Chính quyền Tập Cận Bình đang đẩy nhanh tiến độ xóa ảnh hưởng của Mao Trạch Đông trong đời sống chính trị tại Trung Quốc. Nếu như hồi đầu năm nay, bức tượng Mao Trạch Đông, mạ vàng, cao đến 37 mét, đặt tại một cánh đồng ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc, đã được dỡ bỏ một cách bí mật chỉ ít ngày sau khi khánh thành, thì vào cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định chuyển Nhà tưởng niệm Mao ra khỏi Bắc Kinh và xác ướp của Mao Chủ tịch cũng sẽ được chuyển đến thành phố quê hương của ông.
Tượng của Mao Trạch Đông bị dỡ bỏ ngày 8/1/2016
Theo tiết lộ của tạp chí chính trị Zhengming tại Hồng Kông, ấn bản tháng 8/2016, đề nghị di chuyển nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông do Vương Kỳ Sơn đưa ra. Ông Vương hiện là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Zhengming cho biết thêm những người ủng hộ đề xuất này còn có Giám đốc nhân sự của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản và Phó Chủ tịch nước.
Đề nghị trên được đưa ra bỏ phiếu tại Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc với kết quả là 23 phiếu tán thành, 2 phiếu trắng, không có phiếu chống nào.
Theo Zhengming, quyết định sẽ được thực thi ngay sau Hội nghị toàn thể của Đảng Cộng sản vào mùa thu năm 2017, khi đó sẽ bầu Bộ Chính trị mới.
Theo tạp chí chính trị ở Hồng Kông, sau khi quyết định được thông qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu với đại ý rằng vấn đề “Nhà tưởng niệm Mao” sớm hay muộn cũng phải được giải quyết do không còn hợp lý để tồn tại. Ông Tập Cận Bình dẫn lại lời Đặng Tiểu Bình nói rằng việc dựng lăng là một quyết định chính trị sai lầm.
Quyết định xây Nhà tưởng niệm đã được đưa ra nhanh chóng, sau khi Mao Trạch Đông qua đời vào ngày 9/9/1976. Ngày 24/11 cùng năm, viên gạch đầu tiên được đặt, và đúng một năm sau được khánh thành.
Theo tường thuật của Zhengming, đề nghị di chuyển nhà tưởng niệm Mao Chủ tịch đã được đưa ra nhiều lần, cho đến cuối năm 2015, 21 đại diện của nhân dân đã ký một bản yêu cầu để di chuyển lăng của Mao.
Chủ tịch Mao, qua đời năm 1976, vẫn còn là một nhân vật gây tranh cãi. Ông là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1943 đến khi qua đời. Ông đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đảng. Đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình đã có lúc ca ngợi Mao Trạch Đông là một nhân vật vĩ đại, áp dụng một phần lý luận và tính chất tập trung quyền lực trong thời Mao Trạch Đông vào điều hành đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, các trường hợp người dân đập phá tượng Mao đã gia tăng tại Trung Quốc.
Ngày 8/1/2016, trang web People’s Net của Trung Quốc đưa tin bức tượng Mao Trạch Đông, mạ vàng, cao đến 37 mét, đặt tại một cánh đồng ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc, đã được dỡ bỏ một cách bí mật chỉ ít ngày sau khi khánh thành. Lý do bị phá hủy không được trang mạng này nói rõ.
Tuy nhiên, trước đó, dư luận Trung Quốc đã xôn xao về bức tượng Mao Trạch Đông ngồi trên ghế bành, đôi tay bắt chéo tại tỉnh Hà Nam. Pho tượng này mất đến 9 tháng thi công và đã hoàn thành trong tháng 12/2015.
Hàng nghìn cư dân mạng Trung Quốc khi ấy đã dám chỉ trích vì pho tượng Mao khổng lồ đó tốn đến 3 triệu nhân dân tệ – tương đương với 420.000 euro, nhờ vào sự tài trợ của một nhóm doanh nhân ở Hà Nam. Trên các diễn đàn xã hội, cư dân mạng tự hỏi: “Tại sao lại không sử dụng số tiền đó để cải thiện giáo dục, chất lượng sống tại vùng nghèo đói Hà Nam?”
Do đó, pho tượng này đã không thể kháng cự lại được trước sức ép dư luận. Bức tượng Mao Trạch Đông đã bị hạ bệ một cách âm thầm, bị cắt thành ba khối…
Nhưng vì muốn tôn trọng nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, khi tháo dỡ bức tượng người ta đã phủ một tấm khăn đen lên đầu tượng và một lý do nghe rất hợp lý được đưa ra. Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc ngày 8/1/2016 cho biết bức tượng bị phá hủy vì xây dựng trái phép. Tờ báo này dẫn các thông tin không rõ nguồn cho biết pho tượng “chưa đăng ký và cũng chưa được chính quyền địa phương phê duyệt”.
Vào lúc chiến dịch chống lãng phí đang rầm rộ diễn ra, việc dựng tượng để tuyên truyền về một thời đại khác không được chào đón. Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình truy lùng nạn tham nhũng và các chi tiêu vô bổ.