Trung Quốc và Asean đã thống nhất sẽ cùng thiết lập đường dây nóng và thực thi bộ nguyên tắc ứng xử nhằm tránh các đụng độ ngoài ý muốn trên Biển Đông.
Tàu Trung Quốc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 5-5 năm nay – Ảnh: AFP
Theo Straistimes, ngày 16-8, các quan chức cao cấp của Trung Quốc và ASEAN đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc hoạt động của một đường dây nóng giữa các nhà ngoại giao cao cấp và nội dung bản tuyên bố chung về Bộ quy tắc ứng xử cho những đụng độ ngoài ý muốn trên biển (Code for Unplanned Encounters at Sea – CUES) sau cuộc họp hai ngày 15-16 tháng 8 tại thành phố Manzhouli (Mãn Châu Lý) thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.
Hai tài liệu này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc tháng tới để đợi phê chuẩn.
Tại cuộc họp giữa các quan chức cấp cao lần thứ 13 về việc thực thi Tuyên bố ứng xử giữa các bên tại Biển Đông (DOC), các nhà lãnh đạo cũng đã đồng thuận trong việc hoàn tất dự thảo khung về Quy tắc ứng xử (COC) vào giữa năm tới.
Đây cũng là sự kiện lần đầu tiên đánh dấu mốc thời gian được đặt ra chính thức cho vấn đề này.
Tại cuộc họp báo, thứ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin (Lưu Chấn Dân) cho rằng, DOC vẫn chưa được sử dụng hiệu quả để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Ông Lưu Chấn Dân vẫn lặp lại luận điệu lâu nay của Trung Quốc là muốn Biển Đông trở thành vấn đề nghị sự riêng của nội bộ giữa các bên khi đề nghị khai thác sâu thêm những nội dung của DOC để có căn cứ “tự tay chúng ta giải quyết các tranh chấp và ngăn ngừa sự can thiệp của bên ngoài”.
Bộ trưởng ngoại giao Singapore, Chee Wee Kiong, là người đồng chủ trì phiên họp cấp cao trong hai ngày 15 và 16-8.
Tuy nhiên trong các thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị, chưa có chi tiết nào cho thấy Bộ quy tắc ứng xử cho những đụng độ ngoài ý muốn trên biển (CUES) có bao hàm cả vấn đề tàu cảnh sát biển hay không.
Trung Quốc và Asean đã ký kết DOC từ năm 2002 với nội dung kêu gọi giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại trực tiếp giữa các nước có chủ quyền. Tuy nhiên điều mà nhiều người hy vọng là việc chính thức đạt được thỏa thuận về tính ràng buộc pháp lý của COC.
Các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được khởi xướng từ năm 2013 nhưng cho tới nay vẫn đạt được rất ít tiến bộ vì sự miễn cưỡng kéo dài của Trung Quốc.
Tuy nhiên có thể thấy rõ là sau khi tòa trọng tài quốc tế tại The Hague ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu tỏ ra quan tâm hơn tới DOC và hối thúc các bên thực hiện tuyên bố này.