Trung Quốc mới đây thông báo sẽ tập trận chung với Nga trên Biển Đông vào tháng 9 tới. Vậy cuộc tập trận này sẽ diễn ra ở nơi nào trên Biển Đông?
Tàu chiến của Nga và Trung Quốc tập trận chung ở biển Hoa Đông hồi năm 2014
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28.7 thông báo Hải quân Nga và Trung Quốc sẽ tập trận chung trên Biển Đông vào tháng 9 tới. Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc Biển Đông đang là tâm điểm của khu vực, nhất là sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Trung Quốc và Nga đều kín lời về cuộc tập trận này, họ chỉ cho biết đó là cuộc tập trận “Joint Sea-2016”, chứ không nói rõ thời gian và địa điểm chính xác sẽ diễn ra cuộc tập trận. Điều này lại càng khiến giới quan sát tò mò và quan tâm rằng nơi nào trên Biển Đông được chọn làm nơi tập trận.
Kịch bản địa điểm tập trận
Biên tập viên Shannon Tiezzi của chuyên san The Diplomat ngày 4.8 cho rằng việc chọn địa điểm cụ thể nào sẽ cho thấy mức độ gây tranh cãi của cuộc tập trận này. Bởi lẽ Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, mỗi khu vực trên đó đều mang những đặc điểm riêng. Bà Tiezzi đã đưa ra một số kịch bản về địa điểm cuộc tập trận này.
Theo biên tập viên này, nếu Trung Quốc chọn địa điểm tập trận với Nga gần bờ biển phía nam đảo Hải Nam thì Bắc Kinh sẽ có thể tránh được sự giận dữ của các nước láng giềng. Trên thực tế, Bắc Kinh đã từng nhiều lần tập trận ở gần đảo Hải Nam và đây cũng là nơi có cơ sở đồn trú của quân đội Trung Quốc.
Kịch bản thứ hai là Bắc Kinh chọn cách tập trận hải quân với Nga ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa. Trung Quốc thậm chí có thể sử dụng các cơ sở mà nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, để hỗ trợ cuộc tập trận. Thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động được xem là quân sự hóa các đảo nhân tạo này, bao gồm xây dựng đường băng, cầu cảng, đáp thử chiến đấu cơ…
Nhưng nếu Bắc Kinh chọn phương án này cũng đồng nghĩa với việc gây báo động với cộng đồng quốc tế. Cuộc tập trận vốn dĩ được Bắc Kinh thông báo là bình thường và không nhằm vào quốc gia nào sẽ trở thành hành động trái phép.
Nga sẽ nghĩ gì?
Cũng không rõ Trung Quốc muốn chọn nơi nào nhưng chắc chắn quyết định không chỉ nằm ở phía Bắc Kinh. Nga dường như đang nằm ở thế lưỡng nan. Theo biên tập viên của The Diplomat, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định có quan điểm chung trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Bà Tiezzi cho rằng Nga cũng giống Trung Quốc muốn thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ. Thế nhưng, xét về lợi ích trên Biển Đông, Nga không coi đó là khu vực quan trọng đối với nền an ninh của mình, điều này lý giải tại sao Nga luôn muốn trung lập và khẳng định không để bị lôi kéo vào tranh chấp ở Biển Đông.
Thêm vào đó, bà Tiezzi cho rằng có thể thái độ của Nga đối với yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng tương tự như phản ứng của Bắc Kinh đối với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Theo bà Tiezzi, Nga nhiều khả năng sẽ chọn cách an toàn, không làm mất lòng các nước khác tại khu vực Biển Đông, tức là chọn địa điểm tập trận chung với Bắc Kinh ngay gần đảo Hải Nam chứ không phải ở khu vực tranh chấp.
Cựu đại sứ Ấn Độ, đồng thời là một cây viết trên Asia Times, ông MK Bhadrakumar cũng có chung nhận định với biên tập viên của The Diplomat. Ông phân tích rằng cần phải hiểu sự xoay trục của Nga sang châu Á vừa là hệ quả của mối quan hệ khó khăn của Nga với phương Tây, vừa là sự xác nhận vai trò động lực tăng trưởng của châu Á đối với nền kinh tế thế giới. Bởi vậy, không nên xem sự xoay trục của Nga sang châu Á nghĩa là xoay sang Trung Quốc.
Ông cho rằng có thể loại trừ việc hải quân Nga sẽ tập trận với hải quân Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, vì Nga cũng có mối quan hệ chiến lược lâu dài với Việt Nam và bản thân Nga cũng gắn bó ngoại giao với ASEAN nên sẽ không hướng hẳn về phía Trung Quốc.