Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChính sách đối ngoại mới của Mỹ tại Trung Á

Chính sách đối ngoại mới của Mỹ tại Trung Á

Không muốn nhường lại ảnh hưởng ở Trung Á cho Nga hoặc Trung Quốc, Mỹ đang lặng lẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ trực tiếp với các nước Trung Á.

NATO tiếp tục phải duy trì sự hiện diện tại Afghanistan do tình hình bất ổn tại quốc gia này. Ảnh: itsoureconomy

Theo giới quan sát, Trung Á có thể một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu. Điều này được thể hiện qua việc Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7 vừa qua tại Warsaw (Ba Lan), liên minh quân sự này đã một lần nữa khẳng định sự ủng hộ với chính quyền hiện nay tại Afghanistan – quốc gia vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho khu vực, là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhưng lại có sự kết nối quan trọng đối với khu vực Trung Á.

Rõ ràng, cả Mỹ và NATO vẫn quan tâm đến những nguy cơ mất an ninh tiềm ẩn tại Afghanistan và tìm kiếm những đối sách phù hợp với tình hình. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự của liên minh này tại Afghanistan sẽ được kéo dài đến cuối năm 2017 và số lượng binh sĩ tại đây không thay đổi (khoảng 12.000 quân).

Về phần mình, Nga cũng đang “để mắt” đến những diễn biến tại khu vực Trung Á bởi các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có chung đường biên giới khá dài, an ninh lỏng lẻo đối với Afghanistan. Đối với Nga, điều này đồng nghĩa với nguy cơ những kẻ khủng bố có thể xâm nhập vào lãnh thổ Nga thông qua các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ngày càng tăng.

Theo ông Dmitri Trenin – Giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow, Nga vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được những gì đang diễn ra tại khu vực Trung Á và điều này khiến cho nước Nga sẽ dễ bị tổn thương hơn.

Cũng theo ông Trenin, các nguy cơ mất an ninh với Nga có thể xuất hiện trong tương lai gần nếu xét trên thực tế hiện Nga không có một đường biên giới được bảo vệ tốt với các nước Trung Á. Trong khi đó, Mỹ đang cố gắng để theo dõi sát sao những diễn biến còn đang tiềm ẩn tại Trung Á. Trong bối cảnh như vậy, liệu Mỹ có thành công trong cuộc đối đầu nhằm tranh giành ảnh hưởng với một đối thủ chủ chốt tại khu vực này là Nga?

Chính sách đối ngoại mới của Mỹ đối với khu vực Trung Á

Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Mỹ trong không gian hậu Xô Viết đã có sự thay đổi đáng kể chỉ trong một thời gian ngắn, trong đó hạn chế về mặt chiến lược khả năng Mỹ – Nga đối đầu. Chính vì vậy, chính sách mới của Mỹ tại khu vực Trung Á hoàn toàn đi ngược lại với khả năng đó. Một cơ chế đối thoại mới mang tên Hội nghị Bộ trưởng cấp cao C5+1 bao gồm 5 quốc gia trong khu vực là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã được thiết lập trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới khu vực này vào tháng 11/2015, cho thấy sự thay đổi về quan điểm của Washington đối với Trung Á.

Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng, chính sách mới của Mỹ tại Trung Á  là nhằm mục tiêu làm giảm ảnh hưởng của Nga tại khu vực này. Với họ, việc yêu cầu các nước Trung Á lựa chọn “đứng về phía Nga hay phương Tây” sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định tại khu vực. Một số thậm chí còn đưa ra ý kiến rằng, người Mỹ đang có kế hoạch ở lại Trung Á trong một thời gian dài và có một chiến lược dài hạn đối với khu vực này.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác, chính sách đối ngoại mới của Mỹ ở Trung Á được xây dựng theo bối cảnh và có giới hạn về mặt thời gian – điều này đồng nghĩa với việc sự hiện diện của Mỹ trong khu vực này sẽ giảm dần.

