Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChủ nghĩa tư bản với bản sắc TQ: Cải cách DNNN thông...

Chủ nghĩa tư bản với bản sắc TQ: Cải cách DNNN thông qua trộm cắp

Quá trình tư nhân hóa của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (DNNN) là một quá trình xây dựng hệ thống kinh tế tư bản. Vào cuối năm 1997, thủ tướng Chu Dung Cơ đã khởi động cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chính sách này được gọi là “nắm to bỏ nhỏ”.

“Nắm to” có nghĩa là duy trì sự kiểm soát các DNNN sở hữu tài sản quy mô lớn và những doanh nghiệp liên quan đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực tài chính, năng lượng, điện, viễn thông, vận tải… Sau khi tái cấu trúc, các doanh nghiệp này được cho phép niêm yết trên thị trường chứng khoán, và nó có thể bán một phần cổ phần của mình cho dân chúng Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhà nước vẫn nắm giữ đa số cổ phần – có nghĩa là chính phủ tiếp tục “nắm” các công ty này.

“Bỏ nhỏ” có nghĩa là cho phép tư nhân hóa các DNNN nhỏ và những doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng, làm như thế giải thoát chính phủ khỏi gánh nặng. Xem xét quá trình tư nhân hóa các DNNN vừa và nhỏ là xem xét ai sẽ mua chúng và bằng cách nào. Vào thời đó, lương trung bình hàng tháng của giám đốc và quản lý DNNN chỉ vài trăm nhân dân tệ. Thậm chí giới tinh hoa đỏ và người thân của họ cũng không có tài sản có giá trị tài chính đáng kể.

Cách tiếp cận mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nghĩ tới là chỉ thị quản lý các DNNN vay ngân hàng, và sử dụng DNNN như là tài sản thế chấp để “mua” tài sản nhà nước. Tiếp theo cho phép các quản lý tái đăng ký DNNN bằng tên của họ hay bằng tên của thành viên gia đình. Sau đó, với tư cách là chủ doanh nghiệp, họ sẽ sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để hoàn trả các khoản nợ cá nhân.

Một cách tiếp cận khác là quản lý DNNN buộc người lao động mua một phần của doanh nghiệp. Người lao động phải sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình để mua một phần công ty nhằm giữ việc làm. Nhưng người lao động không được cho phép tham gia vào quá trình chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp. Họ bị buộc phải cung cấp nguồn vốn để quản lý có thể nhận được quyền sở hữu công ty.

Cùng lúc đó, nhà cầm quyền cho phép gia đình của những người có chức vụ dành được cổ phần trong các doanh nghiệp lớn được niêm yết thông qua mạng lưới quan hệ cá nhân của họ. Họ nhận được những cổ phần miễn phí và thu lợi khổng lồ khi giá cổ phiếu gia tăng.

Hai giai đoạn của quá trình tư nhân hóa

Quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc bắt đầu vào nửa sau của năm 1997 và cơ bản hoàn thành vào năm 2009. Vào năm 1996, Trung Quốc có 110.000 DNNN và đến cuối năm 2008 còn lại 9.700 doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân hóa một phần trong đó chính phủ sở hữu đa số cổ phần. Quá trình tư nhân hóa được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, từ năm 1997 đến 2001, là quá trình tư nhân hóa các DNNN vừa và nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp này được tư nhân hóa bởi các giám đốc và quản lý của DNNN.

Tôi đã phân tích 130 vụ việc tư nhân hóa trong 29 tỉnh và tóm tắt vài chiêu thức điển hình và sự ám muội của quá trình này qua công trình nghiên cứu cho luận án tiến sĩ xã hội học của tôi. Cách tiếp cận của họ thường là định giá thấp hơn thực tế tài sản ròng của doanh nghiệp. Các nhà quản lý sau đó mua doanh nghiệp bằng cách sử dụng nguồn vốn của chính doanh nghiệp hay khoản vay từ ngân hàng hoặc khoản vay cá nhân, và đăng ký doanh nghiệp dưới tên của mình hay người thân. Cuối cùng với danh tính chủ sở hữu của doanh nghiệp mới, họ sẽ hoàn trả nguồn vốn vay với thu nhập từ doanh nghiệp. Về cơ bản họ phải bỏ ra rất ít hoặc không mất gì cho những doanh nghiệp này.

