Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCần thời gian cho TQ

Cần thời gian cho TQ

Nên tạo không gian cho Trung Quốc chấp nhận phán quyết một cách dần dần theo thời gian, thông qua một quá trình phát triển các chuẩn mực mới.

Trung Quốc vẫn giễu võ dương oai ngoài Biển Đông càng làm tăng nghi ngờ và lo ngại từ các nước láng giềng, ảnh minh họa: Nhân Dân Nhật báo.

Giáo sư Chu Phong, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc ngày 8/8 có bài bình luận đăng trên Bloomberg:”Trung Quốc không phải mối đe dọa với trật tự thế giới.” 

Ông không chỉ tìm cách giải thích lập trường của Bắc Kinh sau phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với nước này hôm 12/7, mà còn đưa ra một số thông điệp rất đáng chú ý. 

Nga, Anh, Mỹ từng phớt lờ phán quyết của cơ quan tài phán nên Trung Quốc học theo

Ông Chu Phong viết: “Trong tháng qua sau khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết trọng tài chống lại tuyên bố của mình ở Biển Đông, một điệp khúc những chỉ trích giận dữ lên án nước này nằm ngoài vòng pháp luật quốc tế đã xảy ra.

Giới học giả phương Tây thậm chí đã so sánh phản ứng của Trung Quốc với quyết định của Nhật Bản từ bỏ Hội Quốc Liên để cuối cùng dẫn đến chiến tranh ở châu Á, hoặc như sự chà đạp của Hitler lên trật tự toàn cầu.

Đó là một sự khoa trương thuần túy vô căn cứ. Nó không có ích gì mà còn làm tăng sự tức giận từ Trung Quốc vốn đã xem phán quyết như một phần của âm mưu chống lại sự trỗi dậy của họ.

Nếu phương Tây muốn thay đổi thái độ của Trung Quốc, họ cũng phải xem lại chính mình.

Trong thực tế, Trung Quốc phản đối Hội đồng Trọng tài thành lập bởi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague hầu như không gây ra một sự phản đối, bác bỏ ghê gớm nào trên toàn cầu.

Các thẩm phán của Hội đồng Trọng tài có thể đã từ chối lập luận của Trung Quốc rằng, vụ kiện của Philippines liên quan đến vấn đề chủ quyền nên do đó nằm ngoài thẩm quyền của Tòa.

Nhưng cũng không có gì là điên rồ khi nghĩ rằng, ít nhất một phần động lực của Philippines là nâng cao yêu sách chủ quyền của nước này đối với các khu vực ở Biển Đông.

Cũng không phải trước Trung Quốc chưa từng có nước nào bác bỏ phán quyết cuối cùng của cơ quan tài phán quốc tế. Cả Nga và Anh đã bỏ qua phán quyết tương tự mà họ không thích.

Mỹ vẫn chưa phê chuẩn gia nhập UNCLOS 1982 và Washington cũng bác bỏ phán quyết của Tòa án Quốc tế vì Công lý chống lại Mỹ trong vụ kiện do Nicaragua khởi xướng những năm 1980.

Gần đây hơn, Mỹ phát động cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003 mà không có bất cứ sự ủy quyền nào từ cộng đồng quốc tế, sau đó tiếp tục lạm dụng tù nhân chiến tranh tại Abu Ghraib.

Thay vì xây dựng thương hiệu quốc gia “đạo đức giả” như Mỹ, Trung Quốc đã tích cực tham gia xây dựng lại Iraq và làm những gì có thể để giúp Iraq ổn định đất nước.”

Ngụy biện, xảo ngôn không che được sự thật

Cá nhân người viết cho rằng, Giáo sư Chu Phong hoặc đang cố tình ngụy biện, hoặc không hiểu bản chất pháp lý của vụ kiện trọng tài do Philippines khởi xướng.

Yêu sách của Philippines khi đưa vụ kiện ra cơ quan tài phán quốc tế không liên quan đến chủ quyền, mà là yêu sách hàng hải liên quan đến vận dụng, giải thích UNCLOS 1982.

Nội dung vụ kiện chỉ xoay quanh việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982, tiến trình vụ kiện thực hiện đúng quy định trong Phụ lục VII, UNCLOS 1982. Trung Quốc không thể bác bỏ được thẩm quyền của Tòa dù với bất cứ lý do gì.

Nói rằng trước Trung Quốc đã có các “tiền lệ” bác bỏ phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế như Nga, Anh hay Mỹ không phải cái cớ để một thành viên UNCLOS 1982, một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chối bỏ trách nhiệm phải tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Nếu nói như Giáo sư Chu Phong thì tốt nhất nên giải tán Liên Hợp Quốc, mạnh nước nào nước ấy làm, cá lớn nuốt cá bé, nhấn chìm nhân loại vào ngọn lửa chiến tranh.

