Nguyên nhân được đưa ra là những lo ngại về an ninh quốc gia nếu cho phép thương vụ này.
Chính phủ Australia tạm cấm các nhà thầu Trung Quốc và Hongkong mua cổ phần Ausgrid, hãng phân phối điện lớn nhất nước này
Australia đã ra quyết định sơ bộ từ chối lời chào mua mạng lưới điện Ausgrid của nước này từ tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành và tập đoàn điện lưới quốc doanh Trung Quốc State Grid of China.
Theo đó, trong một thông báo gửi đến truyền thông ngày 11/8, Bộ trưởng Tài chính Australia – Scott Morrison cho rằng các lời chào mời đầu tư từ nhà thầu Hongkong và Trung Quốc “đi ngược với lợi ích quốc gia”. Do Ausgrid cung cấp dịch vụ cho cả các doanh nghiệp và chính phủ.
Ông cho biết các nhà thầu phải giải quyết được lo ngại này và nộp lại hồ sơ trước hạn chót 18/8.
“Mạng lưới của Ausgrid bao gồm các dịch vụ điện lực và liên lạc quan trọng đối với các doanh nghiệp và Chính phủ”, ông Morrison nói. “Những lo ngại về an ninh quốc gia không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào, mà liên quan tới cấu trúc của giao dịch và bản chất của tài sản được bán”.
Số cổ phần trong Ausgrid được định giá 7,5 tỷ USD. Nó sẽ cho phép nhà đầu tư Hongkong và Trung Quốc giữ cổ phần kiểm soát trong Ausgrid trong 99 năm. Ausgrid hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, do có lợi nhuận cao và ổn định.
Theo hãng tin Bloomberg, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh sự phản đối gia tăng của dư luận Australia đối với việc bán tài sản cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu năm nay, chính Bộ trưởng Morrison cũng đã chặn vụ bán bãi chăn thả gia súc lớn nhất Australia cho một nhóm nhà đầu tư do Trung Quốc dẫn đầu, với lý do thương vụ có thể đi ngược lại lợi ích quốc gia của Australia.
Như vậy, nếu lời chào mua mạng điện Ausgrid từ State Grid of China rốt cục cũng bị khước từ, thì Australia có nguy cơ phải chứng kiến mối quan hệ giảm sút với Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này.
Australia không phải là quốc gia duy nhất lo ngại vấn đề an ninh quốc gia khi để nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã hoãn thông qua dự án xây nhà máy điện hạt nhân có tổng mức đầu tư 24 tỷ USD mà Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc có góp vốn.
Năm ngoái, ông Nick Timothy, tham mưu trưởng và cố vấn lâu năm của bà May, đã viết về dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point như sau:
“Các chuyên gia an ninh, theo ý kiến nhiều người ở cả trong và ngoài chính phủ (Anh), đều lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng vai trò của họ để tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống máy tính, từ đó sẽ cho phép họ có thể đánh sập việc sản xuất năng lượng của Anh bất cứ lúc nào nếu muốn”.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo sự hiện diện của người Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất năng lượng từ hạt nhân ở Anh là điều không tưởng đối với các quốc gia phương Tây. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu vươn vòi thâm nhập “trung tâm an ninh châu Âu” và Anh là bước đệm.
Trước đó, nhiều quốc gia cũng đã quyết định ngưng dự án với Trung Quốc. Chẳng hạn, Công ty XpressWest của Mỹ hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI).
Thái Lan quyết định sẽ tự đầu tư thực hiện dự án đường sắt cao tốc từ Bangkok lên tỉnh Nakhon Ratchasima thay vì vay vốn từ Trung Quốc.
Còn Indonesia vào cuối tháng 1/2016 cũng thông báo tạm dừng thi công dự án đường sắt cao tốc giữa nước này với Trung Quốc.