Tờ Sydney Morning Herald cũng dẫn nhận xét của học giả Malcolm Davism, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia về vấn đề này: Nếu Bắc Kinh muốn thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ làm.
Đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc khởi hành từ cảng Thẩm Gia ở tỉnh Chiết Giang hướng tới ngư trường trên biển Hoa Đông
Và nếu Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu tới các cơ sở trên Biển Đông, Bắc Kinh sẽ tiếp tục bào mòn thực trạng hiện có ở vùng biển này theo chiến lược “lát cắt salami” – chiếm đóng dần dần trái phép các bãi cạn và đảo, nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp tại đây.
Ai ngồi chiếu dưới
Theo tờ South China Morning Post, với việc điều tàu hải cảnh và chiến đấu cơ tới biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc dường như muốn phát tín hiệu – có thể ra đòn bất cứ lúc nào, có thể hiện diện tại cả 2 vùng biển tranh chấp cùng một lúc. Động thái kể trên của Bắc Kinh diễn ra sau khi Trung Quốc thông báo, điều oanh tạc cơ H-6K, tiêm kích Su-30 và nhiều máy bay quân sự khác tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông. Tiến sĩ Jerry Hendrix (từng là Đại tá Hải quân Mỹ, đã nghỉ hưu), Giám đốc Chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) coi những động thái quyết liệt của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm thể hiện những toan tính liều lĩnh của Bắc Kinh – muốn độc bá cả 2 vùng biển này. Tiến sĩ Jerry Hendrix còn cho rằng, Bắc Kinh đã lựa chọn thời điểm cẩn thận để xây dựng các công trình này và các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ sẽ phải chuẩn bị các phương án để bảo vệ trật tự quốc tế đã được duy trì suốt 70 năm qua, nếu không sẽ phải chấp nhận ngồi chiếu dưới.
Ngày 12-8, báo chí Australia dẫn lời ông Andrew Shearer, người từng là Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott cho rằng, khoảng 70 nhà chứa máy bay tiêm kích của Trung Quốc xuất hiện trên ảnh vệ tinh mới đây cho thấy, Bắc Kinh đang nhanh chóng thay đổi sức mạnh quân sự trên các hòn đảo nhân tạo để kiểm soát những tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông, xây thêm đảo nhân tạo gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Và việc này sẽ diễn ra sau khi Trung Quốc tổ chức xong Hội nghị Thượng đỉnh G-20 trong 2 ngày 4 và 5-9. Tờ Sydney Morning Herald còn dẫn lời ông Andrew Shearer cho rằng, nhà chứa máy bay trái phép của Trung Quốc phục vụ mưu đồ kiểm soát Biển Đông. Và máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông, sẽ thách thức bất kỳ vùng trời nào do Trung Quốc ngang nhiên thiết lập tại khu vực này. Ông Andrew Shearer còn nhận định, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho các hành động mang tính rủi ro cao hơn nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đề ra ở Biển Đông, trước khi Mỹ và đồng minh kịp ngăn chặn điều đó xảy ra. Và đây cũng là những bằng chứng quan trọng cho thấy, Bắc Kinh đang trắng trợn quân sự hóa các đảo nhân tạo do Bắc Kinh ngang nhiên xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Theo tờ National Interest, hành động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo hé lộ toan tính của Trung Quốc – muốn độc chiếm và kiểm soát Biển Đông, và dường như Bắc Kinh đang bày ra một canh bạc trên Biển Đông để thách thức trật tự thế giới và khu vực và điều này buộc Mỹ phải có hành động quyết liệt để chống lại. Bởi nếu Trung Quốc quyết định bố trí, lắp đặt các loại vũ khí tối tân tại các đảo nhân tạo như DF-21D, tên lửa diệt hạm YJ-62, hệ thống tên lửa phòng không HQ-9A… sẽ đảo ngược cán cân trong khu vực – sẽ gần như kiểm soát toàn bộ cửa ngõ phía nam của Biển Đông đối với các tàu quân sự và thương mại nước ngoài. Tới khi đó, Bắc Kinh có thể hạn chế hoạt động của các loại máy bay chiến thuật, trừ máy bay tàng hình F-22 và F-35. Giới phân tích cho rằng, chính quyền Mỹ hiện nay và trong tương lai phải có những động thái quyết liệt để ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc, nếu không Biển Đông sẽ khó trở thành vùng biển hòa bình, ổn định theo luật pháp quốc tế.
Toan tính kiểu Trung Quốc
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, tàu hải cảnh và tàu cá là công cụ gặm nhấm biển của Trung Quốc và Bắc Kinh đang tận dụng mọi cơ hội để khẳng định ưu thế này. Bởi nếu Bắc Kinh huy động tàu cá của ngư dân và tàu hải cảnh, không phải tàu chiến của hải quân tiến vào các khu vực tranh chấp sẽ khiến đối phương “bó tay” và đây là động thái đáng quan tâm. Giáo sư Andrew Erickson đến từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, dân quân biển (tàu cá và ngư dân được chính phủ tài trợ, huấn luyện) đã trở thành lực lượng chủ yếu trong chiến dịch mở rộng quyền kiểm soát, gặm nhấm Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc. Học giả Christopher Hughes, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Warwick, Anh cho rằng, những diễn biến mới đây dường như tiềm ẩn nguy cơ khiến leo thang căng thẳng đáng kể tại những khu vực có tranh chấp.
Giới chuyên môn nhấn mạnh, quy mô ngành đánh bắt xa bờ (DWF) của Trung Quốc gia tăng với tốc độ chóng mặt và chính sách trợ giá nhiên liệu của Bắc Kinh là một trong những nhân tố tạo nên “kỳ tích” này. Greenpeace vừa đưa ra cảnh báo mới nhất về tình trạng bành trướng không kiểm soát của hoạt động kể trên. Bởi hiện Trung Quốc có khoảng 2.460 tàu cá, nhiều gấp 10 lần so với số tàu cá của Mỹ. Và ảnh hưởng của việc này còn gây sức ép tới sự bình ổn chung trên các đại dương. Theo Greenpeace, Mỹ đã gửi yêu cầu chính thức lên WTO yêu cầu Trung Quốc phải công khai chính sách trợ giá cho DWF, và phải thực thi chính sách này theo những quy định của WTO. Bởi việc phát triển ồ ạt đội tàu cá DWF của Trung Quốc bị coi là vượt quá khả năng khai thác thực tế và thiếu bền vững. Theo báo cáo của Greenpeace, Bắc Kinh đã trợ giá cho doanh nghiệp DWF từ lúc giá dầu diesel là 2.870 NDT/tấn cho tới khi tăng lên 5.070 NDT/tấn. Chỉ riêng việc trợ giá, số tiền Bắc Kinh chi cho DWF đã tăng gần 10 lần, từ mức 281 triệu NDT năm 2006 lên 2,68 tỉ NDT năm 2011. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, các doanh nghiệp DWF còn được chính quyền cấp tỉnh, thành phố ưu đãi đặc biệt để phát triển.
Vựa cá trên Biển Đông
Ngày 14-8, tờ Yomiuri Shimbun đưa tin, Tokyo sẽ triển khai một tên lửa đất đối hạm mới trong kế hoạch tăng cường phòng thủ các đảo miền Nam xa xôi và tầm phóng của tên lửa này sẽ bao trùm chuỗi đảo tranh chấp. Và việc này xuất phát từ hành động tái diễn khiêu khích của Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do đó Tokyo phải tăng cường khả năng răn đe. Quan hệ Nhật – Trung tiếp tục xấu đi sau khi Tokyo có Bộ trưởng Quốc phòng là “tướng bà” Tomomi Inada, người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh. Căng thẳng Nhật – Trung có thể kích hoạt các mối quan hệ khác và hiện vẫn chưa có cơ chế nào kiểm soát tình hình này.
Ngày 12-8, tờ Nikkei Asian Review cho biết, từ đầu tháng 8, tàu hải cảnh Trung Quốc cùng nhiều tàu cá phối hợp tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên tàu hải cảnh hộ tống tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật Bản, nhưng không có chuyện Tokyo chịu lép vế trước Bắc Kinh. Giới chuyên môn coi sự đổ bộ của 230 tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm 3 mục đích. Thứ nhất, trừng phạt chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vì dám can thiệp vào Biển Đông; Thứ hai, thăm dò phản ứng của Mỹ – Nhật vì 2 nước có hiệp ước đảm bảo an ninh, bao gồm cả phạm vi Senkaku/Điếu Ngư. Thứ ba, đánh lạc hướng dư luận quốc tế khỏi Biển Đông. Theo tờ Nikkei Asian Review, mục đích thực sự của Bắc Kinh trong động thái kể trên là buộc Mỹ ép Nhật Bản giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng nếu Washington hành động theo hướng này, sẽ mặc nhiên thừa nhận có tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư – rơi vào bẫy của Bắc Kinh. Và đây sẽ là hiểm họa đối với Nhật Bản bởi lâu nay Tokyo luôn duy trì quan điểm: không có tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản đang kiểm soát thực tế quần đảo này.
Ngày 11-8, tờ Japan Times dẫn tuyên bố hôm 10-8 của Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, khi ông Trình Vĩnh Hoa cho rằng, việc tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện liên tục gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong những ngày gần đây bởi khu vực này tập trung nhiều cá! Ngày 10-8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố báo cáo dài 9 trang mô tả chi tiết các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc cùng những bức ảnh làm bằng chứng cho thấy, đã có khoảng 200-300 tàu cá Trung Quốc và 16 tàu tuần tra của nước này hoạt động tại vùng biển tiếp giáp với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 10-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau tuyên bố, Washington đang theo dõi sát tình hình và quan ngại trước hành động của Trung Quốc. Đồng thời nhấn mạnh, Mỹ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào gây tổn hại tới việc quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.