Liên Hợp Quốc, các cơ quan tài phán và Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc ra đời là để bảo vệ hòa bình, luật pháp và công lý. Khi các bên tranh chấp không thể giải quyết được với nhau, nhờ đến trọng tài / tòa án là giải pháp hết sức hòa bình, văn minh và hợp pháp.

Đó mới thực sự là chính trị, chứ không phải cái gì có lợi thì vơ vào, cái gì bất lợi cho mình nhưng là lợi ích chung của nhân loại, lợi ích hợp pháp của nước khác, được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế thì lại tìm cách chối bỏ.

Còn nói về “xâm lược”, thì năm 1974 Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, năm 1979 – 1989 Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc và gây ra các cuộc đụng độ quân sự với Việt Nam, năm 1988 xâm lược Gạc Ma và 5 thực thể khác ở Trường Sa của Việt Nam thì Giáo sư Chu Phong tính sao?

Cá nhân người viết phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh xâm lược nào, trong đó có chiến tranh Iraq 2003. Tuy nhiên nói Mỹ “đạo đức giả” còn Trung Quốc thì không là không khách quan, không công bằng.

Mặt khác, Giáo sư Chu Phong tạo ra sự so sánh “đạo đức” trong câu chuyện này xem ra không ăn nhập. Không phải Trung Quốc chỉ “tích cực tham gia xây dựng lại Iraq”, mà nói cho đúng là Trung Quốc tham gia kiếm lời từ Iraq.

Cái Bắc Kinh nhòm thấy ở Baghdad là dầu mỏ giá rẻ và thị trường vũ khí. Điều này đã được Sputnik News và VOA phân tích khá rõ. 

Trung Quốc không thể từ bỏ yêu sách chỉ trong một đêm, cần có thời gian để thích nghi?

Giáo sư Chu Phong viết: “Các nhà phê bình Trung Quốc đúng ở một điều: Quốc gia này đã được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II.

Và quả thực kể cả từ sự hiện diện an ninh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương cũng đã tạo điều kiện, không gian cho Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế.

Tại sao Trung Quốc lại muốn lật đổ trật tự đó? Nhờ tôn trọng các quy tắc toàn cầu của các tổ chức, kể từ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã thắng 21 trong 36 vụ kiện ra WTO.

Đồng thời Trung Quốc đang tìm cách tích hợp vào trật tự toàn cầu hiện nay, trong khi tìm cách dung hợp với sự tôn trọng và ảnh hưởng mà Trung Quốc cảm thấy mình xứng đáng được hưởng. Va chạm là không thể tránh khỏi.

Điều đó không có nghĩa là một cuộc tấn công vào hệ thống trật tự tồn tại trước đó, hoặc một phần của kế hoạch tổng thể để lật đổ nó và đặt Trung Quốc vào vị trí dẫn đầu một trật tự mới.

Điều đó có nghĩa là hệ thống trật tự quốc tế chính nó cần phải được cởi mở để phát triển, thay vì bị đối xử như một cấu trúc bất khả xâm phạm và không thể chất vấn.

Đánh giá Trung Quốc bởi việc nước này có tuân thủ và thực hiện 100% phán quyết trọng tài ngay lập tức hay không, không phải là lựa chọn công bằng và khôn ngoan. 

Phán quyết trọng tài là một trở ngại thực sự cả về mặt pháp lý lẫn ngoại giao, Trung Quốc không thể từ bỏ tất cả các tuyên bố của mình chỉ qua một đêm. 

Thay vào đó nên tạo không gian cho Trung Quốc chấp nhận phán quyết một cách dần dần theo thời gian, thông qua một quá trình phát triển các chuẩn mực mới trong vùng biển châu Á.

Ưu tiên hiện nay là nên giảm bớt căng thẳng và tìm kiếm một tập hợp các quy tắc, trong đó tất cả các thành viên trong khu vực có thể đồng ý.

May mắn thay điều này dường như đang diễn ra, khi Mỹ khuyến khích Trung Quốc và các bên liên quan kiềm chế sau phán quyết, Trung Quốc và Philippines đàm phán song phương.

Bản thân Mỹ không tiến hành các hoạt động hải quân khiêu khích gần các thực thể Trung Quốc kiểm soát. Các cuộc đàm phán như vậy nên được tiến hành mà không đòi điều kiện tiên quyết từ cả hai phía.

