Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnSóng gió biển Đông sau phán quyết của Tòa án quốc tế

Sóng gió biển Đông sau phán quyết của Tòa án quốc tế

Ngày 1-8-2016, lần đầu tiên, ông chủ Nhà Trắng Obama đã lên tiếng đối với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục chiêu trò “gia ân và thị uy”, tức là một mặt, ca ngợi Camphuchia, mặt khác tuyên bố tập trận chung với Nga trên Biển Đông…

Tàu chiến Trung Quốc nã pháo trong một cuộc tập trận chung với Nga ở biển Hoàng Hải

Theo giới quan sát, những phát biểu gần đây của Tổng thống Obama về Biển Đông sau phán quyết Tòa trọng tài hôm 12-7 thể hiện rõ chính sách “ngoại giaothầm lặng” của Nhà Trắng. Về mặt dư luận, tuy Trung Quốc vẫn công khai chống lại phán quyết trọng tài bằng con đường tuyên truyền, báo chí, nhưng như có thể nhận thấy hoạt động tuyên truyền này chủ yếu nhằm vào dư luận trong nước, làm cho người dân Trung Quốc hiểu rằng Bắc Kinh quyết không nhân nhượng trong những vấn đề họ tự coi là “lợi ích quốc gia cốt lõi”. Còn trên thực tế ít có khả năng Trung Quốc phiêu lưu, manh động thực hiện các động thái leo thang như tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn Biển Đông, hoặc xây đảo nhân tạo ở Scarborough, trong lúc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. Sự kiềm chế này có thể là kết quả trực tiếp từ chiến dịch “ngoại giao thầm lặng” của chính quyền Obama. Tuy nhiên, xu hướng hòa hoãn này trên Biển Đông kéo dài được bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là quan hệ Trung – Mỹ.

Ngay từ tháng 4-2016, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken xác định Trung Quốc sẽ bị “tổn thất khủng khiếp” về uy tín, nếu phớt lờ phán quyết của Tòa. Philippines, nước kiện Trung Quốc, cũng cho là Bắc Kinh có nguy cơ lâm vào tình thế “đứng ngoài vòng pháp luật”. Thế nhưng, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, hầu hết các nước, kể cả Hoa Kỳ không còn lên tiếng mạnh mẽ như thời điểm trước phán quyết nữa. Philippines là bên thắng kiện cũng nằm trong số này. Việt Nam cũng đang “nghiên cứu” bản án lịch sử 12-7 từ La Haye.

Trong khi đó, chính quyền Phnom Penh (tuy được Trung Quốc tuyên dương là “đúng đắn và trung thực”) vẫn bị dư luận quốc tế phê phán là đã có thái độ không thẳng thắn, vì cản trở việc đưa ra một thông cáo chung của khu vực về phán quyết nói trên. Đấy là lời bộc bạch của chính Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn trước giới báo chí ngày 29/7/2016. Theo tường thuật của tờ Cambodia Daily, phát biểu trong họp báo, ngoại trưởng Sokhonn cho hay, một số truyền thông và giới ngoại giao quốc tế đã nhầm lẫn và trách cứ Campuchia đã cản trở việc đưa phán quyết của Tòa PCA về Biển Đông vào trong bản thông cáo chung của khối ASEAN ngày 25-7 vừa qua. Ông Sokhonn thanh minh: “Tôi không muốn nói về những chuyện nội bộ của ASEAN, nhưng Campuchia đã phải chịu quá nhiều bất công. Người ta cáo buộc chúng tôi đã gây ra cản trở,bởi vì các nước có ý đồ riêng, nhưng Campuchia cũng cần bảo vệ những lợi ích của mình chứ!”.