A general view of buildings in the abandoned Qingquan Steel plant which closed in 2014 and became one of several so-called ‘zombie factories’ in Tanghsan on Jan. 26, 2016. (Kevin Frayer/Getty Images)

Cảnh tượng chung của các tòa nhà trong nhà máy thép bị bỏ hoang Thanh Tuyền đóng cửa vào năm 2014 và trở thành một trong vài “nhà máy thây ma” tại Đường Sơn, ngày 26 tháng 1 năm 2016.

(Kevin Frayer/Getty Images)

Giai đoạn thứ 2, từ năm 2002 tới năm 2009, là quá trình tư nhân hóa các DNNN lớn và vừa. Cách tiếp cận là niêm yết DNNN sau khi tái cấu trúc, chuyển giao quyền sở hữu quản lý, buộc người lao động mua cổ phần, liên doanh nước ngoài, liên doanh với doanh nghiệp tư nhân. Bởi vì các doanh nghiệp này sở hữu tài sản quy mô lớn, quản lý không thể đủ tài chính để sở hữu toàn bộ chúng. Họ thường xuyên sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp để mua cổ phần và chia chác cổ phần cho cán bộ quản lý, cũng như là các quan chức và người thân đã thông qua việc niêm yết, hình thành một nhóm có chung lợi ích. Các cán bộ DNNN và quan chức chính phủ trở thành ông chủ, tổng quản lý hay thành viên hội đồng quản trị của các DNNN lớn và vừa được niêm yết mà không mất chút chi phí nào của bản thân họ, và họ trở nên giàu có.

Theo dữ liệu từ hai cuộc điều tra mẫu cấp quốc gia, khoảng 50-60% các doanh nghiệp tư nhân hóa hay bán tư nhân hóa được sở hữu bởi đội ngũ quản lý doanh nghiệp. Xấp xỉ 25% người mua là các nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp; ít hơn 2% cổ phần được sở hữu bởi đầu tư nước ngoài; và ít hơn 10% doanh nghiệp đồng sở hữu bởi quản lý và người lao động. Quản lý không cho phép cổ đông là người lao động tham gia vào quản lý tài sản và chuyển nhượng.

Kiểu tư nhân hóa này tương đương với việc người lao động trả tiền cho quản lý sở hữu các doanh nghiệp. Cải cách DNNN này có thể được gọi là ăn cướp công khai và chia chác tài sản giữa đội ngũ quản lý công ty, quan chức địa phương và con cháu của quan chức. Trong mọi trường hợp, chính quyền không thể biện minh một cách hợp lý cho kiểu hành vi cướp bóc này. Tiết lộ thông tin công khai sẽ gây ra phẫn nộ trong công chúng. Do đó, chính phủ không cho phép truyền thông quốc nội thảo luận về tư nhân hóa và các học giả Trung Quốc không được cho phép nghiên cứu quá trình tư nhân hóa.

Phúc lợi công cộng của người lao động giảm xuống

Từ năm 1998 tới năm 2003, khi tầng lớp tinh hoa đỏ chiếm dụng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên diện rộng thông qua quá trình tư nhân hóa, chính quyền đã cố ý đóng cửa Cục Quản lý Công sản trong 6 năm suốt giai đoạn đỉnh điểm quan trọng của quá trình tư nhân hóa, nhằm thuận tiện cho tầng lớp tinh hoa đỏ. Mặc dù vào năm 2003 Cục này đã được khôi phục, nó hiếm khi điều tra việc chiếm dụng tài sản công.

Giữa những năm 1997 và 2005, xung đột lao động quy mô lớn diễn ra khắp Trung Quốc châm ngòi bởi sự chiếm dụng tài sản công liên quan đến quá trình tư nhân hóa. Chính phủ về cơ bản đứng về phía quản lý bởi vì các quan chức cũng hưởng lợi từ tư nhân hóa. Quá trình tư nhân hóa tại Trung Quốc đã làm sụp đổ hệ thống phúc lợi ban đầu dựa trên DNNN. Rất nhiều công ty trả cho người lao động một ít tiền và đuổi họ đi. Vào thời kỳ đó, ĐCSTQ sử dụng tuyên truyền rằng cho người lao động nghỉ việc là một sự hy sinh cần thiết của đổi mới. Chính phủ không muốn xây dựng một hệ thống trợ cấp thất nghiệp thống nhất cho những người lao động này và quẳng vấn đề cho đội ngũ quản lý. Nếu người đứng đầu công ty không muốn chi trả, chính phủ sẽ không can thiệp. Do đó ĐCS Trung Quốc vô liêm sỉ trốn tránh trách nhiệm cung cấp trợ cấp xã hội cho người lao động.

Demolition workers take a rest after cleaning up an abandoned building at the Shougang Capital Iron and Steel Plant in Beijing on May 28, 2015. (Greg Baker/AFP/Getty Images)

Công nhân phá dỡ nghỉ ngơi sau khi dọn dẹp một tòa nhà bị bỏ hoang tại nhà máy gang thép thuộc tập đoàn Thủ Cương tại Bắc Kinh ngày 28 tháng 5 năm 2015. (Greg Baker/AFP/Getty Images)

Ngược lại, trong quá trình tư nhân hóa của Nga, hệ thống phúc lợi xã hội vẫn được duy trì, và một vài người lao động thất nghiệp có thể nhận được trợ cấp xã hội dù ít ỏi. Chính phủ Nga chưa từng áp dụng chính sách sa thải cưỡng bức và sử dụng các ưu đãi thuế để khuyến khích các công ty giữ chân người lao động. Người lao động sở hữu khoảng 40% các doanh nghiệp được tư nhân hóa.

So sánh với quá trình tư nhân hóa của các nước Trung Âu và Nga, những gì diễn ra ở Trung Quốc là bất công và tàn nhẫn nhất. Rõ ràng tái cấu trúc nền kinh tế dưới một chế độ độc tài có thể bất chấp công bằng xã hội mà không sợ hãi áp lực từ cử tri. Đối với tầng lớp tinh hoa, mô hình này tất nhiên mang lại sự thèm muốn, nhưng cảm xúc của công chúng thì có thể là ngược lại.

Một vài học giả phương Tây có quan niệm rằng chế độ độc tài cộng sản đã làm tốt trong việc tái cấu trúc và phát triển kinh tế, bởi vì họ đã có thể vượt qua kháng cự từ người dân, và Trung Quốc thường được viện dẫn như là hình mẫu tốt nhất của họ. Tuy nhiên, quá trình tư nhân hóa ở Trung Quốc chứng tỏ rằng một chính phủ độc tài có xu hướng phớt lờ công bằng xã hội, tước đi quyền và lợi ích của người dân, và dàn xếp dựa trên lợi ích của tầng lớp tinh hoa thống trị.

Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế của Trung Quốc tại New Jersey. Ông tốt nghiệp Đại học Nhân Dân – nơi ông lấy được bằng thạc sĩ kinh tế học, và Đại học Princeton – nơi ông lấy bằng tiến sĩ ngành xã hội học. Ở Trung Quốc, ông Trình là một nhà nghiên cứu chính sách và trợ lý của cựu Lãnh đạo Đảng Triệu Tử Dương, khi ông Triệu là thủ tướng. Ông Trình từng là học giả thỉnh giảng tại Đại học Gottingen và Princeton, và ông từng là tổng biên tập của tạp chí nghiên cứu Trung Quốc hiện đại. Các bài bình luận và chuyên mục của ông thường xuyên xuất hiện trên truyền thông tiếng Hoa hải ngoại.

RELATED ARTICLES

Tin mới