Thursday, December 19, 2024
Trang chủĐàm luận“Giấc mơ Trung Hoa”, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình...

“Giấc mơ Trung Hoa”, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình (Kỳ II)

Mao Trạch Đông chủ trương đấu tranh vũ trang với Tưởng Giới Thạch sau khi Tưởng quay sang đàn áp Đảng Cộng sản, nhưng ông không được Trần Độc Tú chấp nhận và Mao Trạch Đông bị thất sủng. 

 Mao Trạch Đông khi là Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Bài I- Mao Trạch Đông – gia đình và dòng họ (Tiếp theo)

Mao Trạch Đông lúc còn là một học sinh 18 tuổi thì Cách mạng Tân Hợi (1911) bùng nổ, triều nhà Thanh bị lật đổ, những người lãnh đạo Cách mạng Trung Quốc tuyên bố thành lập chế độ cộng hòa nhưng không thành lập được một chính phủ thống nhất và vững vàng, dẫn đến cuộc nội chiến trong một thời gian dài. Mao Trạch Đông phục vụ trong quân đội tỉnh Hồ Nam, sau đó trở về trường học. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam vào năm 1918, Mao cùng với giáo sư Dương Xương Tế, người thầy học và là cha vợ tương lai, lên Bắc Kinh.

Giáo sư Dương nhận một chân giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh và giới thiệu Mao Trạch Đông làm nhân viên thư viện của trường đại học (thư viện do Lý Đại Chiêu phụ trách). Đồng thời Mao học tại chức tại Đại học Bắc Kinh, nghe nhiều học giả hàng đầu như Trần Độc Tú, Hồ Thích và Tiền Huyền Đồng giảng bài. Sau này Mao kết hôn với Dương Khai Tuệ, con gái giáo sư Dương và cũng là sinh viên Đại học Bắc Kinh. Sau phong trào Ngũ Tứ, ngày 4 tháng 5 năm 1919, Mao về Hồ Nam tổ chức đoàn thanh niên, ra hai tờ báo tuyên truyền cách mạng làTương Giang bình luận và Tân Hồ Nam. Hai tờ báo này bị đóng cửa và Mao bị trục xuất khỏi Hồ Nam. Năm 1920, Mao đã tham gia tiểu tổ cộng sản ở Hồ Nam.

Mao Trạch Đông đã tham gia Đại hội lần thứ nhất thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Thượng Hải ngày 23 tháng 7 năm 1921. Hai năm sau, tại Đại hội lần thứ ba (1923), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm 5 người. Tháng 1 năm 1924, theo chủ trương Quốc – Cộng hợp tác, Mao Trạch Đông tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc dân Đảng họp ở Quảng Châu và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng.

Sau đó ông lên đường đi Thượng Hải làm việc tại cơ quan Ban chấp hành Quốc dân Đảng, rồi sang năm sau lại về Quảng Châu làm quyền trưởng Ban tuyên truyền của Quốc dân Đảng, rồi kiêm thêm một chân trong Ủy ban vận động nông dân của đảng này. Lúc này ông đã bị Trần Độc Tú đẩy ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản tại Đại hội 4 họp vắng mặt ông vào tháng 1 năm 1925. Tại Đại hội lần thứ hai Quốc dân Đảng (tháng 1 năm 1926), ông lại được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng và làm quyền Trưởng ban Tuyên truyền đến tháng 5 năm 1926.

Mao Trạch Đông chủ trương đấu tranh vũ trang với Tưởng Giới Thạch sau khi Tưởng quay sang đàn áp Đảng Cộng sản, nhưng ông không được Trần Độc Tú chấp nhận và Mao Trạch Đông bị thất sủng. Ông bèn lui về quê ở Hồ Nam cho ra đời Báo cáo khảo sát phong trào nông dân Hồ Nam, tác phẩm quan trọng đầu tiên của chủ nghĩa Mao.

Mao thoát được bạch sắc khủng bố vào năm 1927 và lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Vụ gặt Mùa thu ở Trường Sa, Hồ Nam nhưng thất bại. Ông thu thập tàn quân du kích chưa đầy 1.000 người tìm nơi ẩn náu ở vùng núi Tỉnh Cương Sơn, nơi giáp giới giữa hai tỉnh Hồ Nam và Giang Tây. Năm 1928 đội quân này hợp nhất với quân của Chu Đức, lập ra Quân đoàn 4 công nông, do Chu Đức làm Quân đoàn trưởng. Mao đã góp phần xây dựng căn cứ, chính quyền và một quân đội tiến hành chiến tranh du kích có hiệu quả, thực hiện cải cách ruộng đất. Chính tại nơi đây từ 1931 đến 1934, nhà nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa được lập ra và Mao được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Trung ương lâm thời. Vào thời kỳ này, Mao kết hôn với Hạ Tử Trân, sau khi Dương Khai Tuệ bị lực lượng Quốc dân Đảng giết chết.

Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản chạy trốn sự khủng bố bởi các chiến dịch bao vây càn quét của Tưởng Giới Thạch ở các thành phố lớn, chủ yếu là Thượng Hải nên chạy dạt về trú ngụ ở khu Xô-viết. Nội bộ Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản diễn ra cuộc tranh giành quyền lực, đấu tranh về đường lối và chiến thuật. Phe theo đường lối chính thống của Moskva, mà đại diện là nhóm 28 người Bolshevik, đã thắng thế và Mao dần dần bị gạt ra khỏi các chức vụ quan trọng.

Tưởng Giới Thạch với quyết tâm tiêu diệt bằng được những người cộng sản, tháng 10 năm 1934, đã trực tiếp chỉ huy 50 vạn quân bao vây tấn công khu Xô-viết trung ương, buộc Hồng quân phải mở đường máu rời bỏ nơi đây, tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh cực kỳ gian khổ, vượt 9.600 km trong suốt một năm trời để đến tỉnh Thiểm Tây xây dựng căn cứ mới.

Mao Trạch Đông trên đường trường chinh đã bước lên nắm quyền lãnh đạo từ Hội nghị Tuân Nghĩa họp vào tháng 1 năm 1935. Tại hội nghị này, Chu Ân Lai ngả về phía Mao, Tổng Bí thư Bác Cổ và cố vấn quân sự Otto Braun (tên Trung Quốc là Lý Đức) bị hạ bệ, Mao vào Ban thường vụ Bộ Chính trị, nắm thực quyền và năm 1943 được bầu làm Chủ tịch Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mao Trạch Đông từ căn cứ mới ở Diên An, đã lãnh đạo những người cộng sản tiến hành cuộc kháng chiến chống Nhật (1937–1945) thông qua hợp tác Quốc–Cộng lần thứ hai. Tại đây, Mao đã củng cố quyền lực trong Đảng Cộng sản bằng cách mở cuộc vận động chỉnh phong. Tại Đại hội lần thứ 7 của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Diên An tháng 6 năm 1945, Mao được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cũng tại Diên An, Mao ly thân với Hạ Tử Trân và lấy Lam Bình, một diễn viên mới tới Diên An mà sau này khuynh đảo chính trường Trung Quốc với tên gọi làGiang Thanh.

Ngay sau khiChiến tranh Trung-Nhật kết thúc, nội chiến đã diễn ra giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, kết thúc bằng thắng lợi của Đảng Cộng sản vào năm 1949.

Mao Trạch Đông thuộc phái tả kiên định, năm 1920, Mao trở thành người Mác xít. Năm 1921, là một trong 21 người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng mãi đến năm 1935, Mao mới trở thành người lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc sau hai lần thất bại vào năm 1927 và 1934, nhưng cuối cùng cũng vượt qua được nhờ Mao Trạch Đông lên nắm quyền lãnh đạo Đảng, lực lượng của Đảng dần được củng cố mạnh lên. Đến năm 1947, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc tấn công toàn diện vào Chính phủ Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu.

Qua hai năm rưỡi đánh nhau, bằng ba đại chiến dịch “Liêu Thẩm” “Bình Tân” và “Hoài Hải”, Mao Trạch Đông đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chính quyền năm 1949 và giải phóng toàn bộ đại lục Trung Quốc; Mao Trạch Đông làm Chủ tịch chính phủ nhân dân trung ương , Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai làm Phó Chủ tịch, trong đó Chu Ân Lai kiêm nhiệm Thủ tướng Quốc vụ viện.

Mao Trạch Đông từ năm 1949 đến 1976, trong suốt 27 năm, ông luôn là nhân vật quan trọng nhất trong Chính quyền Trung ương Trung Quốc, đã kiên trì thực hiện công cuộc cải cách vĩ đại mang ý nghĩa sâu xa trên toàn đất nước, nhưng ông đồng thời cũng bắt nhân dân phải trả giá đau đớn. Mao phải chịu trách nhiệm chính về phong trào “trăm hoa đua nở” năm 1957 bắt hữu phái, tát cạn trí thức tinh anh;  phong trào “giương cao ba ngọn cờ hồng” năm 1958 “đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân” điển hình là “Đại nhảy vọt kinh tế”: ” toàn dân xây dựng công xã nhân dân, xây dựng nhà ăn công cộng” “toàn dân luyện gang thép” thiệt hại lớn, đất nước lâm vào đói kém, do “ba phần thiên tai, bảy phần nhân họa” mà không chỉ là “chính sách sai lệch, Liên Xô đòi nợ, thiên tai hoành hành”.

Năm 1959, tại Lư Sơn, ông giương cao cờ chống hữu, đấu thắng Bành Đức Hoài, tẩy sạch những ai dám nói. Diệu kế của Mao là khi cảm nhận được ba ngọn cờ hồng sẽ gây ra tai họa, ông nhường bớt quyền bính giao tuyến 1 cho Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đảm nhận với cương vị là Chủ tịch Nước và Tổng Bí thư Đảng xử lý công việc thường nhật. Ông lui về tuyến 2 chuyên công tác nghiên cứu lý luận Mác Lê Nin, thông qua Lâm Bưu làm Phó Chủ tịch Đảng sau này là Bộ trưởng Quốc phòng (thay thế Bành Đức Hoài) phát động phong trào học tập “Mao tuyển” trên toàn quốc.

Tiếp đó, Mao ủng hộ “Đại Cách mạng văn hóa vô sản” vào những năm 60 của thế kỷ XX. Mao tự đánh giá “”Đại Cách mạng văn hóa” là một trong hai đại sự lớn nhất đời Mao . Có điều đặc biệt là khi phát động “Đại nhảy vọt”, Mao Trạch Đông đã hơn 60 tuổi; còn “Đại Cách mạng văn hóa” diễn ra lúc ông gần 70 tuổi; và khi quyết định thiết lập ngoại giao với Hoa Kỳ thì Mao đã gần 80 tuổi.

RELATED ARTICLES

Tin mới