Trung Quốc không thể chấp nhận điều kiện tiên quyết là thừa nhận phán quyết trọng tài. Trong khi Philippines không thể chấp nhận điều kiện tiên quyết ngược lại là từ bỏ nó.

Thay vào đó hai bên cần tập trung vào những vấn đề ít gây tranh cãi như quyền đánh bắt cá và phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ có như vậy hai bên mới có thể bắt đầu nói chuyện một lần nữa.

Phán quyết trọng tài chắc chắn là một bài học cho Trung Quốc: Bắc Kinh cần phải thông minh và khéo léo hơn với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nếu muốn tiếp tục củng cố sự ổn định và phát triển.

Nhưng quá trình tích hợp hoàn toàn Trung Quốc vào trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ sẽ diễn ra chậm và phụ thuộc vào việc tạm dừng thúc đẩy xác lập các chuẩn mực luật pháp mới trên chính đất nước này.

Trong lúc đó thế giới nên ít chú ý đến các bức tranh biếm họa về Trung Quốc, mà nên chú ý nhiều hơn nữa đến hành vi thực sự của nó, làm việc kiên nhẫn để giúp Trung Quốc đi đúng hướng.”

Trung Quốc cần thời gian để thay đổi hay chỉ là kế hoãn binh, tiếp tục ném đá dò đường ở Biển Đông?

Sở dĩ người viết phải đặt câu hỏi này là vì, trái với những phân tích cầu thị, thiện chí và có xu hướng thượng tôn pháp luật của Giáo sư Chu Phong, những phát ngôn và hành động của Trung Quốc sau phán quyết trọng tài vẫn đang gây lo ngại cho khu vực và quốc tế.

Người viết cho rằng, nếu những phân tích này của Giáo sư Chu Phong cũng là những gì Trung Quốc đang tính tới, thậm chí đã và đang thỏa hiệp, thỏa thuận với Hoa Kỳ thì đó là một điều đáng mừng. Chí ít có thể ngăn ngừa xung đột, chiến tranh ở Biển Đông.

Đúng là việc từ bỏ một yêu sách mà lại là yêu sách liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ”, trong khi lâu nay đã bị tuyên truyền vống lên, bất chấp sự thật và lẽ phải, công luận và pháp luật quốc tế, là một điều cực khó, đòi hỏi bản lĩnh và trí tuệ rất lớn.

Tuy nhiên chỉ có thay đổi, quay trở về với pháp luật và công lý quốc tế mới có thể giúp Trung Quốc phục hưng, trỗi dậy hòa bình thực sự và được cộng đồng quốc tế đón nhận.

Người viết không cho rằng phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông là rào cản kể cả về pháp lý lẫn ngoại giao đối với Trung Quốc như bình luận của Giáo sư Chu Phong.

Mà ngược lại, đó chính là cơ hội để Trung Quốc thay đổi mà không vấp phải sự phản ứng thái quá từ dư luận trong nước.

Người Trung Quốc vẫn nói, ai buộc chuông thì người đó cởi. Chủ nghĩa dân túy đã được bộ máy tuyên truyền thổi bùng quá mức và có nguy cơ mất kiểm soát, thì cũng chỉ có bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc có thể hóa giải, tất nhiên là cần thời gian, phương pháp và kiên nhẫn.

Chí ít, Trung Quốc nên dừng ngay những phát biểu mang tính hiếu chiến, hung hăng và kích động xung đột, đối đầu dù với bất kỳ quốc gia dân tộc nào. Thay vào đó là hòa bình và đối thoại, tìm kiếm cơ hội phát triển cùng phồn vinh.

Những cái đầu nóng suốt ngày lên mạng hô hào chiến tranh, “bảo vệ chủ quyền”…cũng cần công ăn việc làm, cần một cuộc sống chất lượng hơn, cần một môi trường trong sạch, cần được lắng nghe…

Chiến tranh và xung đột chỉ có thể thiêu đốt tất cả những gì họ có, chứ không mang lại điều gì tốt đẹp.

Trung Quốc nên nghiên cứu kỹ phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hoa Kỳ hôm 2/8 và tự tìm câu trả lời cho câu hỏi, tại sao nước nhỏ như Singapore được cả thế giới tôn trọng và ngưỡng mộ, nước lớn như mình đi đâu cũng bị ghét, bị dè chừng và hoài nghi?

Cùng là máu đỏ da vàng, đồng chủng đồng văn, đặc biệt cùng một dòng dõi Viêm – Hoàng, nhưng cha con cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, Thủ tướng Lý Hiển Long lại được thế giới nể trọng, tất cả là vì họ biết thượng tôn pháp luật, hành xử đường hoàng mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới