Trung Quốc đang tạo thế đối đầu trên mọi hướng, từ vấn đề Biển Đông, quan hệ căng thẳng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Ảnh do CSIS công bố hồi tháng 7 cho thấy Trung Quốc có thể đặt tên lửa trên đá Xu Bi
Trung tâm gây rối và lời ông Tập Cận Bình
Theo tờ Đông phương của Hong Kong, tình hình phía Đông Trung Quốc căng thẳng, khu vực Biển Đông vướng vào vụ Tòa Trọng tài, hướng Eo biển Đài Loan dậy sóng, khu vực biển Hoa Đông xuất hiện đối đầu Trung-Nhật và Mỹ cùng với Hàn Quốc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc…
Theo tờ báo của Hong Kong, để đối phó với vụ Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, bố trí lực lượng quân sự lớn tại khu vực Biển Đông, sẵn sàng tác chiến, nhằm vào tàu sân bay của Mỹ, đặc biệt lực lượng tên lửa của Trung Quốc còn phô trương vũ khí sát thủ tàu sân bay.
Tờ Đông phương nhận định trước những đối sách sức mạnh của Trung Quốc, Mỹ đã thay đổi giọng điệu và có thái độ ôn hòa hơn. Nhưng Trung Quốc không dừng lại mà cùng với Nga hợp sức, tập trận chung tại Biển Đông.
Báo này dẫn nguồn tin thân cận của giới lãnh đạo Trung Quốc tiết lộ các bước đi ở Biển Đông lần này là do Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân đưa ra và chỉ đạo thực hiện, còn Ủy ban An ninh Quốc gia triển khai, các bộ phận liên quan bố trí chấp hành.
Điều này thể hiện mô hình đối phó nguy cơ mới chưa từng có từ trước đến nay. Tờ Đông phương cho biết, tại một cuộc họp, ông Tập Cận Bình đã nói rằng: “Nếu như Trung Quốc tiếp tục không hành động, thứ còn lại chỉ là đống tư liệu lịch sử”.
Phát biểu này được phân tích là có hàm ý “phản đối ngoại giao một nghìn lần, không bằng răn đe quân sự một lần”.
Hàn Quốc đồng ý để Mỹ bố trí tên lửa THAAD
Hướng Eo biển Đài Loan, từ sau khi bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến lên nắm quyền, quan hệ giữa hai bờ trở nên căng thẳng. Phản ứng lại, Bắc Kinh lần lượt cắt đứt các kênh liên hệ chính với Đài Bắc, hạn chế du khách Đại lục sang Đài Loan và thu hẹp trao đổi thương mại.
Tại bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc đã cho phép Mỹ bố trí THAAD trên lãnh thổ của mình. Tờ Đông phương cho rằng bước đi này chứng tỏ Hàn Quốc đã chính thức từ bỏ chính sách ngoại giao cân bằng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc bắt đầu sử dụng phương thức hạn chế cũng như cấm vận kinh thế trong quan hệ với Hàn Quốc.
Nguy cơ xung đột với Nhật Bản
Biển Hoa Đông được tờ Đông phương nhận định là hướng chủ công của Trung Quốc hiện nay. Tàu cảnh sát biển, tàu đánh cá và tàu chiến của Hải quân Trung Quốc liên tiếp có những hành động cụ thể tại khu vực nhóm đảo tranh chấp Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc đang áp dụng phương thức mang tính “tấn công” đối với Nhật Bản.
Các cuộc tập trận quy mô lớn ở biển Hoa Đông chính là cách để Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự nhằm vào Nhật Bản. Theo tờ báo Hong Kong, quan hệ Trung- Nhật sẽ tiếp tục xấu đi trong thời gian tới, thậm chí không loại trừ xảy ra xung đột cục bộ quy mô nhỏ.
Trước động thái của Trung Quốc và nguy cơ từ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản cũng có tỏ ra quyết liệt, khiến nguy cơ xảy ra xung đột tăng cao.
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã xem xét phát triển một chương trình tên lửa mới với lý do “để bảo vệ an toàn cho lãnh thổ Nhật Bản”.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản tại khu vực Senkaku
Loại tên lửa đất đối hạm hiện nay của lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản được gọi là Type-12, có tầm bắn tối đa trên 100 km.
Theo nhận định, ngay cả khi được triển khai thì Type-12 không đủ khả năng tấn công các mục tiêu trong vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng biển tiếp giáp.
Nếu Nhật Bản triển khai tên lửa có tầm bắn lên tới 300 km, quân đội nước này sẽ đủ khả năng đánh chặn các mục tiêu tiến gần đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tờ Japan Times cho biết Nhật Bản đang có kế hoạch chế tạo loại tên lửa như vậy.
Còn tờ Yomiuri đưa tin Tokyo có kế hoạch đưa một dàn tên lửa chống hạm loại tối tân nhất ra đảo Miyako, thuộc tỉnh Okinawa.
Loại vũ khí này có tầm bắn 300 km, có thể bao phủ khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục tiêu của Nhật Bản là sẽ triển khai các tên lửa này vào tài khóa kết thúc ngày 31/3/2024.
Theo Japan Times, Nhật Bản dự định chỉ phát triển loại tên lửa này ở trong nước. Đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, có tính ổn định và có thể bảo quản trong thời gian dài. Với việc sử dụng nhiên liệu rắn và công nghệ hiện đại, tên lửa của Nhật Bản được cho là sẽ khó bị phát hiện trong quá trình chuẩn bị phóng.