Theo giới chuyên môn, phán quyết của PCA sẽ giúp nhận diện cuộc đấu tranh sắp tới về Biển Đông một cách minh bạch hơn, vì đã soi sáng các vấn đề pháp lý đối với cuộc tranh chấp với nhiều nội dung then chốt. Trong đó, đáng lưu ý là nội dung “đường chín đoạn” không có cơ sở nền tảng và Trung Quốc đã bị tước mất cơ sở pháp lý để tuyên bố “các quyền lịch sử” trên biển. Phán quyết còn khẳng định không một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa đủ điều kiện được hưởng quy chế thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), để có thể tạo ra vùng biển lên đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Với những nội dung then chốt như vậy, có thể thấy phán quyết đã làm giảm đi đáng kể diện tích vùng biển tranh chấp, từ hơn 80% trước đây xuống còn dưới 20% hiện nay.

Tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết này, về mặt pháp lý, hiện chỉ còn tồn tại xung quanh bán kính 12 hải lý của một số thực thể, cùng với các khu vực chồng lấn EEZ của các nước ven biển. Bằng cách làm rõ tình trạng pháp lý của hầu hết các vùng trên Biển Đông, phán quyết đã soi rọi hành động của các nước liên quan. Với “ngọn đèn pha” pháp lý này, PCA đã chứng tỏ rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo là sự vi phạm UNCLOS 1982. Việc Trung Quốc chiếm hữu một số đảo trên Biển Đông hiện nay là hoàn toàn bất hợp pháp.

Sau chiến thắng chính trị ngoại giao quan trọng từ phán quyết của PCA, “sự xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh vẫn tiếp tục, với sự chuyển dịch các cụm hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tên lửa hiện đại. Sự hiện diện về quân sự như các diễn tập định kỳ, phối hợp huấn luyện, thăm viếng hữu nghị các hải cảng trong vùng, sẽ có ý nghĩa răn đe nhất định đối với các thế lực hiếu chiến ở Trung Nam Hải. Có thể nói lúc này, tuy tình hình vẫn chưa hết căng thẳng, nhưng Trung Quốc hẳn sẽ phải biết người, biết ta. Bắc Kinh chưa thể liều lĩnh lao ngay vào một cuộc chiến tranh cục bộ trên Biển Đông. Không phải do Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách, mà chủ yếu là do so sánh thế và lực quân sự, so sánh tương quan chính trị – ngoại giao trong khu vực, Trung Quốc luôn ở thế bất lợi trong tập hợp lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Điều quan trọng hơn nữa là Trung Quốc đang vướng mắc những vấn đề nội bộ căng thẳng. Kinh tế khủng hoảng, quỹ dự trữ ngoại hối giảm nhanh, đồng tiền mất giá. Đã thế Hong Kong và Đài Loan đang trở nên hai vấn đề chính trị gây mất ổn định, phương châm “một nước hai chế độ” bị thử thách nghiêm trọng theo hướng ly khai. Tập Cận Bình lại chưa kết thúc nổi cuộc “đả hổ diệt ruồi”, do đó, nếu tiến hành ngay một cuộc thử sức quân sự thì hậu quả sẽ khôn lường.

Mặc dù Tòa Trọng tài Thường trực La Haye chỉ tuyên bố phán quyết đối với “các bên trong cuộc” là Philippines (nguyên đơn) và Trung Quốc (bị đơn), nhưng nội dung phán quyết cũng có ý nghĩa chung đối với những quốc gia khác tại Biển Đông. Với sự minh định của phán quyết, không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh không còn cơ sở tuyên bố bãi cạn James Shoal (nằm dưới mực nước biển 22 m và cách bờ biển Malaysia 43 hải lý) là điểm cực Nam của Trung Quốc. Lập luận này cũng được áp dụng tương tự để giải thích cho nhiều cấu trúc chìm khác trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc kêu gọi đấu thầu đối với chín lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam vào năm 2012, cũng như việc Trung Quốc hàng năm tuyên bố cấm đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam, cũng sẽ bị Tòa Trọng tài tuyên vi phạm luật quốc tế, nếu Việt Nam khởi kiện. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã thay đổi thế cờ, hoặc là đứng về phía luật pháp quốc tế, hoặc đứng vào vị trí chống lại luật pháp quốc tế.

Cuộc chiến trên Biển Đông, vì thế, còn rất gay cấn!

RELATED ARTICLES

Tin mới