Trung Quốc có thể đang áp dụng cách thức nước này thực hiện ở biển Đông để đối phó với Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
(Ảnh: 81.cn)
Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) ngày 8/8 cho biết nước này phát hiện 14 tàu hải cảnh Trung Quốc, con số kỷ lục từ trước đến nay, tiến vào vùng biển tranh chấp giữa hai nước ở gần quần đảo Senkaku/Điếu ngư.
Trước đó, khoảng 8h sáng ngày 6/8, khoảng 230 tàu cá cùng 6 tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục kéo vào vùng biển gần quần đảo Trung-Nhật đang tranh chấp này.
Truyền thông Nhật Bản gọi hành động của Bắc Kinh thời gian qua là “quân sự hóa ở biển Hoa Đông giống như ở biển Đông”.
Trang Đa Chiều tin rằng, trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đang thực thi chiến thuật “di hoa tiếp mộc” khi áp dụng cách mà nước này từng giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, với sự tham gia của nhiều “lực lượng”, gồm tàu cá, tàu hải giám hay tàu ngư chính…
Quân đội Trung Quốc tập trận quy mô lớn ở biển Hoa Đông đầu tháng 8/2016. (Ảnh: Sina)
Trung Quốc vừa “hạ nhiệt” biển Đông, vừa “nắn gân” Nhật Bản
Theo Đa Chiều, việc chiếm quyền kiểm soát bãi Scarborough năm 2012 đã làm thay đổi “thế bị động của Trung Quốc” trên biển Đông và tạo ra cái mà truyền thông nước này gọi là “mô thức Scarborough”.
Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo ngày 24/6/2014 “tự hào” tuyên bố:
“Mô thức này có thể khái quát sơ bộ là hành động toàn diện có lý, có lợi và có tiết tấu, thay đổi phương thức giải quyết (tranh chấp) chủ yếu bằng kháng nghị ngoại giao trước kia, bắt đầu một cách thức bảo vệ quyền lợi trên biển hoàn toàn mới: Lấy chấp pháp tại hiện trường làm chủ đạo, biện pháp ngoại giao là phụ, biện pháp kinh tế làm bổ trợ và biện pháp quân sự làm hậu thuẫn.”
Sau khi cách thức này cơ bản trở nên hoàn thiện, nó đã được Bắc Kinh vận dụng đối với tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư.
Đa Chiều nhận định, Trung Quốc nhiều khả năng gia tăng số lượng và quy mô các cuộc tập trận trên biển Hoa Đông, giống như những gì nước này từng làm ở biển Đông.
Mới đây nhất, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở biển Hoa Đông từ 1/8 với sự tham gia của hàng trăm tàu từ 3 hạm đội, gồm các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và lực lượng phòng thủ bờ biển.
Cuộc tập trận được báo chí Trung Quốc bình luận là có quy mô tương đương với hoạt động tập trận trái phép mà nước này tổ chức ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hồi giữa tháng 7, ngay trước phán quyết PCA.
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida (trái) triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa ngày 9/8 để tỏ thái độ về các hành động gần đây của Bắc Kinh. (Ảnh: Kyodo)
Trong nửa đầu năm 2016, tình hình ở bãi cạn Scarborough là một trong những “ranh giới” mà Mỹ áp đặt và gây sức ép lên Trung Quốc, cụ thể là ngăn cản Bắc Kinh khởi động kế hoạch xây đảo nhân tạo ở đây, trong khi Trung Quốc duy trì thái độ “giằng co”.
Việc chính phủ Trung Quốc gia tăng hành động cứng rắn ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được cho là phản ứng đáp trả và kiềm chế vai trò của Tokyo trong vấn đề biển Đông.
Trước và sau phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7, Nhật đã thể hiện tiếng nói tích cực trong việc kêu gọi G7, ASEAN cùng các lãnh đạo Âu Á lên tiếng, cũng như yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối hành động quân sự hóa và đe dọa tự do hàng hải trên biển Đông.
So với tình hình phức tạp mà Trung Quốc bị cô lập ở biển Đông, nước này có nhiều cơ hội hơn trong vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Chuyển dịch sự quan tâm của dư luận quốc tế tới biển Hoa Đông, khơi mào xung đột Trung-Nhật là hành động tất yếu để Bắc Kinh “hạ nhiệt” biển Đông và đả kích Tokyo. Nước này tin rằng Nhật “cần trả giá” cho những nỗ lực mà Bắc Kinh chỉ trích là “chống Trung Quốc” liên quan đến vấn đề biển Đông.
Theo Đa Chiều, sự gia tăng lực lượng tàu hải cảnh và hoạt động tập trận của Trung Quốc ở biển Hoa Đông khiến Nhật cảm nhận rõ mối đe dọa nhưng khó có biện pháp đối phó hiệu quả, trong khi nước này vẫn gặp rào cản về quyền phòng vệ tập thể theo Hiến pháp sau Thế chiến II.
Đồng thời, mối đe dọa từ lực lượng chấp pháp của Trung Quốc cũng không cho Mỹ đủ lý do can thiệp, bất chấp Mỹ-Nhật có hiệp ước bảo vệ an ninh.