Chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Mỹ nhận định, phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines có ảnh hưởng đến tranh chấp ở Hoàng Sa.
Trung Quốc cải tạo trái phép ở Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DFA
Amy Searight, nghiên cứu viên cao cấp thuộc CSIS nhận định, việc Tòa Trọng tại ngày 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” Trung Quốc đơn phương đưa ra ở Biển Đông và khẳng định không có cấu trúc nào ở Trường Sa được hưởng quy chế đảo đã tạo ra “một tiền lệ tốt”.
“Việt Nam cũng có thể căn cứ luật quốc tế để kiện Trung Quốc ở Hoàng Sa”, bà Searight cho biết tại Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, được tổ chức ở Khánh Hòa hôm 17/8. Bà cũng cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng ảnh hưởng từ kết quả vụ kiện của riêng mình để gây áp lực với Trung Quốc, buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết tranh chấp ở Hoàng Sa.
Chuyên gia người Đức Gerhard Manfred đánh giá, trong phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa không đề cập rõ đến Hoàng Sa tuy nhiên phán quyết có “tác động gián tiếp” và sẽ “có ích cho tương lai Hoàng Sa”.
Theo Phó Giáo sư Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, phán quyết của Tòa Trọng tài “mang tính lịch sử”, bởi đây là lần đầu tiên một thiết chế tư pháp quốc tế ra phán quyết chỉ rõ những yếu tố và điều kiện mà một cấu trúc địa lý phải đáp ứng để được thừa nhận là đảo, nơi được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer cho rằng, việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông rất khó khăn, khi Trung Quốc vẫn không chịu thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài. Bà Amy Searight nêu ra thực tế dù phán quyết của Tòa Trọng tài có tính ràng buộc, nhưng lại không có chế tài để ép buộc các bên thực thi. Các chuyên gia đều khẳng định các nước trong khối ASEAN phải đoàn kết thì mới có thể giải quyết được tranh chấp.
“Theo tôi, cách duy nhất để giải quyết tranh chấp khu vực là các nước ASEAN phải kiên định, đoàn kết, cùng nhau đòi hỏi về trách nhiệm đạo đức buộc Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết”, theo bà Searight.
Chuyên gia người Đức Gerhard Manfred cũng cảnh báo các nước trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông không đối phó bằng quân sự với Trung Quốc, thay vào đó các nước cần áp dụng biện pháp ngoại giao, luật quốc tế. Theo ông, ngay cả Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu cũng khá kiềm chế sau phán quyết của Tòa.
“Các nước trong khối ASEAN cần đồng nhất trong quan hệ, đoàn kết, tạo nên liên minh để đối phó tranh chấp Biển Đông và không để Trung Quốc gây chia rẽ cộng đồng bằng những đàm phán song phương không có kết quả”, ông Manfred nói.