Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới‘Tam chủng chiến pháp’: Mặt trận gây nhiễu toàn cầu của TQ

‘Tam chủng chiến pháp’: Mặt trận gây nhiễu toàn cầu của TQ

Chỉ trong vòng 2 tháng trước thềm phán quyết của Tòa, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch truyền thông trên phạm vi toàn cầu.

Tam chủng chiến pháp 

Ngay từ khi công bố bản đồ đường 9 đoạn phi lý năm 2009, TQ đã phải chịu áp lực từ dư luận khắp thế giới. Để hóa giải sức công kích, TQ đẩy mạnh một chiến lược chống trả trên mặt trận thông tin với tên gọi “tam chủng chiến pháp”. 

Chiến lược bao gồm sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận tâm lý, truyền thông và pháp lý nhằm “dùng dư luận khắc chế dư luận”. Có thể hiểu đơn giản đây là một chiến lược nhằm tạo ra một lượng thông tin có lợi với tần suất dày đặc ngang ngửa lượng thông tin bất lợi cho TQ. 

Cốt lõi của các thông tin này là khả năng áp đặt luật quốc gia lên các “vùng tranh chấp” và diễn giải luật quốc tế “theo kiểu TQ” nhằm hợp pháp hóa mọi hành động thực địa của họ trên mặt trận pháp lý.

Kế đến là một loạt các biện pháp vận động ngoại giao – kinh tế – quân sự với các quốc gia khác. TQ sẽ đổ bộ các khoản đầu tư khổng lồ để đổi lại sự ủng hộ của các nước với vấn đề Biển Đông. Những quốc gia phản đối sẽ lập tức gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với cường quốc này – đó chính là bản chất của mặt trận tâm lý. 

Và cuối cùng, trên mặt trận truyền thông, TQ sẽ vận dụng tối đa các bộ máy truyền thông quốc gia để đẩy mạnh tuyên truyền thông tin có lợi cho họ ra bên ngoài với tần suất cao nhất. 

“Tam chủng chiến pháp” đã được TQ áp dụng lần lượt trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng và được triển khai mạnh trên Biển Đông từ năm 2009 đến nay. Việc TQ đưa ra “đường lưỡi bò” năm 2009, áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông từ năm 2010, thiết lập phi pháp đơn vị hành chính “thành phố Tam Sa” năm 2012, cùng các hoạt động tập trận quân sự đơn phương trên Biển Đông là những nước cờ đầu tiên trên mặt trận pháp lý. 

Đặc biệt, sự kiện giàn khoan HD-981 hạ đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 là một “phép thử” táo bạo của TQ đối với phản ứng từ các quốc gia hữu quan cũng như dư luận quốc tế. Trong sự kiện này, TQ cũng bước đầu tận dụng các cơ quan đại sứ của họ tại nhiều nước (Indonesia, Mỹ, Úc, Nhật, Thái Lan…) để đăng tải các ấn phẩm về Biển Đông tuyên truyền quan điểm của TQ. Đây là một biến thể quan trọng về cách tiếp cận mặt trận truyền thông của TQ, dùng đội ngũ đại sứ tấn công vào các cơ quan truyền thông phương Tây và quốc tế. 

Mặt trận thông tin trước tâm bão

Chỉ trong vòng 2 tháng trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS, TQ đã phát động một chiến dịch truyền thông trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, đại sứ TQ tại hơn 30 quốc gia khắp 5 châu lục đã xuất bản các ấn phẩm Biển Đông trên các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn. 

Ngay cả các hãng truyền thông có uy tín quốc tế như Bloomberg (Mỹ), The Time (Anh), Strait Times (Singapore), The Star (Malaysia), Jakarta Post (Indonesia) và hàng loạt hãng truyền thông ở các quốc gia có tiếng nói trên thế giới như Anh, Đức, Canada, Úc, Mỹ, Nam Phi, Ấn Độ, Pháp, Brazil… đều xuất hiện các ấn phẩm tuyên truyền về Biển Đông với tác giả là các đại sứ TQ tại mỗi nước. 

Dựa trên khảo sát của chúng tôi, nội dung của hơn 30 ấn phẩm Biển Đông do các đại sứ TQ cho đăng tải đều tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: 

Một là, khẳng định chủ quyền lịch sử của TQ trên Biển Đông. 

Hai là, chứng minh sự tuân thủ của TQ với luật pháp quốc tế thông qua các phân định lãnh thổ song phương một cách hòa bình giữa TQ với 12/14 quốc gia láng giềng, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng đối với các điều ước đa phương và quốc tế mà TQ đã ký kết. Hơn 2/3 lượng ấn phẩm được khảo sát có nhắc đến điều 298 của Công ước UNCLOS về quyền miễn trừ của TQ. 

Ba là nhấn mạnh chỉ có đàm phán và tham vấn song phương mới có thể giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. 

Bốn là, TQ không chủ ý gây căng thẳng trong khu vực (20/33 ấn phẩm còn kết luận TQ chỉ là nạn nhân bị các cường quốc khác quấy nhiễu??). 

Và cuối cùng là những lập luận cho rằng tất cả các tham vấn song phương giữa TQ và Philippines trước đây đều không hiệu quả do sự bất hợp tác của Philippines. Do đó Philippines là bên vi phạm các thỏa thuận, đơn phương đệ đơn kiện ra Tòa Trọng tài làm tình hình thêm phức tạp (26/33 ấn phẩm). 

Đây đều là những diễn giải “theo kiểu TQ” nhằm tạo dư luận gây nhiễu và phân tán các luồng thông tin bất lợi cho TQ ngày càng dày đặc trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Tuy nhiên, cần lưu ý là ngay cả các đại sứ TQ cũng “rất ngại” khi trình bày 2 luận điểm: một là cho rằng TQ không chủ trương xây dựng các cơ sở quân sự trên Biển Đông (7/33 ấn phẩm đề cập) và hai là các luận điểm nhằm bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài (4/33 ấn phẩm đề cập). Phần lớn lập luận đều cho rằng TQ có quyền miễn trừ theo tuyên bố năm 2006 của họ, và Tòa Trọng tài chỉ là nỗ lực đơn phương của Philippines – nghĩa là đều cố gắng tránh đề cập trực tiếp đến những bình luận nhằm bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài. Có thể thấy là họ nhận thấy những điểm bất lợi quá lớn về cơ sở pháp lý. 

Như vậy, khi các sự kiện pháp lý hay thực địa càng nóng lên, thì “tam chủng” hay “tứ chủng chiến pháp” (cùng với đội ngũ học giả) từ phía TQ sẽ mở hết công suất. Mục tiêu lớn nhất của TQ chính là thắng lợi trên mặt trận thông tin, nhằm che phủ được những hành động phi pháp trên thực địa. 

Tuy nhiên, mặt trận thông tin với tần suất dày đặc và quy mô toàn cầu cùng những biến thể tinh vi vẫn không đủ sức để thay đổi nhận thức dựa trên logic và bằng chứng thật của dư luận quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới