Việc lắp đặt trạm radar đó là việc làm tất yếu, để Việt Nam chủ động đối phó với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trạm radar thứ hai tại Sơn Trà
Vị trí chiến lược quân sự đắc địa của Đà Nẵng
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã khánh thành trạm radar thứ hai tại bán đảo Sơn Trà và hệ thống xử lý dữ liệu radar tại Trung tâm điều hành bay Đà Nẵng. Bán kính giám sát của trạm radar này lên tới 450 km đối với radar thứ cấp và 150 km đối với radar sơ cấp.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 3/8, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: ” Đà Nẵng có tầm chiến lược không riêng với miền Trung, Tây Nguyên mà còn với cả nước.
Cùng với đó, Đà Nẵng đóng vai trò vô cùng quan trọng khi là cây cầu nối giữa miền Bắc và miền Nam, vùng Tây Nguyên, đặc biệt, về mặt chiến lược quân sự. Chính vì điều đó, không phải chỉ có những nước trong khu vực, mà kể cả các nước lớn trên thế giới, đều muốn có ảnh hưởng ở Đà Nẵng.
Cũng vì thế, không phải ngẫu nhiên ở Đà Nẵng có nhiều cơ quan đại diện lâm thời của các nước lớn, như Trung Quốc cũng có một cơ quan đại diện lâm thời. Nói như vậy, để thấy vị trí đắc địa của Đà Nẵng.
Đối với Biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa, từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa chỉ tầm 500km, chính vì vậy, cho nên, vị trí của Đà Nẵng nó có một vị thế quan trọng, nếu được đầu tư đủ tầm sẽ trở thành một thế lực, một điểm nhấn trong phòng thủ khu vực, phòng thủ đất nước, kể cả phòng thủ biển đảo của Việt Nam”.
Cho nên, theo ông Lương, ngay trong chiến tranh chống Pháp, Pháp cũng đã đổ bộ lên Đà Nẵng đầu tiên, từ vùng vịnh thuộc thành phố này. Cho đến năm 1965, Mỹ đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam, chủ yếu là lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ, cũng từ vịnh Đà Nẵng đi vào.
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mỹ coi Đà Nẵng như là một vị trí yết hầu để mà án ngữ toàn bộ phần phía Bắc, cũng như phần Tây Nguyên, biến Đà Nẵng thành hỗn hợp, căn cứ quân sự. Nơi đây, như là một tổng căn cứ hậu cần thứ hai, sau căn cứ Long Bình.
Vì thế, xét về vị trí thì Đà Nẵng có tác dụng về nhiều mặt, nên Mỹ đã từng coi trạm radar bán đảo Sơn Trà là hiện đại nhất lúc bấy giờ, để cảnh báo hàng không, biển đảo, thậm chí, liên quan cả về mặt đường bộ.
Đắc địa vì nó không những được bao bọc, bao vây mà còn tạo ra những khu vực chốt tiền tiêu, bảo vệ trung tâm radar này. Đây là nơi có thể nắm bắt được hành động của nhiều nước trong khu vực, cũng như nhiều nước lớn muốn gây ảnh hưởng đối với Việt Nam thông qua Đà Nẵng, cùng với khu vực cảng Cam Ranh.
Chính vì thế, ông Lương nhận định: “Việc Việt Nam đặt một trạm radar thứ 2 trên bán đảo Sơn Trà, bên cạnh một trạm radar đã từng khai thác sau khi giải phóng miền Nam, cũng là một việc làm đáng hoan nghênh, một việc làm tất yếu cho các nhà chiến lược quân sự Việt Nam”.
Hỗ trợ kiểm soát hoạt động của các nước trên Biển Đông
Ở góc độ khác, theo đánh giá của tướng Lương, bối cảnh của khu vực và thế giới đang rất phức tạp, đặc biệt là ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn đang tìm mọi cách phủ sóng khu vực, kể cả chính sách về mặt kinh tế, thuyết phục các nước theo quỹ đạo của họ, sau khi thất thế trong việc phán quyết PCA, để kiên quyết giữ và thực hiện mục tiêu, chiến lược của họ.
Cụ thể là mục tiêu lập vùng nhận diện phòng không AIDZ, đó sẽ là nguy cơ, không phải đối với Việt Nam mà đối với các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, đối với Trung Quốc.
Có thể Trung Quốc sẽ thực hiện điều này, khi thực hiện sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Việt Nam trên Biển Đông, đối với không lưu, đe dọa không chỉ các phương tiện bay quân sự, mà cả hàng không dân dụng và hàng không các nước, khi bay qua vùng AIDZ.
Nhấn mạnh thêm, tướng Lương khẳng định: “Trạm radar có tác dụng về mặt chiến lược quân sự rất lớn, khi các tín hiệu phát ra là chúng ta có thể chủ động để phát hiện những âm mưu, thủ đoạn, những tình huống về mặt chiến thuật. Lâu dài hơn nó có tác động về mặt chiến dịch, chiến lược quân sự.
Trước đây, trạm radar thứ nhất được coi là mắt thần của Đông Dương, trạm radar thứ hai cũng không ngoại lệ. Sự xuất hiện của mắt thần mới này, sẽ là động lực, là một sự hỗ trợ rất đắc lực việc đảm bảo an ninh cho Việt Nam, đặc biệt là kiểm soát trên không.
Khi có hai mắt thần, thì chúng ta sẽ chủ động hơn trong các tình huống phức tạp, kiểm định chính xác được thông tin.
Hơn nữa, độ quét của trạm radar thứ hai lên tới 450km, nó vừa có tác dụng phòng thủ, răn đe, hỗ trợ cho mắt thần đang hoạt động, lại tác động trực tiếp đến hiệu quả quốc phòng, an ninh của Việt Nam, chiến lược quân sự, phòng thủ, đặc biệt trên biển, đảo.
Trạm radar sẽ quét hình ảnh, phân tích và đưa ra các chỉ thị, các cảnh báo sớm, chủ động hoàn toàn trong phạm vi hoạt động, không gian rất lớn, nên có tác động tích cực với hệ thống phòng thủ của đất nước, đặc biệt là miền Trung – Đà Nẵng”.
Vì vậy, theo tướng Lương, trạm radar không những hoàn thành nhiệm vụ cảnh giới, kiểm soát không lưu mà còn cảnh báo, đưa ra những chỉ thị có tác dụng rất tích cực với hoạt động giám sát, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất, trong khi, tình hình Biển Đông đang cực kỳ phức tạp, chưa lường hết được.
Hơn nữa, trạm sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho phòng thủ khu vực và đất nước, lựa chọn Đà Nẵng là một vị trí rất đắc địa, mang tầm chiến lược không chỉ với Việt Nam mà còn toàn khu vực Đông Dương.