Tạo ra các cuộc xung đột thường xuyên ở các khu vực xen kẽ nhau mà không để dẫn đến chiến tranh, là chiến lược mang lại lợi ích lớn nhất cho Trung Quốc.
Trung Quốc có thói quen “chuyển dịch” căng thẳng giữa biển Đông hoặc biển Hoa Đông để “hạ nhiệt” giữa 2 khu vực. (Ảnh: Xinhua)
Vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã liên tiếp phản ứng mạnh mẽ liên quan đến các hoạt động củaTrung Quốc ở khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Tokyo cũng khẳng định Trung Quốc vừa mới lắp đặt một hệ thống radar trên một trong những giàn khoan dầu ở ngoài khơi biển Hoa Đông.
Nếu thông tin trên là xác thực, các radar này hoàn toàn có thể được dùng vào mục đích quân sự như ở biển Đông, nơi các cơ sở hạ tầng trái phép được Trung Quốc tuyên truyền là phục vụ mục đích dân sự nhưng đang dần được quân sự hóa một cách phi pháp.
Lý thuyết nhiều mặt trận
Vậy liệu Trung Quốc có thực sự khôn ngoan hay không, khi mà liên tiếp phát động các cuộc khủng hoảng trên cả hai mặt trận – biển Đông và biển Hoa Đông, nếu tính cả eo biển Đài Loanvà xung đột biên giới với Ấn Độ thì sẽ là bốn mặt trận.
Chuyên gia J. Michael Cole thuộc Viện chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham bình luận trong bài phân tích trên tạp chí National Interest (Mỹ), cho rằng không có điều gì là bất hợp lý về hành động của Trung Quốc.
Điều đó đã được tính toán rất lỹ lưỡng, chính xác và luôn nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo rằng Bắc Kinh luôn giành được lợi ích cao nhất về phía mình.
Mặc dù những hành động gần đây trên biển Đông và biển Hoa Đông đã làm cho các nước trong khu vực cảnh giác hơn và đang dần có xu hướng hình thành một liên minh chống lại Bắc Kinh, Trung Quốc dường như đã tính toán rất kỹ lưỡng các hành động của mình để không xảy ra xung đột quân sự với các bên liên quan hoặc buộc quân đội Mỹ can thiệp dưới danh nghĩa các cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Việc quân sự hóa cùng tuyên bố chủ quyền (phi pháp) của Trung Quốc trên biển Đông đã góp phần dẫn đến kết quả của phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7, nhưng phán quyết của rất khó làm thay đổi lập trường của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, có một sự thật là, phản ứng mạnh mẽ từ khu vực và quốc tế về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc dường như đã có tác động phần nào đến cách tiếp cận của Bắc Kinh với chủ nghĩa bành trướng, cả yếu tố bên trong nội bộ cũng như từ bên ngoài.
Đầu tiên là củng cố một tư tường mà chính phủ Trung Quốc đã dày công truyền bá trong nước, đó là “nước ngoài luôn tìm mọi cách kiềm chế” và “Trung Quốc là nạn nhân”.
Ở đây, lợi thế của chiến lược hai mặt trận đã trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn.
Để duy trì tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Đại Hán vốn là chỗ dựa vững chắc cho giới lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh phải chứng minh chính quyền kiểm soát được mọi cuộc xung đột tiềm tàng.
Điều này có nghĩa rằng mọi cuộc khủng hoảng phải được kiểm soát nhằm không để leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang, kết quả vốn không có lợi gì cho lợi ích Trung Quốc.
Nhưng ít nhất ở vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc sẽ không thể xuống thang trong tình hình này, bởi vì nếu làm như vậy, sẽ làm cho các nhà lãnh đạo mất uy tín nghiêm trọng với dư luận trong nước.
Ban lãnh đạo Trung Quốc có lẽ nhận thức rất rõ rằng gây chiến trên cả hai mặt trận cùng một lúc sẽ là một lựa chọn tồi tệ ngay cả với những đội quân thiện chiến, tinh nhuệ nhất.
Do đó, sự lựa chọn khôn ngoan hiện tại nhằm tránh một cuộc chiến tranh toàn diện đó là chiến lược tạo ra xung đột lâu dài. Học giả Cole gọi đây là chiến thuật “thiên tài”.
Với hai (hay bốn) mặt trận khác nhau có thể bị khuấy động vào bất cứ lúc nào mình muốn, chính quyền Bắc Kinh đã đảm bảo rằng họ có thể thỏa mãn tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng nhanh bằng cách cho thấy chính phủ sẽ không rút lui, bất chấp “tất cả các thế lực bên ngoài” đang liên kết để chống lại Trung Quốc.