Trong một thời gian dài, Washington đã cố gắng để kết hợp hai phương pháp: phát huy giá trị dân chủ và cố gắng để thiết lập một khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực an ninh với các nước chủ chốt tại khu vực Trung Á. Tuy nhiên với việc Mỹ đặt trọng tâm về nhân quyền và mong muốn áp đặt một chương trình nghị sự dân chủ đã cản trở việc thực hiện các sáng kiến an ninh. Washington được cho là thiếu hiểu biết nghiêm trọng đối với một số nước Trung Á khi các nước này đã nói rõ với Mỹ rằng họ không khó khăn khi tìm kiếm một đối tác mạnh trong khu vực (ám chỉ tới Nga).

Đó chính là lý do giải thích vì sao Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận của mình đối với khu vực Trung Á. Vì lợi ích của mình, Mỹ sẽ ưu tiên cho những vấn đề về an ninh hơn là nhân quyền.

Dưới góc nhìn trung và dài hạn, Mỹ và 5 quốc gia ở khu vực Trung Á khó có khả năng phát triển các mối quan hệ theo một định dạng mới bởi nhân quyền vẫn là một trở ngại lớn. Việc không thể có được một khuôn khổ hợp tác khả thi hiện vẫn là thách thức lớn đối với Washington và các quốc gia tại Trung Á. Cơ chế hợp tác mới là C5+1 không phải là một liên minh, cũng không phải là một cấu trúc an ninh tập thể để đối thoại về một số vấn đề an ninh khu vực – nơi sự tin cậy lẫn nhau là rất cần thiết.

Theo ông Richard Hoagland – Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á, Mỹ không coi Trung Á là một khu vực thống nhất dù đã thiết lập một cơ chế đối thoại với các nước Trung Á. Tuy nhiên, cơ chế đối thoại C5+1 cho thấy Washington đã sẵn sàng để thích nghi với thực tế của khu vực và những thách thức an ninh mới.

Sự tồn tại của cơ chế đối thoại mới này là một bước quan trọng nhằm thiết lập một hình thức hợp tác mới. Giờ là thời gian để cơ chế này chứng minh khả thi của nó. Thành công của nó sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các nước trong việc hợp tác thực chất trong khuôn khổ an ninh khu vực.

Đối đầu Mỹ – Nga ảnh hưởng thế nào đến chính sách của Mỹ ở Trung Á?

Theo các chuyên gia, quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Washington và Moscow sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại mới của Mỹ ở Trung Á.

Nếu như vào đầu những năm 1990, chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton xem Nga như một đầu tàu trong việc chuyển đổi dân chủ ở các nước thuộc không gian hậu Xô Viết – đồng nghĩa với việc nước Nga dân chủ được cho là động lực góp phần vào việc sự thành lập của các tổ chức dân sự trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô.

Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, sự hợp tác Nga – Mỹ ở Trung Á càng chặt chẽ hơn. Washington đã tích cực phối hợp các hoạt động tại khu vực này với Nga. Một ví dụ là với sự trợ giúp của Moscow, Mỹ đã được Kyrgyzstan và Uzbekistan cho phép sử dụng các căn cứ và sân bay quân sự của họ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan.

Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, Mỹ đang phải xem xét lại toàn bộ chính sách của mình trong không gian hậu Xô Viết. Từ giờ Washington sẽ phải tìm cách tiếp cận trực tiếp với các nước trong khu vực. Cách tiếp cận này được thúc đẩy bởi sự đối đầu giữa Nga và Mỹ hiện nay cũng như  tình hình tại Afghanistan đang xấu đi khiến Nhà Trắng phải hoãn việc rút quân khỏi nước này.

Về cơ bản, Mỹ đã giảm các hoạt động trong khu vực đòi hỏi phải có sự phối hợp với các đối tác Nga. Việc thành lập cơ chế đối thoại C5+1 tại Trung Á chính là nhằm phục vụ cho mục đích trên. Tuy nhiên nó có thành công hay không phụ thuộc đầu tiên vào thành ý hợp tác của các nước tại khu vực Trung Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới