Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThời báo Hoàn cầu “tự vả vào mặt mình”

Thời báo Hoàn cầu “tự vả vào mặt mình”

Thời báo Hoàn cầu chẳng khác gì kẻ đang“tự vả vào mặt mình” khi vừa đem “mồi nhử” kinh tế để kêu gọi Ấn Độ im lặng về Biển Đông, vừa lên giọng tỏ vẻ không cần đến sự ủng hộ của New Delhi trong vấn đề này.

Trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ ngày 12-14/8, Thời báo Hoàn cầu – một trong những cơ quan thông tấn nhà nước của Bắc Kinh đã lên tiếng công khai kêu gọi Ấn Độ cân nhắc có nên “xía” vào vấn đề Biển Đông hay không. Tờ báo nổi tiếng với quan điểm diều hâu còn gợi ý một số lợi ích kinh tế mà New Delhi có thể được hưởng từ Trung Quốc nếu chịu nghe theo Bắc Kinh.

Tờ báo viết:

“Ấn Độ có thể muốn tránh rắc rối không cần thiết với Trung Quốc trong các cuộc tranh luận về vấn đề Biển Đông khi Ngoại trưởng Vương Nghị sang thăm, nếu nước này muốn tạo ra một bầu không khí tốt đẹp cho hợp tác kinh tế, trong đó sẽ bao gồm việc giảm thuế cho các sản phẩm của Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc”.

“Qua các cuộc đàm phán, Ấn Độ chỉ cho phép giảm thuế vừa phải trên các sản phẩm “made in China” (có xuất xứ từ Trung Quốc), để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Nếu Ấn Độ muốn Trung Quốc hào phóng hơn trong việc cắt giảm thuế quan với họ, thì sẽ là không khôn ngoan nếu quốc gia này để mối quan hệ với Trung Quốc xấu đi hơn nữa tại thời điểm này”.

Thời báo Hoàn cầu lấy làm “khó hiểu” khi mà Ấn Độ đang tập trung vào vấn đề Biển Đông tại thời điểm này – một động thái mà nó nói là có thể có nguy cơ “gây tác dụng phụ không cần thiết” đến quan hệ song phương. Tờ báo cho rằng, việc này có khả năng gây trở ngại cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang hi vọng tăng sự hiện diện của họ ở Trung Quốc – thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới.

Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng trong những tháng gần đây do một loạt sự cố chính trị.

“Xét thấy Ấn Độ không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, vậy có đáng để vấn đề Biển Đông trở thành yếu tố ảnh hưởng đến sự hợp tác của Ấn Độ với Trung Quốc hay không? Ấn Độ nên cân nhắc kĩ điều này”, tờ báo lên giọng khuyên răn New Delhi.

Tha thiết mong Ấn Độ im lặng về Biển Đông đến nỗi phải đưa ra những gợi ý về lợi ích kinh tế để trao đổi với New Delhi như thế, nhưng Thời báo Hoàn cầu vẫn ngoan cố phủ nhận ý đồ trên bằng giọng “dạy khôn” của kẻ tự cho mình là “ngồi chiếu trên” – một thái độ rất phản cảm trong quan hệ quốc tế.

Tờ báo ra vẻ không cần đến sự ủng hộ của New Delhi khi viết: “Công bằng mà nói, sau khi hàng chục quốc gia (?!) đã bày tỏ ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, thái độ của Ấn Độ đối với vấn đề này có thể không quan trọng như các nước đã tưởng tượng”, kèm theo lời “nhắc nhở”: “Trong khi nhiều người Ấn Độ tập trung vào vấn đề Biển Đông trước chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến nước này, thì lại có ít sự chú ý đến sự sụt giảm xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ đến Trung Quốc thời gian gần đây”.

Tờ báo chốt lại: “Ấn Độ nên chuyển tập trung từ cạnh tranh địa chính trị sang các vấn đề kinh tế để ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa trong xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc”.

Truyền thông Ấn Độ trước đó đã bình luận chuyến thăm của ông Vương Nghị đến nước này là một nỗ lực “vận động hành lang” của Bắc Kinh trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới.

Theo tờ Times of India, do tự biết trước là khó có thể ngăn cản Mỹ, Nhật đưa vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc ra thảo luận tại sự kiện trên, nên Bắc Kinh tìm cách thuyết phục New Delhi không tham gia và không chủ động nêu các vấn đề trên tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Trung Quốc nói đó là một vấn đề cần được giải quyết giữa các bên liên quan và các nước bên ngoài không có vai trò gì trong chuyện này.

RELATED ARTICLES

Tin mới