Bắc Kinh đã luân phiên làm gia tăng căng thẳng giữa biển Đông và biển Hoa Đông.
Khi cảm thấy hành động của mình bị các nước phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh tạm thời rút lui nhưng lại tiếp tục các hành động khiêu khích ở một mặt trận khác.
Sự dao động này, vốn đã diễn ra liên tục trong vài năm qua, có thể giải thích lý do tại sao các vụ tàu Trung Quốc tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mới đây được Tokyo đánh giá là có quy mô lớn hơn những lần trước, và tại sao Nhật Bản lại nói quan hệ Nhật-Trung đang xấu đi nhanh chóng.
Phán quyết của PCA đã không thể buộc Bắc Kinh từ bỏ tham vọng bành trướng cuả mình và trở thành một thành viên có trách nhiệm.
Thay vào đó, nó chỉ báo hiệu Bắc Kinh sẽ chuyển dịch các hành động khiêu khích của mình quay trở lại vùng biển Hoa Đông, nơi có lẽ sẽ tiếp tục chứng kiến các hành động làm gia tăng căng thẳng trong thời gian tới.
Hiếm khi nào Trung Quốc dám đánh cược con bài của mình ở hai nơi cùng lúc.
Bắc Kinh lùi một bước, tiến hai bước
Theo J. Michael Cole, nhân tố thứ hai liên quan đến yếu tố bên ngoài của chiến lược đa mặt trận của Trung Quốc bắt nguồn từ tư tưởng thẩm thấu và thay đổi dần dần.
Bằng cách luân phiên giữa hai (hay bốn) mặt trận cho đến khi đạt đến điểm giới hạn đỏ – là lúc những hành động khiêu khích của Trung Quốc có khả năng bị đáp trả quyết liệt từ nước khác (như một cuộc can thiệp vũ trang), Bắc Kinh khi đó coi như đã thành công trong việc cố tình khiêu khích nước khác để lộ sơ hở, như nổ súng trước vào quân Trung Quốc.
Việc này nếu xảy ra sẽ tạo ra thời cơ và là cái cớ cho Trung Quốc hành động quân sự.
Ông Cole nhận xét chiến lược bành trướng của Trung Quốc “khôn ngoan” và đã được tiến hành một cách thận trọng.
Bằng cách tung hứng bốn “mặt trận”, Trung Quốc đảm bảo được rằng mình luôn giành được lợi ích dù là rất nhỏ ở một nơi nào đó, ngay cả khi nước này phải hứng chịu đòn giáng mạnh từ phán quyết của PCA.
Miễn là giành được lợi ích xét trong tổng thể, chiến lược tạo ra xung đột lâu dài của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy tác dụng.
Cơ hội sẽ tăng lên theo thời gian, khi sơ hở của đối phương xuất hiện và Trung Quốc sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho tới thời khắc đấy.
Trung Quốc dường như đã tiên liệu kỹ lưỡng trong mọi hành động của mình nhằm tránh để nổ ra một cuộc xung đột vũ trang toàn diện. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) chắc chắn sẽ hứng chịu một kết quả thảm hại nếu như đụng độ trực tiếp với một liên minh khu vực do Mỹ đứng đầu.
Tuy nhiên kịch bản đó rất khó xảy ra, Trung Quốc có lẽ sẽ không dễ bị đánh lừa, và giới lãnh đạo nước này nhận thức được rằng họ không thể giải quyết tất cả các cuộc tranh chấp lãnh thổ với phần thắng luôn nghiêng về mình, ít nhất là trong trường hợp không sử dụng vũ lực.
Vì vậy, mặc dù tuyên bố là không từ bỏ tham vọng lãnh thổ và sẽ theo đuổi “các giá trị cốt lõi”, Bắc Kinh biết rằng họ không thể giành ưu thế trong một cuộc xung đột toàn diện trước tất cả các đối thủ của mình ở biển Đông và biển Hoa Đông, cả Đài Loan và Ấn Độ, đặc biệt là trong thời điểm Mỹ tái cam kết giữ ổn định khu vực như hiện nay.
Do đó, theo J. Michael Cole, trong hiện tại và cho đến lúc xuất hiện các điệu kiện thuận lợi hơn, chiến lược tạo ra các cuộc xung đột lâu dài, thường xuyên ở xen kẽ các khu vực khác nhau mà không để xảy ra chiến tranh, sẽ là nước cờ mang lại nhiều lợi ích nhất cho Trung Quốc.