nguy cơ mất kiểm soát, nên giới lãnh đạo hai nước có thể không cho phép quân đội tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào đối phương. Do đó, cuộc chiến sẽ mang tính bất phân thắng bại, rải rác và ở cấp độ thấp, với tổn thất quân sự không lớn. Với giả định rằng lãnh đạo hai nước có khuynh hướng thỏa hiệp, một cuộc chiến như thế sẽ kết thúc trước khi nó gây ra thiệt hại kinh tế lớn cũng như những chấn động chính trị nội địa và quốc tế.
Viễn cảnh cuối cùng là cuộc chiến không dữ dội nhưng kéo dài. Hai bên có thể kiểm soát cuộc chiến và chịu tổn thất ở mức có thể chấp nhận được nên sẽ tiếp tục cuộc xung đột ở cấp độ thấp để tránh tổn thất chính trị do thỏa hiệp. Do không có bên nào chiếm ưu thế về quân sự nên cuộc chiến kéo dài, dẫn đến tổn thất kinh tế tăng lên, đặc biệt đối với Trung Quốc. Ngoài ra, với tình trạng cuộc chiến kéo dài, phản ứng về chính trị trong nước và trên thế giới cũng sẽ ngày càng mạnh lên.
Báo Trung Quốc phản pháo
Sau khi RAND công bố tài liệu nghiên cứu nói trên, tờ Hoàn Cầu thời báo lập tức đăng bài xã luận đáp trả, với tựa đề US would suffer more in war with China (tạm dịch: Mỹ sẽ thiệt nhiều hơn trong cuộc chiến với Trung Quốc).
Trong bài xã luận, Hoàn Cầu thời báo thừa nhận: “Sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc hiện vẫn còn yếu hơn Mỹ. Người Trung Quốc biết rõ rằng Trung Quốc có thể sẽ chịu tổn thất nhiều hơn Mỹ một khi chiến tranh bùng nổ nhưng suy nghĩ của chúng tôi về một cuộc chiến tranh Trung – Mỹ không chỉ như vậy”.
Bài xã luận viết tiếp: “Chúng tôi sẽ rất cẩn trọng về việc tiến hành chiến tranh, nhưng nếu chiến tranh xảy ra, chúng tôi sẽ có quyết tâm lớn hơn Mỹ để đánh bại nước này đến cùng và chúng tôi có thể chịu đựng được tổn thất nặng hơn Mỹ… RAND tuyên bố một cuộc xung đột kéo dài có thể khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế và thậm chí đất nước bị chia cắt. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, Mỹ sẽ gánh chịu rắc rối sớm hơn từ một cuộc chiến tranh”.
Mặt khác, Hoàn Cầu thời báo tận dụng phân tích của RAND để cổ súy cho việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự khi viết: “Nghiên cứu của RAND cho thấy việc Trung Quốc đẩy mạnh sức mạnh quân sự là rất quan trọng. Trung Quốc phải tiếp tục xây dựng các khả năng răn đe để chống lại Mỹ”.
Hoàn Cầu thời báo tận dụng phân tích của RAND để cổ súy cho việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự Reuters |
Trong bài nghiên cứu của mình, RAND cũng đã đưa ra một số đề xuất để Mỹ có thể giành chiến thắng và chịu tổn thất ở mức tối thiểu nếu đụng độ với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ cần nâng cao các khả năng quân sự, năng lực phối hợp với các đồng minh gần Trung Quốc, chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các nước đồng minh và đối tác ở Đông Á, giúp các nước này nâng cao khả năng quốc phòng. RAND còn cho rằng Mỹ cần đầu tư khả năng chống A2/AD với tên lửa di động phóng từ mặt đất và hệ thống phòng không tích hợp để có thể tăng mức tổn thất cho quân đội Trung Quốc.